Để bất động sản “tự bơi”
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nêu rõ quan điểm để thị trường bất động sản và doanh nghiệp bất động sản “tự bơi”, không can thiệp giải cứu, mà chỉ hỗ trợ qua cơ chế chính sách, pháp luật.
HoREA cho hay, vấn đề của thị trường bất động sản hiện nay xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Nguyên nhân khách quan đến từ yếu tố xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine đầu năm, lạm phát tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, HoREA cũng nhìn nhận, nguyên nhân chủ quan chủ yếu bắt nguồn từ nội tại nền kinh tế và chính thị trường bất động sản trong nước.
HoREA nhận định, vấn đề cũng xuất phát từ “cuộc chạy đua” tối đa hóa lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản mà chưa cân bằng lợi ích giữa chủ thể gồm người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Có nhiều trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật, thậm chí phạt áp dụng các hình thức xử phạt hành chính, xử lý hình sự.
Đáng chú ý, HoREA đề nghị thống nhất quan điểm không giải cứu thị trường bất động sản và doanh nghiệp bất động sản. Thay vào đó, sẽ chỉ hỗ trợ thông qua các cơ chế chính sách, pháp luật nhằm tạo điều kiện để thị trường tự điều tiết.
Về phía doanh nghiệp bất động sản, HoREA nêu quan điểm doanh nghiệp cần chủ động tự điều chỉnh, tái cấu trúc, tái cơ cấu, giảm giá nhà đi kèm hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu, để vượt qua khó khăn và hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, hướng đến tăng trưởng theo hướng phát triển minh bạch, an toàn và bền vững.
Cùng chung quan điểm với HoREA, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhấn mạnh, các doanh nghiệp địa ốc nên “tự cứu lấy mình” bởi đây là hậu quả của việc không tập trung vào những dự án phục vụ nhu cầu thực của số đông ở nhiều doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp bất động sản phải chủ động cứu lấy mình. Nếu sản phẩm đang bán giá quá cao, xem xét có sự điều chỉnh để người dân tiếp cận được. Còn Chính phủ tháo gỡ cho thị trường sẽ đưa ra các chính sách, giải pháp, còn đáp ứng, xoay xở được đến đâu là ở phía doanh nghiệp. Sẽ không có chuyện bơm tiền để cứu doanh nghiệp hay thị trường”, ông Đính nói.
Tương tự, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản - Bộ Xây dựng cho biết, sẽ không có chuyện Chính phủ “bơm tiền” để giải cứu thị trường và doanh nghiệp bất động sản. Thay vào đó cần có giải pháp tổng thể để tháo gỡ khó khăn, bất cập ở các lĩnh vực liên quan đến thị trường.
“Để giải quyết các vấn đề của thị trường bất động sản một căn cơ, bài bản, thống nhất thì cần phải hoàn thiện các thể chế và hệ thống pháp luật liên quan chẳng hạn như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và các luật khác”, ông Dũng nói.
GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng sẽ không có chuyện Nhà nước cứu thị trường bất động sản, nếu có sẽ chỉ cứu thị trường tài chính vì ảnh hưởng đến câu chuyện ổn định kinh tế vĩ mô. Ngay cả các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng không có tiền lệ giải cứu thị trường bất động sản.
GS. Võ dẫn chứng cuộc khủng hoảng cho vay nhà thế chấp diễn ra tại Mỹ năm 2008 khiến hệ thống ngân hàng nước này tê liệt.
“Thời điểm đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phải bỏ rất nhiều tiền với lãi suất 0% để cứu các ngân hàng chứ không phải cứu các doanh nghiệp bất động sản vì thị trường ngân hàng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Nếu thị trường tài chính bất ổn, nền kinh tế có nguy cơ sụp đổ”, GS. Võ phân tích.