Cuối năm, ngân hàng lại dồn dập tăng vốn
Các ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động tăng vốn trong giai đoạn cuối năm khi làn sóng dịch bệnh vẫn đang diễn ra.
VietCapitalBank vừa thông báo chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản về việc điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ. Theo dự kiến ban đầu, Viet Capital Bank sẽ tăng vốn thêm 1.052 tỷ đồng, nhưng hiện tại, HĐQT ngân hàng xin ý kiến cổ đông điều chỉnh phương án tăng vốn thêm 1.618 tỷ đồng.
Kế hoạch tăng vốn mới sẽ thực hiện cả 3 phương án: Phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần thông qua chi trả cổ tức từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ dự kiến 15% với tổng giá trị phát hành 550,6 tỷ đồng.
Đồng thời, VietCapitalBank tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành cổ phiếu ra công chúng (phát hành cho cổ đông hiện hữu) theo tỷ lệ 4:1 với tổng giá trị phát hành tối đa theo mệnh giá: 917,7 tỷ đồng. Cuối cùng là tăng vốn điều lệ theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong ngân hàng (ESOP) với tổng giá trị phát hành tối đa theo mệnh giá là 150 tỷ đồng.
Nếu cả ba phương án trên thành công, vốn điều lệ của Viet Capital Bank sẽ tăng lên mức 4.789 tỷ đồng.
Theo VietCapitalBank, việc tăng vốn điều lệ ở mức cao hơn theo phương án mới là nhằm tăng cường năng lực tài chính để chuẩn bị đẩy nhanh kế hoạch mở rộng quy mô trong thời gian tới. Ngày chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến là 24/11. Thời gian lấy ý kiến cổ đông được Ngân hàng Bản Việt dự kiến từ ngày 1-15/12/2021.
Tương tự, ngân hàng ABBank cho biết, trong thời gian từ ngày 18/11-8/12/2021, ngân hàng nhận tiền mua cổ phiếu từ đợt phát hành hơn 114,26 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn.
Bên cạnh đó, ABBank cũng đã hoàn tất hồ sơ nộp Ủy ban Chứng khoán để thực hiện phát hành hơn 11,426 triệu cổ phần cho nhân viên theo chương trình ESOP. Đáng chú ý, ngay sau khi hoàn thành đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ESOP, ABBank tiếp tục triển khai chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ với số tiền được sử dụng tổng cộng gần 2.440 tỷ đồng. Sau khi kết thúc đợt chia cổ phiếu thưởng, tổng vốn điều lệ của ABBank sẽ đạt gần 10.000 tỷ đồng.
Ngân hàng SHB cũng tăng vốn từ 19.260 tỷ đồng lên hơn 26.674 tỷ đồng. Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 tỷ lệ 10,5%, tăng vốn điều lệ thêm gần 2.022 tỷ đồng. Đồng thời, SHB sẽ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương với tỷ lệ 28% với giá dự kiến 12.500 đồng/cổ phiếu, bằng gần 50% thị giá hiện tại, nâng vốn thêm hơn 5.391 tỷ đồng.
Nếu cả hai đợt phát hành đều thành công, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng vọt lên gần 26.700 tỷ đồng, tức hơn 40% so với hiện tại. Việc tăng vốn điều lệ tại SHB nhằm mục tiêu nâng cao tiềm lực tài chính, mở rộng quy mô cho vay, đầu tư vào công nghệ thông tin. Đặc biệt là đẩy mạnh việc số hóa ngân hàng, hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại, đa năng với các sản phẩm, dịch vụ tài chính tối ưu theo chuẩn 4.0.
Ở nhóm ngân hàng nhà nước cũng đang dồn dập tăng vốn trong giai đoạn cuối năm nay sau thời gian 'dậm chân tại chỗ'.
Chẳng hạn, BIDV đã chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản về phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức và chào bán cổ phần mới cho các cổ đông.
Theo kế hoạch được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, BIDV sẽ tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng, lên mức 48.524 tỷ đồng thông qua phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 và 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 đồng thời phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
“Quán quân” lợi nhuận Vietcombank cũng vừa được chấp thuận tăng thêm hơn 10.000 tỷ đồng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận để lại của năm 2019 để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 8%, nâng tổng vốn lên hơn 47.325 tỷ đồng.
Cuối năm, ngân hàng dồn dập tăng vốn phần lớn do phải đáp ứng các yêu cầu an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II, xa hơn Basel III.
Được biết, theo quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN, chậm nhất đến ngày 1/1/2023, các ngân hàng phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay chỉ mới có 16/35 ngân hàng đáp ứng được chuẩn Basel II. Đáng nói, dù một số ngân hàng đã đạt chuẩn Basel II song áp lực tăng vốn vẫn hiện hữu khi quy mô hoạt động của ngân hàng đang tăng lên.
Ngoài ra, việc tăng vốn điều lệ giúp ngân hàng tăng năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn trung - dài hạn để mở rộng hoạt động tín dụng khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn bị kiểm soát chặt hơn theo lộ trình tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN.
Mới đây, một loạt ngân hàng đã được nới room tín dụng. Khi tốc độ tăng trưởng tín dụng gia tăng thì tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu cũng phải tương ứng để giúp các ngân hàng có bộ đệm vốn lớn hơn vừa duy trì đà tăng trưởng hiện tại vừa đáp ứng biên độ an toàn vốn lớn hơn trong giai đoạn tới. Vì ngân hàng đang đối mặt thách thức về khoản nợ xấu tiềm ẩn vì dịch Covid -19 kéo dài. Do đó, khả năng cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2022.