Doanh nghiệp bất động sản khó tăng tốc trong năm 2024
Giới chuyên gia dự báo, thị trường bất động sản năm 2024 tiếp tục đối diện với khó khăn đan xen với nhiều cơ hội mới. Trong đó, yếu tố được xem là tiên quyết giúp thị trường ổn định là chính sách pháp lý được khơi thông, phần nào giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường. Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, chuyên gia nhận định nhiều doanh nghiệp chưa đủ lực nên khó có thể tăng tốc trong năm 2024.
Khó khăn đan xen với cơ hội mới
Trong một số nghiên cứu thị trường mới đây cho thấy, mức độ quan tâm đến thị trường bất động sản có xu hướng gia tăng so với giai đoạn trước. So với đầu năm 2023, thị trường bất động sản đầu năm 2024 có những dấu hiệu tích cực hơn cả về mức độ quan tâm và lượng tin đăng. Dữ liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy nhu cầu tìm kiếm bất động sản bán toàn quốc trong tháng 1/2024 tăng 66% so với cùng kỳ 2023, lượng tin đăng bán bất động sản cũng tăng 52%.
Tín hiệu tích cực này phần lớn đến từ chính sách pháp lý đang dần được thông thoáng và được tháo gỡ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, thị trường cần phải giải quyết tốt bài toán mất cân bằng cung cầu, cần có nhiều sản phẩm vừa túi tiền, các hình thức kinh doanh đa dạng đáp ứng rộng nguồn cầu. Bên cạnh đó, giảm giá thành sản phẩm là điều hiện đang khó thực hiện nhưng nếu làm được thì sẽ thu hút được lượng cầu mua.
Đây cần thiết là sự chung tay của cả Chính phủ và Chủ đầu tư nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản. Bằng nhiều biện pháp để cải thiện sự phụ thuộc dòng tiền từ ngân hàng bằng cách huy động vốn từ các kênh khác như hợp tác đầu tư, cấu trúc danh mục đầu tư, giãn tiến độ thanh toán để giảm áp lực dòng tiền của người mua nhằm thúc đẩy quyết định đầu tư, làm tốt trong tất cả các khâu.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nhận định, đến nay chính sách điều hành của Chính phủ đang từng bước phát huy hiệu quả, điều chỉnh thị trường bất động sản về vùng ổn định. Theo đó, Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, và sắp tới có thể sẽ là Luật Đất đai sửa đổi.
Ông Hiển dự báo: “Điều này cho thấy dù vẫn còn những khó khăn nhất định, song với các thông tin tích cực từ chính sách vẫn hứa hẹn sẽ tạo chuyển biến lớn cho thị trường. Từ đó giúp “sức khỏe” của các doanh nghiệp tốt hơn, thị trường dần hồi phục”.
Trong khi đó, TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư, Savills Việt Nam cũng cho rằng, bất chấp một số thách thức tồn tại lâu dài tại thị trường Việt Nam, chẳng hạn như thủ tục pháp lý, Việt Nam vẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thể chế chính trị ổn định. Hiện nay, nhà đầu tư vẫn chờ chính sách pháp lý thông thoáng, nhằm thúc đẩy phát triển và cung cấp các sản phẩm phục vụ nhu cầu xã hội.
Lực của doanh nghiệp bất động sản còn yếu
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, lực của doanh nghiệp trên thị trường vẫn còn yếu, năng lực hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng yếu, rất khó để có những sự phát triển tăng tốc trong năm 2024.
Theo ông Đính, năm 2023, những vấn đề khó khăn, vướng mắc của thị trường vẫn chưa được xử lí dứt điểm. Bước sang 2024, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những khó khăn trong hoạt động phát triển đầu tư và dự án bất động sản. Lực của doanh nghiệp trên thị trường vẫn còn yếu, năng lực hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng yếu, rất khó để có những sự phát triển tăng tốc trong năm 2024.
Tuy nhiên vẫn phải khẳng định năm 2024 là một năm rất nhiều cơ hội, và điểm sáng. Đơn cử là sự quyết liệt của Chính phủ, chắc chắn sẽ mạnh hơn năm 2023. Những chỉ đạo có thể sẽ sát sao và trực diện vào những vấn đề khó khăn hơn.
Dù vậy, theo ông Đính, Việt Nam kí kết, hợp tác với nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ. Các hợp tác này chắc chắn sẽ có sự khởi động trong năm 2024 khi nhiều “đại bàng” đã vào thị trường Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư là cơ hội cho thị trường bất động sản phục hồi. Tuy thị trường chưa xuất hiện đỉnh trong năm 2024 nhưng sẽ nhìn thấy điểm xuất phát của thị trường trên chặng đường mới của nền kinh tế.
Chuyên gia bất động sản cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề “nghẽn” dòng vốn và vướng mắc về pháp lý. Do đó, để có thể đứng vững, doanh nghiệp bất động sản cần hoạt động theo hướng “chậm mà chắc”.
Ông Lê Đình Chung - Thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, bản thân doanh nghiệp bất động sản cần phải tiếp tục tái cơ cấu sản phẩm, dồn trọng tâm vào các dự án khả thi, đáp ứng được nhu cầu tài chính của người dân. Hạn chế phát triển sản phẩm phục vụ đầu tư, ưu tiên phát triển sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực. Nghiên cứu thêm các chính sách ưu đãi hấp dẫn, thiết thực dành cho cả khách hàng/nhà đầu tư cũng như các đơn vị phân phối, môi giới bất động sản. Tinh gọn quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ và các giải pháp nhằm giảm giá bán bất động sản. Cần xác định rõ “chung tay thúc đẩy thị trường” là mục tiêu chính, rồi mới xác định đến mục tiêu lợi nhuận.