“Điểm nóng” đầu tư bất động sản vùng Tây Nam Bộ
Các chuyên gia nhận định khi khoảng cách di chuyển không quan trọng, đầu tư bất động sản sẽ chuyển dịch đến các thị trường mới, có lợi thế về giá, quỹ đất, hạ tầng và tiềm năng phát triển.
Trước những thông tin tích cực về hạ tầng giao thông, thị trường bất động sản Tây Nam Bộ đang trở thành tâm điểm thu hút nhà đầu tư cả nước. Với mục tiêu đưa Tây Nam Bộ phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng, gần đây hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đã được triển khai.
Cụ thể, Tây Nam Bộ đã khởi công 2 tuyến cao tốc trục ngang: An Giang - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng và tuyến Cao Lãnh - An Hữu, với tổng chiều dài hơn 215km, tổng vốn đầu tư hơn 51.000 tỷ đồng.
Riêng đối với thành phố Cần Thơ, với vị thế nằm ở trung tâm Tây Nam Bộ, đây được các chuyên gia đánh giá là thị trường “sáng giá” cho bất động sản ở thật. Với mật độ dân số cao gấp ba lần mật độ dân số toàn quốc và gấp hai lần mật độ dân số cả vùng, nhu cầu về nhà ở tại Cần Thơ ngày càng tăng cao nhờ thu hút người dân nhiều nơi đến học tập, sinh sống, nhất là nguồn lao động dồi dào làm việc trong các khu, cụm công nghiệp trên toàn thành phố. Đối tượng nhập cư này có nhu cầu an cư lớn, thúc đẩy nhu cầu đất nền, nhà phố, căn hộ tại địa phương.
Đặc biệt, thành phố Cần Thơ sở hữu nhiều yếu tố hiện hữu làm tiền đề cho sự phát triển đô thị: trọng điểm kinh tế phía Nam, đầu mối giao thông-giao thương quan trọng nhất Tây Nam Bộ, mật độ dân số cao, tăng trưởng kinh tế ổn định.
Năm 2022, Cần Thơ có mức độ tăng trưởng GRDP cao nhất từ trước đến nay, đạt 12,64%, đứng hạng thứ sáu so với cả nước, xếp thứ hai trong vùng Tây Nam Bộ và 5 thành phố trực thuộc Trung ương. GDP bình quân đầu người đạt gần 86 triệu đồng. Tỷ trọng nghiêng về khu vực dịch vụ, chiếm 52,47%; khu vực công nghiệp-xây dựng, chiếm 31,03%. Tốc độ phát triển kinh tế cũng tạo tiềm năng tăng trưởng của bất động sản ở thật tại Cần Thơ.
Các chuyên gia cho rằng sự phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông đô thị tại Cần Thơ sẽ làm gia tăng giá trị bất động sản của khu vực này. Bên cạnh đó, một số đô thị loại I như Long Xuyên (tỉnh An Giang), Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) cũng sẽ phát triển loại hình này cùng với tiến trình đô thị hóa luôn thu hút lực lượng lao động chất lượng cao về làm việc.
Ngoài sức hút từ “thủ phủ” Tây Nam Bộ là thành phố Cần Thơ, nhà đầu tư đang quan tâm đến những thị trường mới khác cũng có các ưu thế như vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng giao thông đường thủy và đường bộ liên vùng đồng bộ, bao gồm các thành phố: Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), Châu Đốc (tỉnh An Giang)…
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Cần Thơ Dương Quốc Thủy, các phân khúc bất động sản Tây Nam Bộ hiện nay là khá đa dạng, mỗi dòng sản phẩm đều có tiềm năng phát triển riêng.
Về bất động sản công nghiệp, Long An là điểm sáng của vùng vì có vị trí giáp Thành phố Hồ Chí Minh, giao thông thuận lợi và cũng là tỉnh tập trung nhiều nhất các khu, cụm công nghiệp.
Một số khu công nghiệp cho thuê hiệu quả như: khu công nghiệp Hải Sơn mở rộng, Đức Hòa 1, Tân Đức, Xuyên Á,… mức giá cho thuê nếu so với Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương khá cạnh tranh. Ngoài ra, nhiều địa phương vùng Tây Nam Bộ cũng đẩy mạnh quy hoạch đầu tư khu công nghiệp như Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp,… với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư như: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 9 năm tiếp theo, được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 15 năm.
Về tỉnh Hậu Giang, chuyên gia bất động sản Lê Tiến Vũ cho rằng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng Tây Nam Bộ, địa phương đang dần khẳng định vị thế và tiềm năng, trở thành thỏi nam châm thu hút dòng vốn đầu tư.
Điều này thể hiện rõ qua các chỉ số trong quý 2/2023 như mức độ quan tâm bất động sản nhà riêng tại Hậu Giang tăng 13%, mức độ quan tâm bất động sản phân khúc đất nền tại thành phố Vị Thanh tăng 15%. Trước đó, tính cả năm 2022, tốc độ phát triển tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ước đạt 113,94%, đứng đầu vùng Tây Nam Bộ và thứ tư trên toàn quốc.
Tỉnh Hậu Giang cũng đang tập trung đầu tư cải tạo và nâng cấp các tuyến đường tỉnh như: đường tỉnh 925B Đường tỉnh 926B, ĐT 927, ĐT 929, nâng cấp QL61C tuyến nối Vị Thanh-Cần Thơ... Đây là tín hiệu để tỉnh Hậu Giang “bứt tốc” phát triển hạ tầng giao thông, mở ra nhiều cơ hội mới, gia tăng tiềm lực thu hút, kêu gọi đầu tư, tăng cường liên kết giữa tỉnh với các địa phương trong vùng Tây Nam Bộ.
Trước đó, tại “Hội thảo Bất động sản Tây Nam Bộ năm 2023: Động lực mới - Sức bật mới”, ông Lê Tiến Vũ nhận định Tây Nam Bộ sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, khí hậu, không chỉ phát huy tiềm năng tăng trưởng nông nghiệp, xuất khẩu thủy hải sản mà còn thu hút mạnh dòng vốn FDI lĩnh vực công nghiệp, năng lượng sạch, logistics… Tây Nam Bộ đang đẩy mạnh phát triển kinh tế thông qua tối ưu lợi thế vùng; Cơ sở hạ tầng giao thông được tập trung cải thiện. Tất cả tạo nên động lực vô cùng lớn, thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bất động sản.