Điểm tin bất động sản tuần qua: Di dời khẩn cấp toàn bộ cư dân tòa chung cư mini nứt cột bê tông, doanh nghiệp Mỹ xây nhà máy hydro xanh đầu tiên tại Việt Nam
Những thông tin bất động sản tuần qua như di dời khẩn cấp toàn bộ cư dân tòa chung cư mini nứt cột bê tông, doanh nghiệp Mỹ xây nhà máy hydro xanh đầu tiên tại Việt Nam thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp…
Tập đoàn Mỹ xây nhà máy hydro xanh đầu tiên tại Việt Nam
Ngày 20/2, Honeywell công bố đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với công ty The Green Solutions - TGS (giải pháp xanh), một trong những công ty tiên phong phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, để cung cấp công nghệ hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS), cùng với các giải pháp và kiến thức chuyên môn khác.
Trải rộng trên một diện tích hơn 20ha, dự án Hydro xanh Trà Vinh đang được xây dựng tại Đồng bằng sông Cửu Long với ý tưởng trở thành trung tâm năng lượng xanh của địa phương. Nhà máy sẽ sản xuất hydro xanh thông qua quá trình điện phân nước biển, ban đầu nhắm mục tiêu sản lượng 24.000 tấn hydro và 195.000 tấn oxy y tế mỗi năm với mức đầu tư gần 8 nghìn tỷ đồng (327 triệu USD).
Trang tin của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay nhà máy này sản xuất hydro xanh bằng phương pháp điện phân nước biển, công nghệ của dự án là dùng điện để tách nước thành hydro và oxy. Dự án sử dụng chủ yếu nguồn điện năng lượng tái tạo và sẽ sản xuất khí hydro xuất khẩu cho thị trường quốc tế trong giai đoạn đầu khi thị trường hydro ở Việt Nam chưa phát triển.
Honeywell là một tập đoàn tài chính đa quốc gia có trụ sở tại thành phố Charlotte, bang North Carolina, Mỹ, tập trung vào 4 lĩnh vực chính: hàng không vũ trụ, công nghệ xây dựng, vật liệu và công nghệ hiệu suất (PMT) và giải pháp bảo hộ (SPS). Tập đoàn này phục vụ nhiều ngành công nghiệp và khu vực địa lý trên khắp thế giới, với các hoạt động kinh doanh chú trọng vào ba xu hướng lớn – tự động hóa, tương lai ngành hàng không và chuyển đổi năng lượng.
Đà Lạt nhập huyện thành quận có diện tích lớn nhất cả nước
Theo quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ, phấn đấu đến năm 2045, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc trung ương gồm 3 quận, 3 thị xã, 3 huyện.
Theo lộ trình đã được duyệt, đến năm 2025, Lâm Đồng sẽ nhập huyện Lạc Dương vào TP. Đà Lạt. Sau khi sáp nhập, diện tích tự nhiên của TP. Đà Lạt sẽ tăng từ 391,15km2 lên 1.705,1km2, gấp 4,3 lần. Dân số cũng tăng từ 258.014 người lên 293.649 người.
Theo đó, TP. Đà Lạt sẽ có 22 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 12 phường, 1 thị trấn và 9 xã. Trong đó, tổng số 12 phường cũng đảm bảo tỷ lệ về số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã quy định. Thành phố mới có địa giới hành chính tiếp giáp với hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk.
Cũng theo quy hoạch trên, đến năm 2045, TP. Đà Lạt sẽ trở thành quận, thuộc khu vực nội thành thành phố trực thuộc trung ương Lâm Đồng.
Với quy mô sau mở rộng là 1.707km2, Đà Lạt sẽ trở thành quận có diện tích lớn nhất cả nước, gấp 13,6 lần quận rộng nhất Việt Nam hiện tại là Ô Môn (TP. Cần Thơ) - 125,4km2.
Highlands Coffee bỏ thuê đất 'vàng'
Highlands Coffee quen thuộc bao năm ở vị trí đẹp nhất Hà Nội.
Highlands Coffee giới thiệu Nhà hát Lớn là 1 trong gần 800 địa điểm đặt quán cà phê của hãng tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong danh sách cập nhật mới nhất được hãng này công bố trên mạng xã hội, cái tên Nhà hát Lớn đã không còn xuất hiện.
Ông Chu Anh Hùng, Phó Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội cho biết, thương hiệu cà phê Highlands Coffee trước đây thuộc khuôn viên nhà hát đã không còn hợp đồng với đơn vị.
Hiện khuôn viên này được sử dụng làm không gian phục vụ âm nhạc cho khán giả, đặt tên Music Garden.
