Để nhà giá rẻ thực sự… các ông lớn BĐS bước vào cuộc đua mới
Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, chưa được "rã đông" khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản “thoi thóp” do thiếu dòng tiền hoạt động. Để giải quyết tình trạng này, nhiều doanh nghiệp địa ốc chuyển hướng sang làm nhà ở xã hội giá rẻ. Có thể thấy, phân khúc nhà ở xã hội đang ở trong thời điểm “chín muồi” bởi hàng loạt các chính sách hỗ trợ cho đến sự hăng hái nhập cuộc của các doanh nghiệp đầu ngành. Hướng đi này của các doanh nghiệp cũng được nhận định là một giải pháp giúp doanh nghiệp khơi thông dòng tiền, đồng thời, tận dụng tối đa những chính sách vừa được ban hành dành riêng cho phân khúc Nhà ở xã hội.
-
Trong bối cảnh đại đa số các dự án đang nằm im chờ pháp lý, thanh khoản èo uột thì động thái bé lái của các ông lớn ngành địa ốc giúp giải quyết các vấn đề nội tại của doanh nghiệp như việc làm cho người lao động, kích hoạt dòng tiền… Mặc dù biên lợi nhuận với NOXH thấp hơn và cũng không ít khó khăn bởi các điều kiện với người mua, thời điểm bán, chính sách vay, song nếu các doanh nghiệp biết tận dụng, đây vẫn là đường thoát tối ưu.
Cuộc đua ngày càng nóng
Một loạt các chính sách hỗ trợ tối đa từ Nhà nước, Chính phủ trong công cuộc gỡ vướng thị trường bất động sản như các gói vay ưu đãi làm NOXH hay các Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình,… đã tạo nên “cú hích” cho nhà ở xã hội nóng trở lại trong thời gian qua.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, hàng loạt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được nhiều doanh nghiệp khởi công hoặc lên kế hoạch xây dựng trên khắp cả nước.
Chia sẻ tại Đại hội cổ đông năm nay, nhiều doanh nghiệp địa ốc ưu tiên phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhà vừa túi tiền, xây dựng chính sách hỗ trợ người mua nhà. Điều này cho thấy, cuộc đua phân khúc này có thể nóng trở lại trong năm nay.
Tại đại hội cổ đông thường niên của Tập đoàn Vinhomes mới đây, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết, trong 5 năm tới doanh nghiệp này sẽ tập trung xây dựng khoảng 500.000 căn nhà ở xã hội tập trung tại khu vực vùng ven những đô thị lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Quy mô của các dự án sẽ từ 50 - 60ha.
Nhà ở xã hội Vinhomes Happy Home. |
Những dự án này nằm tách biệt khỏi các dự án nhà ở thương mại hoặc là các khu đất nhà ở xã hội trong các đại dự án của Vinhomes. Dự kiến giá bán căn hộ tại đây sẽ dao động từ 300 - 950 triệu đồng mỗi căn. Ngoài ra, Vinhomes còn hứa hẹn sẽ giúp nâng tầm nhà ở xã hội với hệ sinh thái đầy đủ tiện ích như: Khu vui chơi trẻ em, công viên, sân chơi thể thao…
Tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp diễn ra năm ngoái, ông Phạm Thiếu Hoa từng đưa ra đề xuất rút ngắn thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội xuống 90 đến 120 ngày, thay vì 600 ngày như hiện tại.
Thực tế, Vinhomes cũng đã bắt tay vào làm nhà ở xã hội với thương hiệu Happy Home. Doanh nghiệp này xác định đây sẽ là phân khúc trọng tâm phát triển trong thời gian tới với mục tiêu “làm thay đổi quan niệm về nhà ở xã hội”.
Tại ĐHCĐ Nam Long vừa diễn ra, ông Trần Xuân Ngọc, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long cho biết, Công ty có dự định tham gia thị trường NOXH với cam kết đóng góp 20.000 căn trong những dự án công ty làm. Đồng thời, doanh nghiệp liên tục tìm kiếm quỹ đất, phát triển bất động sản vừa túi tiền với người dân.
Được biết, Nam Long đã có một loạt các sản phầm NOXH trong các dự án KĐT tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Trong đó, doanh nghiệp này hướng đến dòng Ehome là chủ lực.
Chỉ tính trong năm 2023, Nam Long dự kiến kế hoạch mở bán vào cuối năm các sản phẩm như: Ehome S Nguyên Sơn, Ehome Southgate, Ehome Cần Thơ, Ehome ở Hải Phòng. Trong đó Ehome Southgate nằm trong khu đô thị tích hợp Waterpoint (Long An) chuẩn bị chào các block tiếp theo với mức giá từ 1.1 tỷ đồng/căn. Các block mở bán trước đó ghi nhận "cháy hàng".
Hay tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân – đơn vị có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực NOXH cũng đã đặt mục tiêu làm 50.000 sản phẩm NOXH. Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hoàng Quân, mục tiêu năm 2023 của doanh nghiệp là đẩy mạnh tìm kiếm dự án, phát triển đầu tư NOXH, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp theo định hướng, ủng hộ của Chính phủ.
