Đắk Lắk: Cảnh báo “cò” cắm biển báo quy hoạch giả để “thổi giá đất lùa gà”
Thời gian qua, hàng loạt tin đồn, tung chiêu trò của “cò đất” nhằm thổi giá đất và trục lợi từ người mua khiến nhiều nhà đầu tư sập bẫy “tiến thoái lưỡng nan”. Mới đây, một sự việc cắm biển quy hoạch giả, tung tin đồn nhằm thổi giá lên gấp 7-10 lần đã diễn ra tại một xã của huyện Krông Pắk, Đắk Lắk.
Cắm biển quy hoạch giả lừa nhà đầu tư
Việc cắm biển báo quy hoạch giả lừa nhà đầu tư ôm đất là chiêu trò mới của “cò mồi” khiến nhiều người sập bẫy. Tình trạng đáng báo động này đã xảy ra trên địa bàn xã Hòa An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Sau khi nắm được tình hình, UBND xã Hòa An đã có báo cáo gửi lên Huyện ủy xin ý kiến chỉ đạo xử lý vụ việc.
Ông Vương Hữu Phúc – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An cho biết, chính quyền xã đã phát đi thông báo cảnh báo người dân địa phương cảnh giác, không nhẹ dạ cả tin để tránh bị lừa.
Ông cũng cho hay, nhóm đối tượng này nắm được thông tin xã Hòa An đang lập lại cơ sở dữ liệu, số hóa nên thủ tục đổi bìa, cắt thửa sẽ lâu hơn bình thường nên sử dụng chiêu trò tinh vi, gài bẫy người mua. Lợi dụng kẽ hở về thủ tục, các đối tượng mua và đứng ra cọc đất ghi thời gian giao bìa trong hợp đồng ngắn nhằm để người dân vào thế vi phạm hợp đồng; đến thời gian giao bìa nhưng chưa thể làm bìa xong, người dân phải bồi thường hợp đồng.
Nhóm đối tượng này còn sử dụng chiêu trò đặt giá mua, cọc tiền đất. Sau 4-5 ngày sẽ cho đồng bọn đến gặp chủ đất để ra giá mua lô cao hơn, khuyên chủ đất bồi thường tiền cọc. Khi bỏ cọc sẽ được người mua mới hỗ trợ 50% số tiền cọc bồi thường. Đáng nói, sau khi bồi thường tiền cọc cho người đặt mua trước, người dân bị người mua sau “thoái” không mua nữa, khiến chủ đất thiệt hại khoản bồi thường tiền cọc.
Chính quyền địa phương vào cuộc
Sau khi nhận được báo cáo của UBND xã Hòa An, ngày 14/4, lãnh đạo Huyện ủy Krông Pắk đã chỉ đạo công an vào cuộc làm rõ và xử lý nghiêm minh việc các đối tượng tự ý cắm bảng quy hoạch trên địa bàn xã. Phía huyện cũng yêu cầu các cơ quan liên quan mời những hộ dân đến để làm rõ việc quản lý đất đai, vì sao để người lạ ngang nhiên cắm cọc trên đất nhà mình.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, trong 3 tháng đầu năm nay, có hơn 100.000 giao dịch mua bán đất đai. Chỉ số này tăng gần 200% so với cùng kỳ năm trước. Hiện trên địa bàn tỉnh, tình trạng “sốt” đất vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhất là tại TP Buôn Ma Thuột và các địa bàn ven thành phố.