“Điểm nóng” của thị trường bất động sản Hà Nội
Trong giai đoạn thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, thì phía Bắc và phía Đông được kỳ vọng là 2 khu vực tiềm năng nhất của thị trường bất động sản Hà Nội.
Phía Bắc và phía Đông Hà Nội sở hữu nhiều tiềm năng
Theo một khảo sát của Batdongsan.com.vn với các môi giới bất động sản ghi nhận có 31,7% môi giới tham gia khảo sát cho rằng phía Bắc Hà Nội gồm: Đông Anh và Mê Linh sẽ là nơi đón sóng bất động sản với sự tăng trưởng nguồn cung và giao dịch trong tương lai.
Trong khi đó, có 29,8% môi giới bất động sản cho rằng khu Đông Hà Nội gồm Gia Lâm và Hưng Yên sẽ là điểm nóng của bất động sản Hà Nội trong tương lai. Tỉ lệ này ở phía Nam Hà Nội (gồm Hoàng Mai và Thanh Trì) là 14,9% và ở phía Tây Hà Nội gồm Hoài Đức và Đan Phượng là 12,5%.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, trong thời gian tới, phía Bắc và phía Đông được kỳ vọng là 2 khu vực tiềm năng nhất của thị trường bất động sản Hà Nội. Đây là 2 khu vực có những lợi thế riêng trong phát triển.
“Các khu vực của Hà Nội đều đang có những lợi thế riêng biệt. Khu vực phía Bắc hưởng lợi từ hệ thống giao thông đã và đang hình thành. Trong đó, Sóc Sơn dự kiến là 1 trong 5 khu đô thị vệ tinh của Hà Nội. Trong khi đó, phía Đông Hà Nội có lợi thế quỹ đất lớn và nguồn cung bất động sản đa dạng. Đây cũng là nơi đang hiện hữu nhiều khu đô thị lớn đã hình thành. Các cây cầu như cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì, cầu Long Biên, cầu Chương Dương và tương lai dự kiến là cầu Trần Hưng Đạo cùng với đường vành đai 2, vành đai 3 và quy hoạch dự kiến tuyến Metro 1 và Metro 8 sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình kết nối phía Đông với trung tâm Hà Nội”, ông Quốc Anh nhận định.
Cũng theo số liệu từ Batdongsan.com.vn, thị trường bất động sản trong quý III/2023 ghi nhận các dự án lớn xung quanh Hà Nội đều có tốc độ tăng trưởng giá tốt. Từ mức giá trung bình 100 triệu đồng/m2 năm 2018, hiện giá phân khúc thấp tầng tại phía Đông Hà Nội là 214 triệu đồng/m2; phía Tây Hà Nội là 226 triệu đồng/m2, phía Bắc là 244 triệu đồng/m2 và phía Nam là 186 triệu đồng/m2.
Lấy điển hình như dự án khu đô thị Ciputra đã tăng giá 24%/năm, khu đô thị Starlake tăng giá 33%/năm, Vinhomes Riverside tăng giá 32%/năm, Mailand Hanoi City tăng giá 29%/năm, ParkCity tăng giá 23%/năm, The ManorCentral Park tăng giá13%/năm, Gamuda City tăng 27%/năm, Vinhomes Ocean Park Gia Lâm tăng 24%/năm…
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Trong 10 năm trở lại đây, bất động sản phía Đông Hà Nội có tiến trình phát triển ấn tượng. Từ địa hạt của nhà thu nhập thấp, khu vực này chứng kiến cuộc đổ bộ của nhiều ông lớn địa ốc với sự thâm nhập của đa dạng loại hình bất động sản. Khu Đông Hà Nội có 3 lợi thế để tạo nên sức hút mạnh mẽ:
Thứ nhất là quỹ đất rộng, địa lý thuận lợi: Khu vực phía đông TP Hà Nội nằm chủ yếu bên kia bờ sông Hồng, đối diện với khu vực đô thị lõi của Hà Nội như quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hồ Tây.
