240.000 tỷ đồng được “bơm” thêm vào nền kinh tế liệu có “giải cứu” được thị trường bất động sản?

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% (khoảng 240.000 tỷ đồng) cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo đó, nhiều chuyên gia nhận định, động thái này từ phía Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng sẽ làm "tan băng" được phần nào thị trường bất động sản.

240.000 tỷ đồng được "bơm" thêm vào thị trường

Tối 5/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% (nới room) cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) theo hướng, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Việc phải cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng là điều mà Thống đốc NHNN yêu cầu đối với các TCTD.

Theo đó, NHNN cũng cho biết, việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để bảo đảm thanh khoản, an toàn hoạt động, bảo đảm khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Về quyết định mới nhất việc nới hạn mức (room) tín dụng thêm 1,5-2%, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc nới room để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực, mở rộng tín dụng đối với những doanh nghiệp, đối tượng, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế.

240.000 tỷ đồng được “bơm” thêm vào nền kinh tế liệu có “giải cứu” được thị trường bất động sản? - Ảnh 1
 

“Có thể nói, dư địa khá lớn cho các ngân hàng thương mại cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế. Nhưng điều quan trọng khi có thêm room tín dụng, các ngân hàng thương mại cũng phải chủ động, tích cực huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội để tạo nguồn cho vay”, ông Tú nhấn mạnh.

Vị phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thêm, việc phân bổ tín dụng có nhiều mong muốn và mục tiêu đặt ra. Trước hết, mục tiêu chính là tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng vào các lĩnh vực cần thiết. Nhưng việc phân bổ tín dụng chỉ dành cho những ngân hàng có thanh khoản dồi dào và thực hiện chính sách giảm lãi suất hiện nay.

Mặt khác, một số ngân hàng vẫn còn room tín dụng theo như đã được phân bổ từ đầu năm. Ví dụ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), dư địa tín dụng còn khá dồi dào nên không cần thiết phải nới room thêm lần này. Hay một số ngân hàng đang tăng lãi suất ở mức cao thì Ngân hàng Nhà nước thấy rằng cũng cần phải hạn chế tăng trưởng tín dụng…

Thị trường bất động sản sẽ được hưởng lợi?

Về những lĩnh vực sẽ được ưu tiên “rót” vốn khi room tín dụng được nới, ông Đào Minh Tú cho hay, tượng cần được tập trung cho vay trước hết là lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt, vốn ưu tiên cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế trong lúc này.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Thủ tướng cũng chỉ đạo quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là lĩnh vực giúp cho người dân có tiền mua nhà ở xã hội cũng như nhà ở phục vụ thực sự cho nhu cầu đời sống.

Từ trước đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho những lĩnh vực mua nhà ở xã hội của người dân được khơi thông cũng như có nguồn lực để người dân mua nhà.

Thực tế, thời gian qua, nhiều trường hợp người mua nhà phải xếp hàng hồ sơ tín dụng chờ ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng mới, doanh nghiệp bất động sản cũng không thu được nguồn tiền.

Thị trường bất động sản liệu có “tan băng”?

Nhiều chuyên gia đánh giá, những động thái mới việc nới room tín dụng cùng với đó là các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ được kỳ vọng sẽ làm "tan băng" được phần nào thị trường bất động sản.

Về vấn đề room tín dụng được nới, chuyên gia cho biết, hiện tình trạng người mua nhà xếp hồ sơ chờ vay vốn nhưng không vay được do hết room tín dụng khá phổ biến.

Nhiều trường hợp người dân mua nhà để ở, đã nộp 70-80% giá trị hợp đồng nhà. Họ còn thiếu 20-30% nữa để có thể nhận nhà nhưng gặp đúng lúc ngân hàng hết hạn mức giải ngân, khiến họ gặp không ít khó khăn. Doanh nghiệp cũng không thu được nguồn tiền.

Do đó, việc nới room tín dụng, cấp tín dụng cho người mua nhà được kỳ vọng sẽ làm "tan băng" được phần nào thị trường bất động sản.

240.000 tỷ đồng được “bơm” thêm vào nền kinh tế liệu có “giải cứu” được thị trường bất động sản? - Ảnh 2
 

Mặc dù có nhiều tín hiệu vui thì dòng vốn tín dụng, tuy nhiê, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng đưa ra lý do khiến thị trường bất động sản vẫn còn gặp khó khăn trong thời gian tới.

Thứ nhất, ngoài những người mua nhà có nhu cầu gấp, còn lại, chủ yếu là tâm lý chờ đợi, hy vọng là giá vẫn còn xuống tiếp rồi mới đưa ra quyết định.

Thứ hai, đối với nhà đầu tư, khi thanh khoản thị trường đi xuống, liệu bây giờ mua đi bán lại liệu có gặp khó khăn hay không?.

Cuối cùng vẫn là vấn đề dòng tiền khi kể cả các doanh nghiệp hay người mua nhà nếu muốn mua bất động sản thì phải có nguồn vốn. Tuy nhiên, các nguồn vốn hiện nay về cơ bản đều tương đối eo hẹp, việc nới room tín dụng chỉ giải quyết được một phần khó khăn đó.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, sau việc nới room tín dụng của NHNN, thị trường bất động sản sẽ “đỡ hơn”.

Tuy vậy, đại diện Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh, thị trường bất động sản vẫn tồn tại nhiều khó khăn cần được tháo gỡ. Cụ thể, thời gian qua, nguồn cung có chiều hướng giảm; giao dịch bất động sản trầm lắng, tính thanh khoản giảm; một số doanh nghiệp bất động sản phải dừng hoạt động liên quan đến đầu tư dự án nhà ở, bất động sản.

Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Tổ trưởng.

Theo đó, Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng thông tin thêm, ngay sau khi thành lập, Tổ công tác đã làm việc với các địa phương, một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản, nắm rõ các vấn đề vướng mắc về pháp luật đất đai; về trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng dự án nhà ở, khu đô thị; về nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, nguồn vay tín dụng; về triển khai giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục phê duyệt dự án đầu tư phát triển nhà ở tại các địa phương.

Ở một diễn biến mới đây, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tình hình đang ổn định trở lại, nhất là tâm lý thị trường, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nắm vững tình hình, diễn biến các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, dự báo các khó khăn, rủi ro, có các giải pháp hiệu quả, dứt khoát không để ách tắc vốn cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng hạn mức tín dụng hợp lý, hiệu quả cho các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả,... Có chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội; rà soát các dự án bất động sản để hỗ trợ các dự án đủ điều kiện. Các tổ chức tín dụng phát huy tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Thủ tướng phân tích nền kinh tế phát triển, người dân có tiền gửi thì ngân hàng mới phát triển được nên trong lúc khó khăn, các ngân hàng phải chia sẻ với người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển