Doanh nghiệp bất động sản: Đã qua cơn bĩ cực dòng tiền
Cho tới quý II/2025, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã vượt qua được khúc quanh ngặt nghèo nhất về tài chính, tránh được nguy cơ phá sản, qua đó tiếp tục nuôi dưỡng khả năng phục hồi trong giai đoạn tiếp theo.
Thoát hiểm
Năm 2024, Tập đoàn T. lâm vào cảnh khốn khó nhất trong lịch sử hoạt động: các dự án ách tắc, hàng không bán được, hàng trăm tỷ đồng ứng trước cho địa phương để giải phóng mặt bằng bị “phong tỏa”, dòng tiền gần như cạn kiệt. Tập đoàn đã sa thải hơn 50% nhân sự, thay 3 tổng giám đốc, nhưng hầu như không tìm được lối ra.
Cho tới cuối năm 2024, chủ tịch tập đoàn quyết định chơi một ván tất tay “được ăn cả, ngã về không”: vay tiền ngân hàng để tham gia đấu giá đất tại một tỉnh phía Nam. Kết quả là tập đoàn này trúng đấu giá và ngay lập tức ký kết thỏa thuận nhượng một phần khu đất trúng đấu giá cho một công ty nước ngoài. Giao dịch này không chỉ mang lại lợi nhuận mà quan trọng hơn vạn lần là cung cấp cho tập đoàn một dòng tiền lớn để vượt qua lằn ranh sinh tử.
Cho đến thời điểm này, tập đoàn trên đã có thể bắt tay vào việc tái thiết để mơ về một tương lai hồi phục trong năm 2026.
Cùng chung tình cảnh “thót tim” như trên, một tập đoàn địa ốc lớn tại TP. HCM cũng vừa thoát khỏi “cửa tử” sau khi chuyển nhượng thành công một dự án lớn, vốn là “cục tạ” đeo đẳng nhiều năm trời. Dù không đạt được lợi nhuận kỳ vọng, nhưng việc chuyển nhượng đã mang lại dòng tiền tươi quý giá cứu doanh nghiệp thoát khỏi bờ vực phá sản.

Thăng hoa
Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp chỉ cần có một dòng tiền tươi “tráng” qua tài khoản là có thể tiếp tục tồn tại, dù lay lắt, vật vã. Dòng tiền là máu của doanh nghiệp. Không có “máu”, doanh nghiệp sẽ chết – chết trên đống tài sản.
Ghi nhận ở thời điểm hiện tại cho thấy, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã được “bơm máu” trở lại sau thời gian dài “mặt xanh như lá, da vàng như nghệ”. Kết quả là thị trường được chứng kiến những cảnh tượng đã thiếu vắng trong suốt 3 năm qua: những dự án tái khởi, những thương vụ diễn ra.
Chẳng hạn như Tân Hoàng Minh từ giữa năm 2024 tới nay đã liên tiếp có động thái đáng chú ý, từ khởi động lại D'.Palais de Louis đến khởi công Greenera Southmark rồi làm việc với tỉnh Quảng Bình đề xuất dự án hơn 1.600ha, làm việc với tỉnh Lâm Đồng đề xuất dự án 4.320ha. Hay như Sunshine Group, từ năm 2024 đã ra mắt thương hiệu mới Noble, đến năm 2025 thì M&A 55ha của Xuân Cầu Holdings tại Hưng Yên.
Những Đất Xanh đã trở lại với The Privé (tức Gem Riverside), C Holding ghi dấu ấn với The Felix, An Gia gây ấn tượng với The Gió Riverside, ROX Group tạo tiếng vang với The Legend Danang, Phát Đạt bung hàng Quy Nhơn Iconic và Thuận An 1 – 2…
Các doanh nghiệp tầm trung, tại các địa phương, tấp nập ra hàng như chưa từng có cuộc khủng hoảng nào xảy ra trên thị trường: Vĩnh Phú – Kiến Á tung City Grand tại Thủ Đức, TP. HCM; Thăng Long Real Group bán Fiato Airport City tại Nhơn Trạch, Đồng Nai; Vạn Xuân Group ra Happy One Sora tại Thủ Đức, TP. HCM; Hai Thành chào The 826 EC tại Long An…
Nhiều dự án từng “ì ạch” giờ đã thi công trở lại, như FLC Quang Binh Beach & Golf Resort tại Quảng Bình, The Summit Building, Nam Ô Discovery tại Đà Nẵng hay khu phức hợp Giảng Võ tại Hà Nội.