Chia sẻ tại Đại hội, ông Trương Anh Tuấn cho biết: Trước Đại hội, có người muốn rót đến 1.000 tỷ vào HQC để làm NOXH, có người muốn rót 200 tỷ…. tôi tin rằng với sự ủng hộ này, cùng những chính sách mới thì NOXH sẽ phát triển.
Hay một doanh nghiệp lớn khác như Kim Oanh Group, đơn vị này cũng cho biết đang sở hữu quỹ đất khoảng 500 ha tại các khu vực phát triển sôi động như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Phú Quốc (Kiên Giang). Đây đều là những dự án trọng điểm thuộc nhiều phân khúc thị trường khác nhau.
Theo bà Đặng Thị Kim Oanh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Kim Oanh Group chia sẻ, sau hơn một năm nghiên cứu thị trường và phân khúc nhà ở xã hội, Kim Oanh Group đã hoàn thành Đề án phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp với hai giai đoạn phát triển từ nay đến năm 2028.
“Đây là một nỗ lực của Kim Oanh Group hưởng ứng Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ nhằm hỗ trợ người lao động tại các địa phương có thêm điều kiện an cư lạc nghiệp. Các dự án của Kim Oanh Group đều đáp ứng tiêu chí lấy con người làm trung tâm, thiết kế giàu tính thẩm mỹ nhưng thông thoáng, tiết kiệm năng lượng sử dụng và chi phí vận hành thấp”, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Kim Oanh Group cho hay.
Kim Oanh Group đặt mục tiêu phát triển 26 dự án (gồm 23 dự án nhà ở xã hội và 3 dự án nhà ở thu nhập thấp) với tổng cộng khoảng 40.000 căn với tổng mức đầu tư khoảng 31.000 tỷ đồng.
Theo bà Oanh, từ nay đến năm 2026, Kim Oanh Group sẽ giới thiệu ra thị trường 14 dự án với 25.000 căn nhà ở xã hội. Riêng năm 2023, Kim Oanh sẽ giới thiệu ra thị trường 4.800 căn nhà ở xã hội thấp tầng và cao tầng tại Bình Dương và Đồng Nai.
Thực tế trong thời gian qua, hàng loạt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được các doanh nghiệp khởi công hoặc lên kế hoạch xây dựng trên khắp cả nước.
"Cơn khát" nhà giá rẻ sắp được giải toả?
Từ nhiều năm nay, sự chênh lệch nguồn cung giữa các phân khúc bất động sản đang là vấn đề nóng của thị trường. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện nay trên thị trường bất động sản, phân khúc nhà ở thương mại chiếm đa phần các dự án được doanh nghiệp mở bán, trong khi đó có rất ít dự án nhà ở cho người thu nhập thấp được đưa ra thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM đánh giá, việc các nhà đầu tư giàu tiềm lực tham gia phân khúc nhà giá rẻ là tín hiệu rất tích cực với thị trường. Các ông lớn có động thái điều chỉnh dòng tiền, cơ cấu lại danh mục sản phẩm theo hướng phù hợp với tài chính của đại đa số người mua ở thực là một bước đi quan trọng giúp cân bằng và ổn định lại thị trường, mang lại tín hiệu đầy tích cực để giải “cơn khát” cho phân khúc nhà giá rẻ vốn đã “cạn” nguồn cung vài năm gần đây.
Bên cạnh đó, ông Châu cho rằng, để khuyến khích doanh nghiệp làm nhà giá rẻ, chính quyền cần có các động thái hỗ trợ thiệt thực như cần nhanh chóng cởi trói về cơ chế và giải bài toán nguồn vốn vay ưu đãi… Các doanh nghiệp BĐS bên cạnh mảng nhà ở bán cũng cần tăng cường phát triển mảng nhà cho thuê phục vụ nhóm công nhân, người lao động thu nhập ít ỏi khó có thể mua được nhà tại các đô thị. “Nếu được "cởi trói" vướng mắc pháp lý, nhiều doanh nghiệp lớn khác sẽ tích cực hơn khi tham gia vào phát triển mảng sản phẩm này, từ đó giúp nguồn cung nhà giá bình dân được cải thiện, cơn khát nhà ở của người dân sẽ được giải tỏa", ông Châu nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 9 dự án với tổng số khoảng 18.768 căn. Trong số đó, nhà ở xã hội có 6 dự án quy mô 7.730 căn bao gồm Hải Phòng 4 dự án với 6.707 căn; Hà Nội 1 dự án có khoảng 720 căn và Lâm Đồng 1 dự án tương đương 303 căn.
Cùng đó là 3 dự án nhà ở công nhân với quy mô 11.038 căn; trong đó, Hải Phòng có 1 dự án với 2.538 căn, Bình Định 1 dự án khoảng 1.500 căn và Bắc Giang 1 dự án tương ứng 7.000 căn.
Bên cạnh đó, số liệu từ Ngân hàng Chính sách Xã hội cho thấy, đến nay, trên cả nước đã giải ngân được trên 6.200 tỷ đồng cho khoảng 15.000 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 18/6, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.
Đánh giá về việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng cho biết đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7,950 triệu m2.
Hiện cả nước đang tiếp tục triển khai 418 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, có tổng diện tích khoảng 22,565 triệu m2.
Tính đến thời điểm này, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 25,6 m2 sàn/người.