Đề xuất sân bay là sốt đất: Cấm công chức tham gia?
Dù một số địa phương mới đề xuất bổ sung quy hoạch nhưng giá đất đã bị giới đầu cơ đẩy lên cao gấp nhiều lần so với giá trị thực tế.
Khảo sát buổi sáng, trưa sốt đất bùng lên
Cục Hàng không Việt Nam mới đây đã gửi tờ trình Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 lên Bộ GTVT.
Trong tờ trình, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất lựa chọn phương án đến năm 2030 cả nước sẽ có 26 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không nội địa nội địa.
Định hướng đến năm 2050, số lượng cảng hàng không cả nước cũng chỉ dừng ở con số 30 cảng hàng không, gồm 15 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không nội địa.
So với hệ thống 22 cảng hàng không hiện nay, tới năm 2050, hệ thống cảng hàng không của Việt Nam sẽ được bổ sung 8 cảng hàng không, gồm: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng hàng không quốc tế thứ 2 vùng Thủ đô, các cảng hàng không Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Cao Bằng, Sa Pa (Lào Cai), Phan Thiết (Bình Thuận), Quảng Trị.
Tuy nhiên, thời gian qua đã có hàng loạt địa phương đề xuất xây sân bay, nhiều địa phương trong số đó không nằm trong quy hoạch mà Cục Hàng không xây dựng, như: Ninh Bình, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Bình Phước, Bắc Giang, Hà Giang.
"Cò" đất dẫn khách tới khu vực dự kiến làm sân bay ở huyện Hớn Quản. Ảnh: VietNamNet |
Đáng lưu ý, dù mới chỉ là đề xuất nghiên cứu bổ sung quy hoạch nhưng ngay lập tức, tại nhiều địa phương đã xảy ra những cơn sốt đất, đẩy giá đất lên cao chóng mặt, gấp nhiều lần so với giá trị thực tế.
Mới đây nhất là ở Bình Phước, tỉnh này mới đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch sân bay lưỡng dụng và cũng chỉ dừng ở việc lãnh đạo tỉnh Bình Phước đi khảo sát vị trí nghiên cứu lập dự án sân bay Técníc ở huyện Hớn Quản. Tuy nhiên, buổi sáng lãnh đạo tỉnh đi khảo sát thì đến buổi trưa, cơn sốt đất đã bắt đầu bùng lên.
Nhiều đối tượng đầu cơ, môi giới đất đai trong và ngoài tỉnh lợi dụng thông tin về việc khảo sát sân bay Técníc để tụ tập đông người đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần so với giá trị thực tế.
Theo khảo sát, cơn sốt ảo khiến giá đất mặt tiền ở các tuyến đường liên xã tại An Khương trước Tết từ 60-70 triệu đồng một mét ngang, đầu tháng 3 tăng lên 350 đến 500 triệu đồng mét ngang, có nhiều nơi lên đến 600 triệu đồng. Giá đất rẫy điều, vườn cao su ở sâu bên trong rẻ hơn, trung bình một sào đất nông nghiệp bán 2-3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 10 ngày sau cơn sốt nóng (19-29/2), giá đất ở quanh hai xã này đã trở về trạng thái cũ, các đoàn cò đất chẳng còn ai.
Minh bạch là yêu cầu quan trọng nhất
Sốt đất ở Hớn Quản nhanh chóng xẹp là nhờ sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của chính quyền nơi đây.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn mình quản lý; thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng; thường xuyên cập nhật, thông tin tuyên truyền đến người dân về chủ trương quy hoạch sân bay Técníc theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, trang thông tin điện tử, facebook của tỉnh, huyện để người dân biết, không để các đối tượng cơ hội đất đai lợi dụng đưa thông tin gây hiểu nhầm nhằm trục lợi.
Đối với UBND hai xã Tân Lợi, An Khương, UBND huyện Hớn Quản yêu cầu quản lý chặt chẽ quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất khu vực sân bay Técníc, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp xây dựng trái quy định, sử dụng đất sai mục đích, các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai tại khu vực sân bay.