Đặc biệt, thị trường đã chứng kiến sự “bùng nổ” hiếm thấy của những doanh nghiệp top đầu như Vingroup, Sun Group. Với Vingroup, sau năm 2024 có phần “khiêm tốn” với chỉ Vinhomes Royal Island, tập đoàn này đã khiến thị trường choáng váng khi công bố hàng loạt dự án “khủng” từ cuối 2024 tới nay, lần lượt là: Vinhomes Global Gate (Đông Anh, Hà Nội), Vinhomes Wonder City (Đan Phượng, Hà Nội), Vinhomes Green City (Đức Hòa, Long An), Vinhomes Green Paradise (Cần Giờ, TP. HCM), Vinhomes Golden City (Dương Kinh, Hải Phòng), Vinpearl Làng Vân (Đà Nẵng), Vinhomes The Gallery (Giảng Võ, Hà Nội) và sắp tới là Vinhomes Cao Xà Lá (Thanh Xuân, Hà Nội).
Với Sun Group, tập đoàn này có màn trở lại không thể “hoành tráng” hơn sau nhiều năm “ẩn nhẫn” vì dịch bệnh. Chỉ trong một thời gian ngắn, Sun Group đã liên tiếp tung ra những “siêu phẩm”: Sun Urban City (Phủ Lý, Hà Nam), Xanh Island (Cát Bà, Hải Phòng), Balanca City (Bà Rịa - Vũng Tàu), Sun Feliza Suites (Cầu Giấy, Hà Nội), khởi công 3 dự án lớn tại Hòa Bình và không giấu giếm tham vọng muốn có được khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa, khu đô thị Trường Thọ lẫn việc nhắm vào 4.100ha đất dọc sông Sài Gòn tại TP. HCM.
Ngoài 2 “ông lớn” này, thị trường tiếp tục ghi nhận sự vươn mình mạnh mẽ của Masterise Group, MIK Group – những tập đoàn gắn bó chặt chẽ với hoạt động của Vingroup. Trong đó, Masterise tiếp tục ra Lumiere Midtown tại The Global City (TP. HCM), Masteri Rivera Danang (Đà Nẵng), Masteri Trinity Square (Hưng Yên) và sắp tới là phân khu cao tầng tại Vinhomes Wonder City (Hà Nội) sau khi đã khuấy đảo thị trường Thủ đô với những Lumiere Evergreen, Lumiere Springbay.
Trong khi đó, MIK Group vẫn “chắc chân” với những phân khu có được trong lòng đại dự án của Vinhomes (như: The Solar Park, The Victoria, Imperia Signature…) lẫn các dự án độc lập như The Matrix One giai đoạn 2.
Các doanh nghiệp cỡ lớn khác như Ecopark, Nam Long, Khang Điền vẫn cho thấy sức bền bỉ đáng kinh ngạc, bất chấp những giai đoạn thăng trầm đầy khốc liệt của thị trường.

Mưa không mát mặt khắp anh hùng
Những chuyển động nêu trên đã cho thấy một điều rất rõ rệt là các doanh nghiệp bất động sản đã vượt qua được khúc quanh ngặt nghèo nhất về dòng tiền nói riêng, tài chính nói chung, để có thể trở lại với thị trường, cùng làm nên một chu kỳ tăng trưởng mới.
Song trong niềm vui chung đó, thị trường vẫn còn không ít những nỗi niềm. Đó là những doanh nghiệp vẫn còn vật lộn với khó khăn, nhất là những khoản nợ trái phiếu khổng lồ vẫn chưa thanh toán hết, những dự án tắc nghẽn pháp lý chưa gỡ đến “cái nút” cuối cùng, lẫn nỗi đau đầu vì tiền sử dụng đất đã khác xưa quá nhiều, trở thành ngưỡng cản cho sự “tái hòa nhập cộng đồng”.
Thực tế cho thấy không ít dự án đã được “giở ra” rồi lại ngậm ngùi “đóng lại”. Không ít doanh nghiệp cố gắng “gượng dậy” nhưng sau đó không thể “đứng lên”. Không ít doanh nhân từng ngồi ghế chủ tịch, nay âm thầm làm “phó tướng” cho người để cầu một lẽ mưu sinh.
Chuyện thương trường vốn dĩ thường tình, nhưng nếu nhanh hơn một chút, trong từng nỗ lực “giải cứu”, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp được giữ lại và thị trường khi vào đà tăng trưởng sẽ có thể nhanh chóng lấy lại những gì đã mất, thay vì tiếp tục mất thêm những gì đã có, mỗi ngày.