Thứ hai là hạ tầng quy hoạch bài bản: Chủ trương xây dựng khu vực này trở thành chùm đô thị hiện đại văn minh thiết kế mới như những quốc gia phát triển. Trên ý tưởng đó quy hoạch Thủ đô đã được Chính phủ phê duyệt đến năm 2030, tầm nhìn 2045, cấu trúc sẽ trở thành những đô thị đặc biệt.
Cuối cùng là hiện khu vực phía Đông đang hình thành các khu đô thị xanh, thông minh. Điểm dễ nhận thấy là các đô thị khu Đông đang xâu chuỗi với nhau tạo nên một liên kết giá trị với nhau, tức là các dự án đó tạo ra giá trị tương hỗ lớn cho nhau.
Thị trường bất động sản Hà Nội cuối năm sẽ tích cực?
Thị trường bất động sản Hà Nội trong quý III vẫn diễn biến chậm với lượng giao dịch thấp. Cùng đó, các chủ đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng trong việc ra hàng mới. Tuy nhiên, các chuyên gia của Công ty Savills Việt Nam nhận định, sự hình thành quận mới và cơ sở hạ tầng hoàn thiện dự kiến sẽ dần thúc đẩy sự phục hồi thị trường bất động sản Thủ đô.
Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội dẫn chứng, nguồn cung mới của thị trường căn hộ trong quý III/2023 giảm 47% theo quý và 65% theo năm và toàn bộ là căn hộ hạng B. Nguồn cung sơ cấp cũng giảm 3% theo quý và 6% theo năm.
Tuy nhiên, giá sơ cấp căn hộ ghi nhận tăng 2% theo quý và 13% theo năm, cao hơn 77% so với quý I/2019. Cùng đó, giá thứ cấp cũng tăng 2% theo quý và 8% theo năm.
Lượng thanh khoản trong quý cũng giảm 16% theo quý và 42% theo năm. Trong khi đó, số lượng căn hộ bàn chưa được cải thiện, vẫn giảm 26% mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2025, thúc đẩy nhu cầu thứ cấp và củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Điểm sáng duy nhất ghi nhận tại thị trường bất động sản Hà Nội là việc chờ đón huyện Gia Lâm sẽ lên quận trong quý IV năm nay và dự kiến sẽ bổ sung hơn 8.000 căn hộ cho nguồn cung tương lai. Cùng đó, khu vực này cũng được hưởng lợi từ việc hoàn thành giai đoạn 2 cầu Vĩnh Tuy trong quý III/2023 và cầu Đuống vào năm 2025 sẽ tạo sức hấp dẫn cho bất động sản phía Đông thành phố.
Theo bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội đánh giá, thời gian tới, thị trường bất động sản nhà ở vẫn tồn tại nhiều thách thức. Tuy nhiên, các luật liên quan đang được sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn, loại bỏ dần các vướng mắc tồn tại kéo dài. Đây cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần tạo điều kiện cho thị trường nhà ở phát triển.
Mặc dù tình hình hoạt động của thị trường bất động sản Hà Nội trong quý III/2023 diễn biến tương đối chậm với nhiều thách thức hiện hữu nhưng sự xuất hiện của các nhà bán lẻ quốc tế, lượng du khách nội địa ổn định, các dự án FDI mới, cũng như những nỗ lực chủ động tháo gỡ những nút thắt của thị trường từ Chính phủ, đang hứa hẹn triển vọng phục hồi tích cực của thị trường.
Đặc biệt, Chính phủ tiếp tục nỗ lực hơn trong phát triển cơ sở hạ tầng và đưa ra các chính sách hỗ trợ, sửa đổi luật để tạo điều kiện phát triển thị trường. Bên cạnh đó, Hà Nội đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và nhà bán lẻ quốc tế nhờ những ưu điểm nội tại cùng việc ký kết thành công Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ gần đây.