DN đói đơn hàng, ngân hàng lo nợ xấu: Tiền vẫn nghẽn trong kho

Tín dụng có dấu hiệu tăng trở lại nhưng vẫn cách xa mục tiêu được Chính phủ đặt ra. Đã có nhiều cách được đưa ra để chữa 'căn bệnh thừa tiền' cho ngân hàng nhưng có vẻ các 'thang thuốc ít hiệu nghiệm khi cơ thể DN chưa khỏe.

Tín dụng tăng trở lại nhưng còn xa mục tiêu

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 20/5/2024, tín dụng tăng 2,41% so với cuối năm 2023, dư nợ tín dụng tăng thêm hơn 326.800 tỷ đồng.

Như vậy, tín dụng đã tăng trưởng trở lại sau khi ghi nhận giảm trong hai tháng đầu năm. Thực tế, tăng trưởng tín dụng đã thoát “âm” kể từ tháng 3 khi tăng trưởng 1,34%.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn bắt đầu tăng trưởng dương trở lại từ đầu tháng 3. Kinh tế tăng trưởng, các ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh phát triển đã kích thích nhu cầu vốn.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng hiện nay vẫn cách xa mục tiêu được Chính phủ đặt ra.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm vào khoảng 5%, cả năm khoảng 15%. Hiện chỉ còn chưa đầy 1 tháng là quý II kết thúc nhưng tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt chưa được nửa mục tiêu mà Chính phủ đề ra.

Trong văn bản gần đây, NHNN đã đề nghị các tổ chức tín dụng (TCTD) phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II ở mức 5-6%.

Trong những tháng đầu năm, mặc dù thanh khoản hệ thống TCTD dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các TCTD có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế nhưng tín dụng vẫn gặp khó khăn.

Theo NHNN, nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng thấp chủ yếu do cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp.

DN đói đơn hàng, ngân hàng lo nợ xấu: Tiền vẫn nghẽn trong kho - Ảnh 1

Bên cạnh đó, một số ngân hàng thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng vì lo ngại nợ xấu tăng do biến động tiêu cực từ tình hình kinh tế thế giới cùng những khó khăn nội tại tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khả năng trả nợ gốc/lãi ngân hàng suy giảm.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 xấu nên xu thế cấp vốn tín dụng năm 2024 cho các doanh nghiệp ở mức thấp hơn. Chẳng hạn, với ngành sợi, năm 2024, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sợi chỉ được duyệt hạn mức thấp hơn 20% so với năm 2023. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu nguồn vốn lưu động để nhập khẩu nguyên liệu, tổ chức sản xuất.

TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, cho hay nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn gặp khó khăn về thủ tục vay vốn khi ngân hàng thương mại yêu cầu phải có thế chấp tài sản, trong khi khu vực này nhiều doanh nghiệp thiếu và yếu về điều kiện này.

TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhìn nhận, tăng trưởng tín dụng đến 20/5 đạt 2,41% là chuyển biến tích cực, nhưng mục tiêu hết quý II/2024 đạt mức 5 - 6% là rất thách thức với ngành ngân hàng.

Ông Huân cho rằng, khó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhanh bởi kinh tế năm nay dự báo sẽ hồi phục chậm, lãi suất của các nước vẫn ở mức cao và căng thẳng địa chính trị vẫn còn. Trong khi đó, sức cầu của nền kinh tế còn yếu với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng được 8,7% trong 5 tháng đầu năm nay, thấp hơn hẳn mức tăng 12,3% của cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng tăng 16,6%, song nhập siêu đã quay trở lại trong tháng 5.

Còn Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, xu hướng tăng trưởng tín dụng thấp không chỉ riêng ở Việt Nam mà đây là xu hướng chung của thế giới khi các nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt.

