Diễn trò gây “sốt đất” tại Bình Phước
Vừa qua, một đoạn clip dài 46 giây được lan truyền chóng mặt trên mạng khiến người xem không khỏi ngỡ ngàng. Theo đó, nhóm người trong clip chốt bán hết lô đất này đến lô đất khác “trong nháy mắt”, hệt như mua mớ rau, con cá ngoài chợ.
Xuất hiện trong clip là hàng trăm người, chia thành 2 nhóm. Một nhóm ăn mặc chỉnh tề, trên tay cầm tập hồ sơ dày cộp như nhân viên văn phòng chạy tới lui toát mồ hôi; nhóm còn lại mặc thường phục; xung quanh là rất nhiều xe hơi, xe máy tụ tập tại một khu đất trồng cây cao su, điều.
Cảnh tượng trong clip vô cùng ồn ào và nhốn nháo. Những câu hô lớn “Lô 10, 11… Rồi 11, 12… Rồi chốt 10 nha… Lô 10 bên đây cọc rồi…” liên tục vang lên.
Vụ việc trong clip xảy ra vào ngày 23/09 tại một khu đất thuộc đường Đồng In 1 Cầu Hùng, ấp Đồng Chắc, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Những người xuất hiện trong clip là nhân viên môi giới thuộc một công ty môi giới bất động sản (BĐS) có trụ sở tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Công ty môi giới BĐS này đã tổ chức đưa khách hàng đến khu đất nói trên để giới thiệu và chào bán dự án Khu dân cư Tân Hòa. Trên danh nghĩa là vậy nhưng thực tế, công ty này chỉ đang “dựng sân khấu” cho “tấn tuồng” chốt mua đất tạo “sốt” đất ảo. Khách hàng đi xem đất xuất hiện trong clip cũng là nhân viên của công ty này đóng giả.
Theo thông tin ghi trong sổ đất, địa điểm diễn ra “màn kịch” bán đất là khu đất trồng cây lâu năm đã được phân lô với diện tích 1.005m2 với chiều ngang 10m và chiều dài 100m.
Thông tin từ cơ quan chức năng huyện Đồng Phú, vụ việc trên chỉ diễn ra trong 2 giờ đồng hồ, khi chính quyền địa phương nhận được tin báo và xuống kiểm tra thì những người này đã giải tán hết. Sau khi kiểm tra và xác minh, đại diện chính quyền huyện Đồng Phú khẳng định, trên địa bàn huyện không tồn tại dự án khu dân cư hay khu đô thị nào như phía công ty môi giới quảng cáo.
Theo giới đầu tư BĐS có kinh nghiệm, chiêu “diễn tuồng bán đất” này chỉ dụ được những người thiếu kiến thức về thị trường, thiếu hiểu biết về pháp luật về BĐS chứ không thể qua mắt được “dân chuyên”.
Đây không phải lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bình Phước xuất hiện hiện tượng diễn tuồng bán đất.
Trước đó, ngày 21/2, mạng xã hội lan truyền đoạn clip dài khoảng 4 phút ghi lại cảnh lãnh đạo và nhân viên BĐS mặc vest, tay cầm cặp sách hoặc hồ sơ đang nhốn nháo, chạy đôn chạy đáo tranh giành nhau để chốt cọc đất cho khách hàng tại một bãi đất trống, chỉ dựng rạp mái che tạm bợ, bên cạnh có hàng chục chiếc ô tô đang đậu.
Chỉ trong vòng ít phút, hàng chục giao dịch đặt cọc đất liên tiếp diễn ra. Chốt được lô nào, nhân viên môi giới sẽ chạy lại nơi MC đứng để người này dùng micro thông báo.
Vụ việc trong clip này xảy ra tại một khu đất thuộc ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Nhân viên rao bán đất thuộc Công ty TNHH Địa ốc Nam Khương có trụ sở tại khu phố 3B, phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) do ông Vũ Văn Khương là người đại diện pháp luật.
Sau khi nhận được thông tin, cơ quan chức năng và chính quyền huyện Lộc Ninh đã vào cuộc kiểm tra và ban hành quyết định xử phạt hành chính Công ty Địa ốc Nam Khương số tiền 100 triệu đồng vì hành vi trên.
Trong bối cảnh thị trường BĐS trầm lắng, thanh khoản ảm đạm, rất khó xảy ra hiện tượng “sốt đất”; nếu có cũng chỉ là chiêu trò nhắm vào đối tượng khách hàng “nhẹ dạ cả tin”.
Báo cáo của DKRA Việt Nam cho biết, trong tháng 8/2022, phân khúc đất nền tại TP.HCM và các tỉnh phụ cận ghi nhận nguồn cung mới thấp nhất kể từ đầu năm, với chỉ 193 nền. Lượng tiêu thụ đạt 64 nền (trong đó 62 nền tại Long An), tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 34%, thấp hơn nhiều so với những tháng trước.
Đáng chú ý, tại Bình Phước, tỉnh vừa xuất hiện “tấn tuồng bán đất” gây xôn xao dư luận không ghi nhận nguồn cung mới và lượng giao dịch nào.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng Giám đốc CTCP Bất động sản Asian Holding cho biết, giao dịch BĐS ở Bình Phước đã giảm khoảng 60 - 70% trong những tháng qua, tập trung ở những sản phẩm giá dưới 1 tỷ đồng. So với năm 2019, giao dịch BĐS tại Bình Phước đã chậm lại, cũng chậm hơn so với đầu năm 2022.
“Để xảy ra sốt đất thời điểm này là rất khó, chỉ là chiêu trò thôi”, ông Hậu khẳng định.