Diễn biến lạ của đất nền huyện Đông Anh trước thềm lên quận

Theo dự kiến, trong tháng 7 tới đây, huyện Đông Anh sẽ được thống nhất chủ trương lên quận. Thông thường, khi những khu vực đón nhận thông tin lên quận thì giá đất sẽ tăng, nhưng với Đông Anh giá đất nền lại giảm nhẹ dù có thông tin sắp lên quận.

 

Diễn biến lạ của đất nền huyện Đông Anh trước thềm lên quận - Ảnh 1

Điểm nóng của thị trường đất nền Hà Nội

Là một huyện nằm ở cửa ngõ phía Bắc thủ đô, Đông Anh đã chứng kiến những biến đổi lớn về hạ tầng giao thông trong những năm qua, đi cùng với đó là cuộc đổ bộ của các ông lớn bất động sản.

Đông Anh có thể coi là một huyện có mức độ đầu tư hạ tầng thuộc top lớn nhất. Các công trình giao thông trọng điểm tại đây có thể kể đến như Quốc lộ 5 kéo dài, Quốc lộ 3, đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài, đường cao tốc Nhật Tân – Nội Bài, Quốc lộ 3 mới (đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên), đường 23B, Quốc lộ 23A…

Bên cạnh đó, Đông Anh còn đón nhận hàng loạt các ông lớn như Vingroup, Sungroup, BRG, Becamex ITC… cũng đã đổ hàng nghìn tỷ đồng vào đây với các dự án quy mô lớn.

Mặc dù đón nhận hàng loạt những thông tin tích cực từ hạ tầng đến sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp bất động sản hàng đầu nhưng nhìn chung thị trường đất nền khu vực này vẫn tương đối ảm đạm, thậm chí còn giảm nhẹ.

Đặc biệt kể từ khi thị trường bất động sản lao dốc, đất nền Đông Anh cũng rơi vào tình cảnh trầm lắng, đìu hiu. Mặc dù, mới đây nhất, thông tin Đông Anh lên quận được kì vọng là làn gió mới thổi vào thị trường bất động sản đất nền ven đô nói chung và đất nền Đông Anh nói riêng. Tuy nhiên, thực tế thông tin này vẫn chưa đủ để kích thích thị trường đất nền Đông Anh “thức giấc”.

Đất nền vẫn trầm lắng dù có thông tin lên quận

Theo dự kiến, tại buổi làm việc ngày 6/7 tới đây, UBND TP Hà Nội sẽ trình HĐND thành phố thông qua việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh.

Trước đó, vào ngày 27.6, UBND TP Hà Nội đã có tờ trình HĐND thành phố về việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh, Hà Nội.

Theo đó, phương án thành lập quận Đông Anh sẽ trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Đông Anh. Thành lập 24 phường thuộc quận Đông Anh trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 24 xã, thị trấn của huyện Đông Anh.

Kết quả sau khi thành lập, quận Đông Anh có diện tích tự nhiên 185,68 km2, quy mô dân số hơn 400.000 người với 24 đơn vị hành chính cấp phường trực thuộc.

24 phường của quận Đông Anh sẽ bao gồm: Phường Đông Anh, Bắc Hồng, Cổ Loa, Đại Mạch, Đông Hội, Dục Tú, Hải Bối, Kim Chung, Kim Nỗ, Liên Hà, Mai Lâm, Nam Hồng, Nguyên Khê, Tàm Xá, Thuỵ Lâm, Tiên Dương, Uy Nỗ, Vân Hà, Vân Nội, Việt Hùng, Vĩnh Ngọc, Võng La, Xuân Canh, Xuân Nộn.

Quay trở lại với thị trường đất nền Đông Anh trước thềm lên quận. Nhiều người cho rằng, nếu thông tin Đông Anh lên quận xuất hiện vào giai đoạn 2021 đổ về trước, chắc chắn sẽ tạo nên cơn sốt đất tại thị trường này. Thế nhưng, theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, ở thời điểm hiện tại, thông tin trên không đủ để kích thích thị trường đất nền Đông Anh “bật dậy”. Đất nền nơi đây nhìn chung vẫn khá trầm lắng.

Khảo sát thực tế cho thấy, đất ở Đông Anh đang duy trì mức giá giảm so với 4 tháng trước. Cụ thể, đất nền Nguyên Khê đang có giá 38 - 43 triệu đồng/m2 (giảm 10-15% so với mức 42 - 47 triệu đồng/m2 sau Tết).

Đất nền Đông Anh vẫn giảm nhẹ dù có thông tin sắp lên quận.  
Đất nền Đông Anh vẫn giảm nhẹ dù có thông tin sắp lên quận.  

Đất nền Cổ Loa nằm trong các xóm giá bán vẫn đang ở mức giảm là 18-20 triệu đồng/m2 so với mức 22 - 25 triệu đồng/m2 thời điểm sau Tết. Đất kinh doanh Võng La tiếp tục duy trì mức giá đã giảm là 35 - 40 triệu đồng/m2 so với mức giá 37 - 42 triệu đồng/m2 của tháng tháng 2/2023. Đất nền Hải Bối cũng giảm 10% so với 4 tháng trước, duy trì ở mức 50 - 55 triệu đồng/m2.

Có thể thấy, diễn biến này gần như trái ngược với thời điểm cuối năm 2021, khi có đề xuất Đông Anh là một trong 5 huyện lên quận trong tương lai của Hà Nội. Theo đó, sau thời gian chững lại vì dịch bệnh, giá đất địa phương này rục rịch tăng trở lại sau đề xuất lên quận.

Thời điểm đó, một số khu vực ven sông Hồng tăng từ 17-18 triệu đồng/m2 lên đến hơn 30 triệu đồng/m2. Khu vực thuộc thị trấn Đông Anh khoảng 50-70 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

Ghi nhận qua các phiên đấu giá đất tại Đông Anh giai đoạn đó cho thấy, nhiều phiên có mức chênh lệch vài chục tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 10/10/2021, huyện Đông Anh tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại điểm X1 thôn Lê Xá, xã Mai Lâm có tổng số tiền thu được là trên 124,1 tỷ đồng, tăng hơn 37 tỉ đồng so với giá khởi điểm. Giá trúng cao nhất là 80,1 triệu đồng/m2, ngang ngửa với một số khu vực trong nội thành Hà Nội. Giá trúng thấp nhất là 51,4 triệu đồng/m2.

Hay như thời kỳ “đón sóng” hạ tầng cầu Nhật Tân, Đông Trù giai đoạn 2010 – 2011, giá đất Đông Anh cũng tăng nóng. Cụ thể, giá đất một số xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc tăng từ 8- - 90%, có nơi tăng đột biến trên 100%.

Một môi giới tại Đông Anh cho biết, những ngày qua, lượng nhà đầu tư gọi điện tìm hiểu đất Đông Anh đang có dấu hiệu tăng lên.

“Nếu so với giai đoạn nóng sốt thì lượng nhà đầu tư quan tâm đến đất nền Đông Anh vẫn chỉ là 1 tỷ lệ rất nhỏ. Hôm qua, tôi mới dẫn 2 nhà đầu tư đi xem đất nhưng họ cũng chỉ tìm hiểu, nghe ngóng, chưa có động thái xuống tiền dù giá đất đã giảm”, môi giới này chia sẻ.

Nhiều người cũng kỳ vọng rằng thông tin Đông Anh lên quận sẽ “phá băng” thị trường đất nền Đông Anh vốn đang ảm đạm. Tuy nhiên, hiện tại thị trường vẫn đang chuyển biến chậm chạp, dù nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan tâm.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển