Hết thời ‘lướt sóng’, nhiều nhà đầu tư muốn ‘cắt lỗ’ cũng khó vì bán không có ai mua?

Không ít nhà đầu tư tay ngang rơi vào tình trạng “bán không được, giữ cũng không xong” khi đã quá ‘ham hố’ lao vào thị trường bất động sản lúc sốt nóng. Để giờ muốn cắt lỗ cũng không có ai mua.

Đầu tư bất động sản như ‘canh bạc’

Sau khoảng thời gian trầm lắng của thị trường BĐS, nhiều câu chuyện đầu tư mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu. Trong đó, việc nhà đầu tư "cắt lỗ" nhưng bán mãi không được, đành giữ lại để chờ thời, tăng giá không phải câu chuyện hiếm.

Anh Đình Khương, một nhà đầu tư bất động sản tay ngang cho biết, anh mua mảnh đất tại huyện Mê Linh, Hà Nội thời điểm cuối năm 2021 với diện tích 95m2, với giá hơn 2 tỷ đồng. Ban đầu, mục đích của anh là lướt sóng kiếm lời, với kỳ vọng thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, liên tục rao bán mảnh đất suốt nửa năm nay nhưng chưa có người mua nên anh Khương chấp nhận giảm giá để "cắt lỗ" nhưng cho đến nay vẫn chưa thể bán cho ai. Anh cũng cho biết nhiều nhà đầu tư cắt lỗ giống như anh cũng gặp chung hoàn cảnh.

"Sau khi mua được 6 tháng giá trị mảnh đất vẫn không biến động nên tôi đành bán để thu hồi vốn. Thế nhưng vẫn không có ai mua, tôi đành giảm giá liên tục, chấp nhận bán lỗ nhưng đến nay nhiều người có hỏi nhưng không ai mua. Thị trường thì đang khó khăn trong khi tín dụng thì bị siết nên tôi rất lo lắng", anh Khương chia sẻ.

Chung cảnh ngộ, một nhà đầu tư lâu năm hiện sống tại TP Thủ Đức, TP HCM dù không cắt lỗ nhưng bán mãi không có người mua, chị M đành giữ lại, tăng giá. Tuy nhiên, chị cũng không rõ đến khi nào mới bán được BĐS này, trong khi bản thân không muốn bán dưới giá vốn mua vào.

Tình trạng "kẹt" tiền mặt, ai cũng có tài sản nhưng không có tiền là không hiếm. Nhiều nhà đầu tư sở hữu khá nhiều BĐS nhưng dòng vốn liên tục xoay vòng. Khi gặp thị trường khó khăn, việc xoay vòng vốn vào BĐS bị "khựng lại" cũng là lúc nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục BĐS. Họ sẽ ưu tiên bán bớt tài sản để có dòng tiền. Tuy nhiên, không phải ai cũng bán được như ý muốn. Thậm chí, khá nhiều nhà đầu tư giảm kì vọng lợi nhuận, hoặc bán dưới giá vốn nhưng thị trường khó khăn nên việc ra hàng không dễ.

Nhiều nhà đầu tư bị “kẹt” hàng vì rao bán mà không ai mua.  
Nhiều nhà đầu tư bị “kẹt” hàng vì rao bán mà không ai mua.  

Còn Anh Tiến Thành, nhà đầu BĐS tại Hà Nội cho biết, sau thời gian dài 3 tháng chật vật rao bán cắt lỗ lô đất tại Thanh Oai, có diện tích 90m2, anh đã quyết định tiếp tục nắm giữ và chờ đợi vào thị trường dịp cuối năm nay.

"Thời điểm tôi mua vào với giá 3 tỷ đồng, thấy thị trường chững lại tôi cũng giảm giá tới 400 triệu đồng. Tuy nhiên, rao mãi không có người mua còn liên tục bị người khác ép giá sâu. Đến nay, room tín dụng cũng đã được nới hơn và thị trường BĐS thường sẽ có thanh khoản tốt vào dịp cuối năm nên tôi quyết định chờ thêm", anh Thành chia sẻ.

Trước bối cảnh ‘dở khóc dở cười” đó, nhiều nhà đầu tư nói vui rằng: “Đầu tư bất động sản đôi khi cũng giống canh bạc", được cũng nhiều mà mất cũng không ít.

Vẫn là câu chuyện thanh khoản

Thực tế khi người bán nếu không chịu áp lực từ lãi vay sẽ không giảm giá, lấy mức giá bán kỳ vọng làm mặt bằng giá mới. Giao dịch chỉ xuất hiện nhiều ở người bán bị áp lực ngân hàng hoặc muốn thanh khoản nhanh nên chấp nhận bán bằng thời điểm các quý trước đó, hoặc giảm tối đa 5% để có giao dịch. Đó chính là lý do đâu đâu cũng thấy nhà đầu tư than thở không bán được hàng.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh cho rằng, giá đất "thoát ly" giá trị thực không phù hợp với "quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu" và không phù hợp với thực tiễn của thị trường BĐS, có thể trở thành "dao hai lưỡi" vừa thiệt hại cho người tiêu dùng, vừa có thể bất lợi cho chính các chủ đầu tư vì làm tăng lượng hàng tồn kho. Người muốn mua nhà không mua nổi, người muốn bán cũng khó xuống hàng. Cuối cùng không có mấy giao dịch, đường cung - đường cầu khó gặp nhau.

"Thu nhập của người dân không theo kịp với sự tăng giá của bất động sản. Chưa kể, trải qua 2 năm dịch bệnh, khả năng chi trả của người dân đã bị kéo xuống do công việc đứt gãy. Bước sang năm thứ 3, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều biến động, giá các mặt hàng thiết yếu tăng cao, nguy cơ lạm phát khi đó sức mua nhà của người dân lại càng thấp", ông Châu phân tích.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS VN, nhận xét: Thời gian vừa qua, giá BĐS tăng liên tục, cấu trúc thị trường phân bổ mạnh vào các sản phẩm, loại hình đầu cơ, giá cao, dòng tiền cũng chảy vào đầu cơ nhiều hơn phục vụ nhu cầu thực. Nên khi có vấn đề về dòng vốn thì thị trường tự khắc có phản ứng. Giá không giảm nhưng thanh khoản èo uột cho thấy điều đó. Ông Đính dự báo từ giờ tới cuối năm giá nhà đất còn chịu áp lực tăng do chi phí tăng, lạm phát, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp. Nghịch lý thanh khoản thấp nhưng giá vẫn neo cao, thậm chí vẫn tăng là vì thế.

Còn theo, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, thị trường BĐS hai năm vừa qua phát triển rất tích cực, nhưng hiện đã bắt đầu trầm lắng. Nếu không có giải pháp kịp thời, những hệ lụy đến thị trường và tăng trưởng chung của nền kinh tế là rất lớn.

Cũng theo ông Lực, Chính phủ cần quan tâm tới việc giảm thiểu rủi ro từ dư nợ trái phiếu bằng cách tạo điều kiện phù hợp để các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng tiếp tục phát hành trái phiếu, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp nếu có thái độ ứng xử phù hợp sẽ phát triển rất tốt, tháo gỡ khó khăn về vốn cho thị trường.

Bảo Châu

Theo Chất lượng và Cuộc sống