Doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng “sang ngang“ với năng lượng tái tạo
Nhu cầu và cơ hội phát triển năng lượng tái tạo thể hiện rõ ràng qua làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp tay ngang như bất động sản, ngân hàng, xây dựng vào lĩnh vực này.
Nhà đầu tư chuyển hướng sang năng lượng tái tạo?
Mới đây, tập đoàn có khẩu vị đầu tư bất động sản VinaCapital Group công bố đang mở rộng sang lĩnh vực năng lượng với 3 loại hình đầu tư bao gồm điện khí hóa lỏng (LNG), điện mặt trời và điện gió. Tập đoàn này cho biết đang thương thảo với nhiều nhà đầu tư trong nước cũng như chính quyền địa phương cho mục tiêu phát triển tối thiểu 1 GW (bằng 1.000 MW) điện tái tạo trong vòng 5 năm tới.
Với điện mặt trời, tập đoàn này đã thành lập công ty SkyX Solar và ký hợp tác với với Saigontel trong việc xây dựng và vận hành chuỗi dự án điện mặt trời áp mái trong các khu công nghiệp, resort… Ngoài ra, tập đoàn cho biết ưu tiên đầu tư thêm vào các dự án điện mặt trời đang vận hành và đầu tư có chọn lọc với các dự án đang xây dựng. Với dự án điện gió, đơn vị này sẽ ưu tiên đầu tư cho các dự án điện gió sẵn sàng xây dựng, trong khi đầu tư có chọn lọc với các dự án điện gió đang ở giai đoạn đầu.
Chiến lược mới của VinaCapital càng khẳng định thêm sức hấp dẫn của các dự án năng lượng điện mặt trời. Hiện, Chính phủ đang thúc đẩy tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, như thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và năng lượng sinh khối lên 21% tổng công suất lắp đặt, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng, và giảm 25% lượng phát thải khí nhà kính tới 2030. Đây chính là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều ông lớn trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng sang ngang để chớp thời cơ.
Thống kê của Reatimes cho thấy, trong năm 2020 các tên tuổi lớn như BIM Group, Trung Nam Group, Xuân Thiện, hay Cơ điện lạnh (REE), Tập đoàn Sao Mai (ASM) đều đặt kế hoạch phát triển dự án điện tái tạo với quy mô và công suất lớn.
CTCP Chứng khoán SSI cho biết, CTCP Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) đang bước vào giai đoạn mới khi từng bước chuyển mình từ một nhà phát triển bất động sản sang phát triển năng lượng tái tạo. Kể từ năm 2009, Hà Đô đã lấn sân sang đầu tư năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, doanh nghiệp này bắt đầu tấn công mạnh hơn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 ban lãnh đạo Hà Đô cho biết công ty có kế hoạch giải ngân 4.800 tỷ đồng vào 4 nhà máy giai đoạn 2020-2021: Thủy điện Đăk Mi (1.499 tỷ đồng), Thủy điện Sông Tranh (630 tỷ đồng), Nhà máy điện mặt trời SP Infra (973 tỷ đồng) và Nhà máy điện gió 7A Thuận Nam (1.710 tỷ đồng).
Trước đó, năm 2019, dự án điện mặt trời Hồng Phong 4 tại Bình Thuận (công suất 48 Mwp) chính thức đi vào hoạt động, mang về doanh thu bình quân gần 200 tỷ đồng mỗi năm. Vào đầu năm 2020, Hà Đô đã tiến hành mua lại dự án điện mặt trời SP Infra tại Ninh Thuận (công suất 50 MWp).
Từ đầu năm 2020, Hà Đô liên tục huy động vốn và bơm vốn vào các nhà máy điện. Chẳng hạn, tháng 3/2020, Hà Đô công bố tăng vốn cho Công ty TNHH MTV Điện gió Hà Đô Thuận Nam từ 10 tỷ đồng lên 455 tỷ đồng để đầu tư dự án điện gió 7A Thuận Nam.
Theo kế hoạch đưa ra trong năm 2020, Hà Đô sẽ phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ để đầu tư vào các dự án năng lượng. Dự kiến trong năm 2021, Hà Đô sẽ xây dựng được một danh mục đầu tư bao gồm 5 nhà máy thủy điện, hai nhà máy điện mặt trời và 1 trang trại điện gió.
Năng lượng tái tạo kéo ngân hàng vào cuộc
Không chỉ các doanh nghiệp bất động sản mà hàng loạt ngân hàng cũng rất mặn mà với dự án năng lượng mặt trời. Thực tế để tiếp cận vốn từ ngân hàng đối với các dự án năng lượng tái tạo là không dễ. Ví dụ như đối với điện mặt trời, việc "người người, nhà nhà" đổ tiền làm điện mặt trời nên nhu cầu về vốn trung, dài hạn lớn trong khi nguồn cung có giới hạn. Nhiều ngân hàng cũng đã bắt đầu có những gói cho vay giá trị lớn để thúc đẩy phát triển ngành năng lượng xanh này.
Khách hàng có 2 dạng: Một là những dự án lớn cung cấp tổng thể. Hai là dự án công suất vừa hoặc điện mặt trời áp mái cho các hộ gia đình.
Chẳng hạn mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ký kết một thỏa thuận cho vay trị giá 37,8 triệu USD với Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển năng lượng TTC (Công ty Năng lượng TTC) nhằm cung cấp tài trợ dài hạn cho việc xây dựng và vận hành một nhà máy điện mặt trời công suất 50MW tại Tây Ninh.