Không chỉ đặt tại tuyến phố có giá thuê đắt đỏ bậc nhất thế giới, nhiều năm qua, Highlands Coffee còn toạ lạc tại khuôn viên Nhà hát Lớn - một địa điểm thu hút rất nhiều du khách khi đến với Hà Nội và cũng là nơi tổ chức các sự kiện văn hoá tầm cỡ.
Gần 60 hộ dân sống trong tòa chung cư mini ở 22B ngõ 236 phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) buộc phải di dời do nhiều cột bê tông, cốt thép dưới tầng để xe bỗng nhiên bị nứt toác. Nguyên nhân là do một số cột bê tông, cốt thép ở tầng 1 của tòa chung cư này bị nứt toác từ nhiều ngày nay.
Tòa chung cư mini ở 22B ngõ 236 Khương Đình (phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) có 8 tầng, khoảng 60 căn hộ; được chủ đầu tư bán cho các hộ dân và đưa vào sử dụng từ năm 2017 đến nay.
Sau đó, theo lời kể của các hộ dân, từ ngày 30 Tết, cư dân phát hiện các cột ở tầng 1 của tòa nhà bỗng nhiên nứt toác. Từ đó đến nay, cư dân sống trong nỗi lo tòa nhà không đảm bảo an toàn. Có gia đình không dám ở phải thuê chỗ khác nhưng cũng có những hộ buộc phải sống trong lo sợ nơm nớp vì không thuê được nhà. Cho đến ngày 24/2, toàn bộ cư dân đều đã được di dời ra khỏi tòa nhà.
Ngay sau khi nhận thông tin về vụ việc trên, Quận Thanh Xuân đã kịp thời đến hiện trường kiểm tra, khảo sát hiện trạng công trình.
Hàng loạt dự án lớn "mở hàng" đầu năm 2024
Trong hai tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp địa ốc thi nhau dồn sự quan tâm vào các dự án ở tỉnh. Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An đã công bố liên danh CTCP Vinhomes - CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây tại xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, tiến độ thực hiện 7 năm (kể từ ngày có quyết định chấp thuận nhà đầu tư). Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 80.000 tỷ đồng, chi phí mặt bằng là 10.678 tỷ đồng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này Đồng Nai cũng vừa công bố các nhà đầu tư đăng ký làm hai khu đô thị 14.000 tỷ đồng.
Theo đó, tại khu đô thị du lịch Đại Phước River (Đại Phước River), nhà đầu tư duy nhất đăng ký là liên danh CTCP Đầu tư Hà Phú Riverland; Công ty Thương mại - Đầu tư Xây dựng Thành Lợi (TNHH); CTCP HB Grand Land và CTCP Đầu tư G7 - Invest. Dự án có tổng diện tích gần 50ha, tổng vốn đầu tư gần 6.416 tỷ đồng.
Với khu đô thị du lịch Đại Phước (Phong Phú Riverside), nhà đầu tư đăng ký thực hiện là liên danh CTCP Đầu tư Phong Phú – CTCP HB Grand Land - CTCP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc An Phú - Thành Lợi. Dự án có tổng diện tích hơn 75ha, tổng vốn đầu tư gần 7.778 tỷ đồng.
Tại Hải Phòng, CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH) là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án đầu tư xây dựng chỉnh trang đô thị (chung cư kết hợp trung tâm thương mại, dịch vụ) tại lô OTM2-1, N2-3, CX2-4 thuộc ô phố A2 trong quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 quận Lê Chân. Dự án có diện tích sử dụng đất hơn 16.179m2, tổng chi phí thực hiện dự án dự kiến gần 3.180 tỷ đồng.
Tại Bắc Giang, CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án khu 2, thuộc khu đô thị tại xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng và xã Đồng Sơn, TP. Bắc Giang. Dự án có tổng diện tích gần 50ha; tổng chi phí thực hiện dự án gần 3.800 tỷ đồng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng hồi tháng 1 đã công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án nhà ở xã hội tại khu đất B4-1, B4-2 thuộc khu tái định cư Hòa Hiệp 4.
Có 4 nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án, gồm: CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC); Liên danh CTCP BCG Land (BCG) - CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi); CTCP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô (Capital House) và Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 2.130 tỷ đồng.
Hay Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hoá vừa qua đã công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án khu đô thị phía Đông công sở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương (khu dân cư mới tại thị trấn Tân Phong). Nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án là liên danh CTCP Xây dựng và Đầu tư Đại Thắng Lợi - CTCP HST Eco - CTCP Đầu tư Ecopark Hải Dương. Dự án này có diện tích hơn 34ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.735 tỷ đồng.