Đấu giá đất vẫn sôi động: Thị trường bất động sản chuyển mình sau giai đoạn trầm lắng?
Năm 2025 chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của các phiên đấu giá đất trên cả nước, đặc biệt tại các khu vực đô thị hóa nhanh và các tỉnh vệ tinh. Mặc dù thị trường bất động sản trong hai năm trở lại đây trải qua nhiều biến động, từ siết tín dụng đến chính sách kiểm soát giá đất và quy hoạch, nhưng các phiên đấu giá đất công vẫn thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư và người dân có nhu cầu thực.

Sôi động các phiên đấu giá
Với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng và sự dịch chuyển của dòng tiền, thị trường đất nền các tỉnh trở thành một trong những kênh đầu tư hấp dẫn. Theo đó, hoạt động đấu giá đất tại nhiều nơi đang diễn ra rất sôi động.
Đơn cử như tại Hà Nội, ngày 11/5, Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt cho biết, đơn vị chuẩn bị phối hợp tổ chức đấu giá quyền sử dụng 30 lô đất ở tại khu Bà Hòa 2, thôn Phong Triều, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên (thành phố Hà Nội), tổng diện tích các thửa đất là 2.600,44 m2. Cụ thể, các thửa đất có diện tích dao động từ 75 - 117m2; giá khởi điểm từ 3.430.000 đồng/m2.
Trong tháng 5/2025, 231 lô đất thuộc huyện Phù Cừ, huyện Yên Mỹ và thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) sẽ được đưa ra đấu giá. Cụ thể, tại huyện Phù Cừ, vào ngày 18/5 tới, Công ty Đấu giá Hợp danh Sao Mai Group phối hợp tổ chức đấu giá quyền sử dụng 131 lô đất là tài sản của UBND huyện Phù Cừ.
Các lô đất được đưa ra đấu giá nằm trên địa bàn xã Nguyên Hòa, có diện tích từ 98-201,8m2. Mức giá đấu giá khởi điểm từ 9-10,8 triệu đồng/m2, tương đương mỗi lô có giá khởi điểm từ 900 triệu đến hơn 2,1 tỷ đồng.
Tại thành phố Hưng Yên, vào ngày 23/5, Công ty Đấu giá Hợp danh Sao Mai Group cũng sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 59 lô đất (đợt 6), là tài sản của UBND TP Hưng Yên. Các lô đất được đem ra đấu giá có diện tích từ 87,5-309,6m2. Giá đấu khởi điểm từ 14,5 đến 32,4 triệu đồng/m2, tương đương mỗi suất có giá khởi điểm từ hơn 1,6 tỷ đến gần 6 tỷ đồng.
Tại huyện Yên Mỹ, ngày 24/5, Công ty Đấu giá Hợp danh Sao Mai Group cũng tiếp tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng 41 lô đất, thuộc địa bàn thôn Hào Xuyên, xã Tân Lập.
Diện tích các lô đất đấu giá từ 87,5m2 đến 280m2. Đơn giá từ 25-30 triệu đồng/m2, tương đương mỗi suất đất có giá khởi điểm từ hơn 2,1 tỷ đến trên 8,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, tỉnh Hà Nam, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh dự kiến tổ chức đấu giá quyền sử dụng 95 lô đất thuộc dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất tại thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục vào ngày 15/5/2025. Các lô đất có diện tích 105-219m2/lô, với giá khởi điểm 5,8-7,1 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, đơn vị này còn thông báo đấu giá quyền sử dụng 117 lô đất thuộc khu đấu giá tại xã Thanh Phong và xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, diện tích từ 84-130m2/lô và giá khởi điểm là 4-5,5 triệu đồng/m2.
Kỳ vọng duy trì sức nóng
Với sự hỗ trợ của chính sách và nhu cầu thị trường thực tế, các chuyên gia kỳ vọng hoạt động đấu giá đất sẽ tiếp tục duy trì sức nóng trong suốt năm 2025. Tuy nhiên, cục diện sẽ phân hóa rõ rệt: đất có vị trí tốt, hạ tầng kết nối, pháp lý rõ ràng sẽ hút nhà đầu tư; ngược lại, những khu vực chưa rõ quy hoạch hoặc chỉ "ăn theo tin đồn" sẽ khó thu hút được sự quan tâm.
Ngoài ra, việc các tỉnh thành áp dụng công nghệ số trong quản lý, công khai dữ liệu đất đai và tổ chức đấu giá cũng sẽ góp phần làm minh bạch hóa thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Đồng thời, nhiều nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý "đón đầu quy hoạch" và cho rằng giá đất sẽ tiếp tục tăng khi các địa phương thực hiện quy hoạch bài bản và đẩy mạnh phát triển hạ tầng. Đặc biệt, với việc Luật Đất đai sửa đổi 2024 bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2025, nhiều quy định mới đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xác lập quyền sử dụng đất thông qua đấu giá.
Sự minh bạch trong quá trình tổ chức đấu giá và định giá đất cũng được cải thiện, giúp nhà đầu tư yên tâm hơn về pháp lý. Thêm vào đó, tâm lý đầu tư dài hạn – thay vì “lướt sóng” như các giai đoạn trước – cũng giúp thị trường đấu giá đất phát triển bền vững hơn.
Một yếu tố quan trọng giữ cho thị trường đấu giá đất sôi động là nhờ chính sách điều tiết chặt chẽ của Nhà nước. Sau hàng loạt vụ đấu giá "ảo" và bỏ cọc đình đám năm 2022-2023, nhiều địa phương đã siết chặt điều kiện tham gia đấu giá, yêu cầu đặt cọc cao hơn, kiểm tra năng lực tài chính, và giám sát chặt chẽ quy trình.
Nhờ đó, tỷ lệ người trúng đấu giá rồi bỏ cọc giảm mạnh, góp phần giữ ổn định thị trường và hạn chế đầu cơ. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tổ chức các phiên đấu giá minh bạch hơn, thậm chí một số nơi bắt đầu ứng dụng công nghệ số để tổ chức đấu giá trực tuyến, tăng tính công bằng và tiếp cận cho người dân.
Dù thị trường đấu giá đất năm 2025 khá sôi động, nhưng các chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư cần tỉnh táo và có cái nhìn dài hạn. Việc tham gia đấu giá với kỳ vọng giá đất sẽ "sốt" trở lại như thời kỳ 2021 có thể dẫn đến rủi ro tài chính nếu thị trường điều chỉnh hoặc thanh khoản thấp.
Ngoài ra, một số khu vực vùng ven tuy có quy hoạch phát triển nhưng tiến độ triển khai hạ tầng còn chậm, khiến giá trị đất không tăng như kỳ vọng. Nhà đầu tư cần thẩm định kỹ vị trí, pháp lý và quy hoạch trước khi xuống tiền