DN đồng loạt trả dự án đòi lại tiền: Ẩn chứa điều gì bất ổn?
Theo nhận định của ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, việc doanh nghiệp trả lại dự án bất động sản ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng của các doanh nghiệp đang có ý định đầu tư về tỉnh Quảng Nam.
Nhiều doanh nghiệp trả lại dự án
Sau nhiều năm đầu tư không mang lại hiệu quả, hàng loạt doanh nghiệp đã có ý kiến với tỉnh Quảng Nam về việc trả dự án, lấy lại tiền ký quỹ đã nộp ngân sách.
Trường hợp điển hình là dự án của Công ty Cổ phần Xây dựng Bestcon. Theo đó, năm 2015, tỉnh Quảng Nam đã giao Công ty Cổ phần Xây dựng Bestcon làm chủ đầu tư dự án khu dân cư làng chài Điện Dương. Một năm sau, dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 24,17ha, tổng vốn đầu tư khoảng 199 tỷ đồng và thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2018.
Dự án sau đó điều chỉnh tiến độ đến cuối năm 2020. Tính đến tháng 10/2023, tiến độ dự án mới chỉ dừng lại ở khâu lập hồ sơ thiết kế cơ sở; hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công; quy hoạch 1/500; báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Trong quá trình thực hiện, Bestcon đã chi 54,6 tỷ đồng. Việc dự án chậm tiến độ được chính quyền cho rằng do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là vướng mặt bằng và bị Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thanh, kiểm tra chưa có kết luận. Sau đó, Công ty Bestcon có thông báo chấm dứt và đề nghị trả lại dự án cho Quảng Nam với điều kiện tỉnh ghi nhận và giải quyết hơn 54,6 tỷ đồng mà công ty đã chi trả trong thời gian qua.
Cũng nằm trong danh mục dự án dừng đầu tư, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng đã có công văn gửi đích danh ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, đề nghị Sở sớm có văn bản chính thức cho dừng dự án khu liên hợp giáo dục đào tạo Nam Hội An (vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng) với lý do chủ trương đầu tư đã hết hạn từ quý III/2021 (trước đó, chủ đầu tư đã xin gia hạn nhưng chưa được tỉnh Quảng Nam thống nhất).
Đồng thời, doanh nghiệp này cũng đề xuất dừng dự án và “đòi” Quảng Nam hoàn trả lại 7,5 tỷ đồng đã nộp vào quỹ bảo đảm đầu tư và chi phí ứng trước giải phóng mặt bằng.
Ngoài những trường hợp trên, tỉnh Quảng Nam còn nhiều dự án khác cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự.
Ảnh hưởng tâm lý các nhà đầu tư tương lai
Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, cho rằng việc trả lại dự án cho thấy các doanh nghiệp bất động sản đã đi đến bước đường cuối cùng, khi không còn khả năng để triển khai nữa.
Những nguyên nhân cơ bản khiến các doanh nghiệp phải trả lại dự án chủ yếu là công tác GPMB chậm trễ, nguồn tài chính bị mất cân đối, thị trường bất động sản “đứng bánh”. “Pháp lý đứng bánh mà nguồn lực lại cạn kiệt, doanh nghiệp bất động sản giờ đây buộc phải nghỉ là điều tất yếu”, ông Bảo nhấn mạnh.
Theo ông Bảo, công tác bàn giao mặt bằng đất sạch cho nhà đầu tư hiện nay tại tỉnh Quảng Nam rất chậm. Không ít dự án đến nay đã triển khai hơn chục năm nhưng công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong. Điều này ảnh hưởng đến vấn đề giá đất làm cho chi phí của doanh nghiệp bị đội lên cao. “Vướng mắc lớn nhất hiện nay của Quảng Nam đó là thiếu con người để thực hiện công tác GPMB. Việc GPMB phải được đưa lên hàng đầu và cần có giải pháp mạnh hơn để thực hiện nhanh hơn”, ông nhấn mạnh.
Việc giá đất và chi phí đầu tư bị đội lên cao khiến doanh nghiệp phải gánh thêm chi phí từ hoạt động đi vay của mình. Tuy nhiên, việc trả nợ cho khoản vay cũng là một khó khăn của doanh nghiệp tại giai đoạn này, khi thị trường bất động sản Quảng Nam đang bị “đóng băng”. Hệ lụy dây chuyền là doanh nghiệp bất động sản khó có thể vay thêm ngân hàng, dù có rất nhiều tài sản để thế chấp.
Ông Trần Quốc Bảo quan ngại: “Việc doanh nghiệp trả lại dự án bất động sản ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng của các doanh nghiệp đang có ý định đầu tư về tỉnh Quảng Nam”.
Ông cho rằng tỉnh Quảng Nam trong thời gian gần đây đã có những động thái tích cực để tháo gỡ cho các nhà đầu tư và đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tại các huyện, việc giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp vẫn còn chậm, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn này phải có những hành động mạnh mẽ đến các đơn vị, nhất là ở cấp huyện để sớm giải quyết xong công tác GPMB, giao đất sạch cho nhà đầu tư.
Quyết liệt gỡ khó cho các nhà đầu tư
Ông Nguyễn Thanh Quốc, một nhà đầu tư bất động sản, đánh giá thị trường bất động sản của tỉnh Quảng Nam còn rất nhiều tiềm năng để đầu tư. Tuy nhiên, tình trạng pháp lý đang là một rào cản.
Theo nhà đầu tư này, việc doanh nghiệp trả lại dự án cho thấy việc xử lý các vướng mắc còn chậm và chưa mang lại hiệu quả cao, nhất là công tác GPMB. Đây cũng là vấn đề then chốt đối với nhà đầu tư dự án bất động sản. “Mong muốn của doanh nghiệp là đầu tư hiệu quả và mang lại nguồn lợi nhuận nhanh chóng. Dự án chậm triển khai khiến cho doanh nghiệp đánh mất đi nhiều cơ hội”.
Dù vậy, ông Quốc đánh giá tình hình đang lạc quan lên khi tỉnh Quảng Nam đang có những biện pháp gỡ khó cho nhà đầu tư đang có dự án bị vướng mắc. Đây cũng sẽ là điểm cộng cho tỉnh Quảng Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư.
Được biết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Lương Nguyễn Minh Triết đã khẳng định quan điểm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp là trách nhiệm của tỉnh. Qua nhiều cuộc làm việc và khảo sát thực tế, Quảng Nam nhận thấy có rất nhiều vướng mắc khiến các doanh nghiệp gặp khó, đặc biệt ở giai đoạn hiện nay. Do đó, trên cơ sở báo cáo và đề xuất của Ban cán sự đảng UBND tỉnh, địa phương này xem xét từng trường hợp, với tinh thần là "gỡ khó" nhưng không hợp thức cho cái sai, không lặp lại sai phạm, tránh lãng phí, không làm thất thoát ngân sách nhà nước, đúng thẩm quyền…
"Thường vụ Tỉnh ủy sẽ định hướng về chủ trương; nhiệm vụ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp sẽ do HĐND, UBND thực hiện trên tinh thần phải phân tích rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan, tháo gỡ những rào cản thuộc thẩm quyền không đáng có, thuộc thẩm quyền của tỉnh; đồng thời xác định nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan…", ông Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.