Với Việt Nam, tín dụng tăng trưởng thấp do đầu ra của sản xuất, kinh doanh còn yếu. Các lĩnh vực có vốn vay lớn như là thị trường bất động sản hiện có những khó khăn về yếu tố pháp lý. Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt, thành lập các tổ công tác đến tận địa phương để giải quyết.

Giải pháp chữa “bệnh” nghẽn tăng trưởng tín dụng

Vấn đề thúc tăng trưởng tín dụng đã được nhắc đến nhiều trong các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và NHNN nhiều tháng qua.

Chính phủ mới đây tiếp tục yêu cầu NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

DN đói đơn hàng, ngân hàng lo nợ xấu: Tiền vẫn nghẽn trong kho - Ảnh 2

NHNN cũng vừa có công văn gửi các TCTD yêu cầu thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất. Theo đó, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay để nỗ lực phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay.

Thực tế, dù có nhiều biến động trong và ngoài nước gây áp lực đối với điều hành chính sách tiền tệ nhưng NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD có thể tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay. Kết quả, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm trong các tháng đầu năm 2024.

Đến ngày 10/5, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng ở mức 3,16%/năm và 6,05%/năm, giảm lần lượt 0,36%/năm và 1,04%/năm so với cuối năm 2023.

Các chuyên gia đánh giá, dù lãi suất huy động đang có xu hướng tăng nhưng lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua chứng tỏ các ngân hàng đang rất nỗ lực để đẩy nguồn vốn ra nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý.

Hiện các ngân hàng đang cho khách hàng doanh nghiệp vay với lãi suất bình quân từ 4-6%/năm, khách hàng cá nhân vay với lãi suất từ 6-8%/năm. Ngoài ra, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, được “may đo” cho từng lĩnh vực và ngành nghề cụ thể, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận tín dụng.

Nhiều chuyên gia cùng chung nhận định, tín dụng sẽ tiếp tục khởi sắc và tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2024 khi hoạt động vay vốn cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của các thành phần kinh tế gia tăng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tín dụng tăng trưởng tốt thì cần áp dụng nhiều giải pháp.

TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, để đẩy nhanh hơn nguồn vốn tín dụng, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tích cực, việc tiếp tục đề xuất và áp dụng các giải pháp kích cầu là cần thiết, cùng với đó là giải pháp giảm thuế, phí. Bộ Tài chính đã đề xuất việc giảm thuế giá trị gia tăng đến cuối năm 2024 và giảm một số loại phí nhưng yếu tố có thể tác động ngay đến kích cầu là giảm thuế thu nhập cá nhân vẫn chưa được xem xét. Việc giảm thuế thu nhập cá nhân sẽ có tác dụng kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ.

Cũng theo chuyên gia này, cần nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công để tạo tác động lan tỏa đến nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Điều này đòi hỏi sự chung tay của nhiều bộ, ngành chứ không chỉ ngành ngân hàng.

Trong khi đó, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, cho hay, bên cạnh nguồn vốn ưu đãi, ngân hàng cần tăng cường thúc đẩy số hóa, thiết kế các sản phẩm phù hợp với từng đối tượng và nắn dòng tín dụng vào các lĩnh vực đang là động lực tăng trưởng kinh tế, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Còn PGS.TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM nêu quan điểm rằng lãi suất trên thị trường đã thấp nhưng cần duy trì trong thời gian dài để có thể thẩm thấu vào nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất thấp sẽ phát huy tác dụng khi nền kinh tế ở pha phục hồi, cộng với hiệu ứng từ việc các ngân hàng vừa công bố biểu lãi suất cho vay, gia tăng tính công khai, minh bạch và những ngân hàng có mức lãi suất thấp hơn mặt bằng chung có khả năng thu hút khách vay hơn.

Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn các ngân hàng nghiên cứu cơ chế cho vay tín chấp phù hợp hoặc cho vay dựa theo phương án kinh doanh khả thi cho các doanh nghiệp được thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn.

Minh Dũng

Theo VietnamFinance