UBND huyện cũng yêu cầu hai xã kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi tụ tập đông người không có tổ chức, trái phép gây mất an ninh trật tự, không đeo khẩu trang tại nơi công cộng để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 đặc biệt tại khu vực sân bay. Tuyên truyền, vận động, khuyến cáo người dân nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số không để các đối tượng cơ hội đất đai lôi kéo, xúi dục bán đất dẫn đến không còn đất để sản xuất nông nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ đói, nghèo…
UBND huyện Hớn Quản yêu cầu Ban Chỉ huy Quân sự huyện tăng cường quản lý đất đai thuộc khu vực sân bay Técníc được giao, không để người dân lấn chiếm, mua bán trái phép…
Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện hỗ trợ lực lượng cho UBND các xã Tân Lợi, An Khương tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi tụ tập đông người, không đeo khẩu trang nơi công cộng, không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đặc biệt tại khu vực sân bay; cử các lực lượng chức năng nắm bắt thông tin, điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có những hành vi đưa thông tin sai sự thật về quy hoạch sân bay.
Một lãnh đạo huyện Hớn Quản cho biết, bởi được tuyên truyền, vận động nên người dân trong khu vực nhanh chóng hiểu rõ mục đích của các đối tượng cò đất, môi giới là làm giá, thổi giá, xúi giục mua bán đất để trục lợi.
Cũng theo vị lãnh đạo này, đám đông và những người ăn theo các đối tượng môi giới, cò đất cũng muốn lợi dụng cơ hội để kiếm được chút nào hay chút đó, có người kiếm được, song cũng có người đến giờ vẫn ôm.
"Qua gần 10 ngày, giao dịch chính thống hầu như không có. Các đối tượng livestream, đăng hình ảnh đặt cọc, chốt cọc nhưng thực tế thì chỉ có nhóm đó tự làm với nhau là chính, sốt đất vì thế cũng nhanh chóng xẹp xuống", vị lãnh đạo huyện Hớn Quản cho biết.
Chính quyền huyện Hớn Quản cũng tuyên truyền, chấn chỉnh và yêu cầu cán bộ công chức không tham gia vào việc giao dịch đất tại khu vực này.
Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Quang Học, Trưởng bộ môn Quy hoạch đất đai, Khoa Quản lý đất đai (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, sốt đất chỉ làm lợi cho một số ít người, còn lại đa phần bị thua thiệt.
Yêu cầu quan trọng nhất để dẹp sốt đất, theo ông, chính là sự minh bạch - minh bạch trong công tác quản lý, minh bạch trong quy hoạch, minh bạch trong việc cung cấp thông tin đến người dân, minh bạch trong quá trình tiếp cận nguồn lực về đất đai của các doanh nghiệp…
"Khi minh bạch, liêm chính, công bằng thì sốt đất ảo không có lý do để tồn tại", ông nói.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Quang Học, trong thực tế có hiện tượng cán bộ công chức lợi dụng việc biết trước thông tin đề xuất quy hoạch nên tham gia mua gom đất, bán lại kiếm lời.
Đáng lưu ý, nhiều trường hợp cho thấy cán bộ, công chức tham gia mua gom đất không bao giờ lộ diện, họ chỉ đứng sau, thông qua các sàn bất động sản hay người khác để thực hiện việc này.
"Bởi vậy, nếu chính quyền địa phương có văn bản nhắc nhở thì đó cũng không phải là biện pháp căn bản, vì đâu có "bắt tận tay, day tận trán" họ. Người lộ mặt trong các giao dịch như vậy thường chỉ là người nghèo, còn người có tiền tham gia giao dịch chỉ đứng sau", ông Học nhận xét.
Bởi vậy, vị chuyên gia một lần nữa nhấn mạnh, điều quan trọng là chính quyền phải vào cuộc ngay lập tức khi sốt đất rộ lên, minh bạch thông tin để người dân được rõ.