Đô thị biển Việt Nam chưa đủ sức hút

Việt Nam với đường bờ biển dài hàng nghìn km, được bao phủ bởi cảnh đẹp tự nhiên cùng nhiều điều kiện địa lý thuận lợi cho hoạt động giao lưu và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam đến nay vẫn vắng bóng những đô thị biển đúng nghĩa, chưa phát huy được tiềm năng và lợi ích khai thác từ biển.

 

Đô thị biển Việt Nam chưa đủ sức hút - Ảnh 1

Các đô thị biển chưa thực sự trở thành trung tâm phát triển kinh tế vùng

Việt Nam là quốc gia có chiều dài bờ biển hơn 3.260km từ Móng Cái đến Hà Tiên, đi qua 28/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, đô thị biển tập trung dọc Vùng duyên hải Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, đóng vai trò cửa ngõ hướng biển của vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội từng vùng và toàn quốc. Đây là điểm cơ bản của hệ thống biển Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Song, các đô thị biển vẫn chưa thực sự được phát huy hết năng lực để trở thành trung tâm phát triển kinh tế vùng. Quy hoạch phải đi trước một bước mới là kế hoạch phát triển dài hạn, bền vững. Đã có nhiều bài nghiên cứu về biển, đô thị biển và đáng lẽ chúng ta phải làm giàu từ biển nhưng đến nay, chúng ta chưa thực sự khai thác được hết tiềm năng và giá trị của biển.

Miền Trung sở hữu hệ thống đầm phá đặc biệt ở Đông Nam Á như Cổ Cò, Trường Giang, Ô Loan, Bái Tử Long, Lan Hạ… tuy nhiên việc đầu tư và khai thác vẫn chưa được quan tâm đúng mực.

Không dừng lại ở đó, Việt Nam ta còn có những vịnh, biển rất đẹp, có đủ điều kiện về tự nhiên để khai thác phát triển du lịch nhưng đa số người dân lại tận dụng đi làm bè nuôi tôm, cá… Đây là điều rất lãng phí. Và như thế, không còn gì là sinh thái biển.

Cũng vì lẽ đó, đô thị biển Việt Nam sau thời gian dài hình thành và phát triển, đến nay vẫn chưa ghi nhận được kết quả đáng mong đợi, vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng vốn có, thậm chí là còn phát triển kém hiệu quả, thiếu bền vững.

Vì vậy, việc phát triển đô thị biển hiện nay cũng cần phải nghĩ đến hệ sinh thái đầm, phá. Cần có giải pháp để khai thác tốt những giá trị mà nó đem lại. Nếu phát triển như hiện tại, chúng ta có thể thu lợi được một chút nhưng trong tương lai sẽ không thể đảm bảo tính bền vững tự nhiên.

Quy hoạch phải đi trước một bước mới là kế hoạch phát triển dài hạn, bền vững  
Quy hoạch phải đi trước một bước mới là kế hoạch phát triển dài hạn, bền vững  

Chính sách quy hoạch chưa sát thực tế

Hiện nay, trong khi khái niệm về đô thị biển còn chưa rõ ràng, vấn đề quy hoạch do đó lại càng khó khăn. Quy hoạch trên mặt đất cần phân biệt được đất dịch vụ, đất ở... nhưng ở trên biển sẽ như thế nào khi có không gian trên mặt biển, dưới đáy biển.

Vấn đề quan trọng nhất khi xây dựng kế hoạch quy hoạch phát triển đô thị biển, đó là đảm bảo được yêu cầu về tính bền vững. Một số hoạt động khai thác biển trước đây đã va phải nhiều sai lầm như mất cân bằng giữa bảo tồn và phát triển giữa các khu dân cư, trong đảm bảo quyền lợi, chia sẻ quyền lợi chung giữa các nhóm khác nhau; mất cân bằng trong khai thác quá mức nguồn lực. Chúng ta đang tập trung quá mức vào khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản, tài nguyên biển nhưng không tính đến hiệu quả lâu dài, dẫn đến thiếu bền vững.

Hơn nữa, việc cho phép quy hoạch không gian biển và xây dựng các loại hình lưu trú hướng biển đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển đô thị bền vững. Bởi các công trình này đã chiếm gần như toàn bộ “mặt tiền” hướng ra biển, thiếu sự hài hoà, thân thiện với tự nhiên và môi trường.

Sự xuất hiện ồ ạt các công trình, dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển hay xu hướng tư nhân hóa bãi biển, đặc biệt phải kể đến các kiến trúc nhà ở thương mại, tòa nhà cao tầng,… án ngữ tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ kìm hãm và làm tổn hại cơ hội phát triển trong tương lai của đô thị. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng các vùng biển, vùng ven biển còn yếu kém, đầu tư manh mún và dàn trải, dẫn đến hiệu quả sử dụng thấp, khó tạo đột phá.

Bên cạnh đó, do chưa có quy hoạch tổng thể cấp quốc gia cho phát triển đô thị biển nên các vùng đô thị hóa ven biển vẫn còn phát triển dưới tiềm năng, thiếu liên kết, còn nặng tư duy cục bộ.

Theo GS. TS. Hoàng Văn Cường, để đảm bảo phát triển chuỗi đô thị biển Việt Nam hiệu quả, cần giải quyết được các vấn đề sau:

Vấn đề thứ nhất là không gian nào phù hợp cho việc phát triển đô thị biển? Chức năng đô thị biển là gì? Là du lịch, để ở, hay các hoạt động dịch vụ khác. Khi chúng ta quy hoạch các vùng có khả năng phát triển đô thị biển thì tiêu chí đặt ra ở đây sẽ cụ thể như thế nào?

Vấn đề thứ hai là liên quan đến đất đai. Những vùng, những không gian có tiềm năng phát triển đô thị biển thì việc quản lý đất đai như nào? Chế độ về đất đai ở khu vực này ra sao? Vấn đề kinh tế đất đai ở đây là gì? Rất cần quy định rõ ràng.

Vấn đề thứ ba là quản lý việc xây dựng, kiến trúc các đô thị biển. Các quy chuẩn về kiến trúc, quy chuẩn về xây dựng, diện tích cây xanh, không gian công cộng như thế nào cũng cần được làm rõ và cụ thể. Có như vậy, mới đảm bảo phát triển đô thị biển bền vững.

Theo Chất lượng và Cuộc sống