Đề nghị kiểm soát 'tiền bẩn' đổ vào BĐS để rửa tiền

Chủ tịch HoREA đề nghị kiểm soát chặt nguồn "tiền bẩn" mua bất động sản để "rửa tiền".

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trong 15 năm gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) đã phát triển vượt bậc, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định, bền vững.

Đề nghị kiểm soát 'tiền bẩn' đổ vào BĐS để rửa tiền - Ảnh 1
Sốt đất ở nhiều nơi. Ảnh: Cafe land

Tình trạng sốt đất xảy ra liên tiếp gây tác động tiêu cực tới kinh tế, xã hội.

Để khắc phục tình trạng này, HoREA đề xuất sử dụng hiệu quả công cụ thuế và ban hành thuế bất động sản. Theo đó, đánh thuế thu nhập cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập; áp mức thuế suất rất cao đối với việc chuyển nhượng nhà đất trong năm đầu tiên và giảm dần trong 3 năm đầu. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được 3 năm, hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà, đất là chính đáng, thì áp dụng thuế suất bình thườngđể không ảnh hưởng đến người mua nhà để ở, có nhu cầu tạo lập nhà ở thực.

Cùng với đó, HoREA cũng đề xuất áp dụng mức thuế suất luỹ tiến theo số lượng nhà đất đối với người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở, hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh, nhằm điều chỉnh và định hướng hành vi mua, bán, chuyển nhượng nhà, đất trên thị trường BĐS hướng đến mục tiêu phát triển lành mạnh, ổn định. Ngoài ra, HoREA cũng cho rằng cần có sắc thuế đánh trên hành vi của người sử dụng đất chậm đưa đất vào sử dụng, với thuế suất cao nhằm triệt tiêu ý định “găm giữ” đất, chậm đưa đất vào sử dụng và để chống đầu cơ đất đai.

Ngoài ra, để sử dụng hiệu quả công cụ thuế và thuế suất để bình ổn khi có biến động của thị trường bất động sản, HoREA đề nghị Quốc hội giao thẩm quyền cho Chính phủ quyết định thuế suất chống đầu cơ, để kịp thời xử lý và bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động.

Đặc biệt, HoREA đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét nâng lãi suất tái cấp vốn, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm ngay tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn để cắt cơn sốt “bong bóng” bất động sản. Đồng thời, sử dụng biện pháp giảm tỷ lệ cho vay tín dụng mua bất động sản để kiểm soát đầu tư “lướt sóng”.

Theo vị này, trong 3 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản 3%, tuy có cao hơn tăng trưởng tín dụng chung chỉ tăng 2,93%, nhưng không quá bất thường. Câu hỏi đặt ra là nguồn vốn đầu tư rất lớn làm cho thị trường bất động sản sốt nóng "bong bóng" hiện nay đến từ đâu?

"Chúng tôi nhận thấy, ngoài nguồn tiền nhàn rỗi, tiền để dành, vàng cất giữ trong dân, tiền từ chốt lời chứng khoán và nguồn tiền "kiều hối" (khoảng 20% "kiều hối" đầu tư vào bất động sản), thì đề nghị Nhà nước cần quan tâm để kiểm soát chặt nguồn "tiền bẩn" (có nguồn gốc tội phạm, hoặc có thể do tham nhũng) mua bất động sản để "rửa tiền", ông Lê Hoàng Châu đề nghị.

Thái An

Theo Đất Việt