Trước đó, hàng loạt các ngân hàng cũng đã mở những gói tín dụng đối với các dự án năng lượng tái tạo. Những cái tên như Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV đã có những gói tín dụng xanh cho các dự án trong năm 2018. Vietcombank đang cho vay 3 dự án là Srêpok 1, Srêpok 2 và BP Solar. Srêpok 1 có tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng tại Đắk Lắk. Srêpok 2 và BP Solar 1 là 2 dự án ở Phước Hữu, Ninh Thuận.
VietinBank cũng công bố tài trợ 1.000 tỷ đồng, tương đương 62,5% tổng vốn đầu tư cho dự án điện mặt trời TTC 01 tại Tây Ninh. Năm 2017, Agribank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng ký thỏa thuận đồng tài trợ vốn cho nhà máy điện mặt trời Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) với vốn đối ứng của chủ đầu tư chiếm 40%, vốn vay các ngân hàng chiếm 60%.
Riêng HD Bank dành 7.000 tỷ đồng cho các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và tính đến năm 2018 đã cấp 3.000 tỷ đồng cho các dự án năng lượng điện mặt trời.
Ngoài cho vay vốn đầu tư dự án thì nhiều ngân hàng cũng hợp tác với doanh nghiệp cho vay khách hàng dùng hệ thống năng lượng mặt trời. Chẳng hạn, BIDV phối hợp với Công ty Năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) đưa ra các gói giải pháp điện mặt trời hỗ trợ các hộ gia đình. Hạn mức cho vay tối đa 75% tổng vốn đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái công suất 2-10 kWp với thời hạn 12-36 tháng, lãi suất 10%/năm.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng là một trong số những nhà băng tham gia cấp vốn cho dự án điện mặt trời, đơn cử như nhà máy Phước Hữu công suất lắp đặt 65 MWp của CTCP Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang. Cụ thể, MSB cấp vốn cho Vịnh Nha Trang thông qua việc mua toàn bộ 650 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm do công ty phát hành với lãi suất cổ định năm đầu tiên là 10% và các kỳ tiếp theo là tổng của lãi tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng tại MSB cộng với biên độ 3,5%/năm.
Cẩn thận rủi ro tài chính
Thách thức đối với các NHTM khi thực hiện chính sách tín dụng xanh là các quy định về pháp luật còn dàn trải; các rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội cũng sẽ tác động đến gói tín dụng này. Thực tế, những dự án đáp ứng đủ tiêu chuẩn để giảm thiểu rủi ro liên quan đến môi trường xã hội thường làm phát sinh chi phí đầu tư, giảm hiệu quả kinh tế, nhiều ngành nghề liên quan đến tăng trưởng xanh là các ngành nghề mới điện mặt trời, điện gió, điện rác…
Ngoài ra, việc cấp tín dụng xanh còn nhiều vướng mắc như cơ chế ưu đãi chưa rõ, chi phí đầu tư rất lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài. Hơn nữa, nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn, trung hạn mà đầu tư cho dự án xanh lại đòi hỏi dài hạn. Điều này khiến các ngân hàng gặp khó khăn về nguồn vốn cho vay. Hơn nữa, giá mua điện nhiều khả năng được điều chỉnh giảm khi nguồn cung gia tăng, dẫn tới nguy cơ doanh nghiệp không có tỉ suất sinh lợi tốt để trả vốn và lãi vay ngân hàng, gây ra rủi ro tài chính.
Giữa bối cảnh dòng vốn tín dụng ngân hàng ngày càng bị siết chặt, trong khi dịch Covid-19 gây thêm áp lực kêu gọi đầu tư từ các đối tác nước ngoài, trái phiếu đang nổi lên như một kênh thay thế tiềm năng. Do đó, nhóm doanh nghiệp đầu tư năng lựợng tái tạo đang tạo ra một cuộc đua phát hành trái phiếu lãi suất cao để giải quyết cơn “khát vốn”.
Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay, Vietracimex liên tiếp hút về hàng nghìn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu để đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Tháng 1/2020, CTCP Năng lượng Hồng Phong 1 - công ty con của Vietracimex phát hành lên tới 2.550 tỷ đồng. Trái phiếu có lãi suất cố định và ở mức khá thấp so với mặt bằng chung hiện nay (10 - 11%/năm). Đầu tháng 6/2020, Năng lượng Hồng Phong 2 đã phát hành 6 lô trái phiếu có tổng giá trị 1.600 tỷ đồng, lãi suất cố định 10%/năm với 4 kỳ tính lãi đầu tiên và được thả nổi các kỳ sau đó.
Từ ngày 25/6 - 28/8/2020, nhóm doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Xuân Thiện đã huy động tổng cộng gần 13.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Các doanh nghiệp này gồm Công ty Ea Súp 1, Ea Súp 2, Ea Súp 3, Ea Súp 5, Xuân Thiện Đắk Lắk, Xuân Thiện Ninh Thuận, Xuân Thiện Thuận Bắc và Công ty TNHH Năng lượng Sơn La.
Các chuyên gia tài chính - ngân hàng cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng khi đổ tiền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp điện mặt trời. Khi các dự án phải giảm công suất dẫn đến khả năng thu hồi vốn, trả nợ của chủ đầu tư bị ảnh hưởng. Thậm chí, có dự án huy động vốn qua kênh trái phiếu nhưng không nằm trong quy hoạch, không có hợp đồng đấu nối vào lưới điện quốc gia, chủ đầu tư mỏng vốn, “tay không bắt giặc”, không thực hiện dự án đúng tiến độ.
Tương tự bất động sản, các dự án điện mặt trời sử dụng đòn bẩy tài chính cao, phụ thuộc nhiều vào vốn đi vay. Liệu làn sóng ồ ạt phát hành trái phiếu để phát triển dự án điện mặt trời khả năng có thể xảy ra rủi ro tương tự như trái phiếu bất động sản?