Doanh nghiệp và nỗi lo sử dụng lao động mùa dịch
Đơn hàng dồi dào nhưng phải đóng cửa phòng dịch, nhiều doanh nghiệp khác lại đang gặp khó trong việc sử dụng lao động, dẫn đến nguy cơ thua lỗ nặng và đứt gãy chuỗi cung ứng.
Với tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta trong không khí, không ít doanh nghiệp đã có những ca nhiễm. Với những doanh nghiệp vẫn đang sản xuất và chưa phát sinh ca nhiễm, nhiều biện pháp đã được thực hiện đồng thời nhằm giải quyết bài toán sử dụng lao động, song vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tình trạng này kéo dài khiến cho các doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa vì không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, mất nhiều khách hàng tiềm năng…
Thiếu nhân lực, phương án “3 tại chỗ” gặp khó
Trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực yêu cầu nhiều lao động cùng làm việc trong nhà máy. Bởi, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất nhanh và trước mỗi lần bùng dịch đều phải chủ động đóng cửa để bảo đảm an toàn. Thêm vào đó là thời gian đầu đại dịch, nguồn cung – cầu bất ổn, nên để cầm cự, các doanh nghiệp đã phải chủ động cắt giảm lao động, thu nhỏ quy mô. Vì vậy nên khi số lượng đơn hàng tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã phải từ chối vì không thể đáp ứng nhu cầu.
Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty may mặc Dony, nửa đầu năm nay, lượng hàng xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ của Dony tăng cao hơn cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, ông Phạm Quang Anh cho biết con số này còn có thể lớn hơn nếu doanh nghiệp có thêm nhân sự.
Thời gian qua, công ty may mặc này đã từ chối nhiều đơn hàng, điển hình là 2 đơn xuất đi Mỹ, trong đó một đơn gồm 150.000 áo khoác nỉ và một đơn gồm 100.000 áo thun.
“Việc từ chối đơn hàng vì không đủ năng lực sản xuất là bình thường. Ngay lúc này chúng tôi hạn chế tuyển mới ồ ạt, chỉ tuyển khi thực sự cần thiết. Con số 2 công nhân cần tuyển không có nghĩa lượng lao động hiện tại đã đủ, mà do chúng tôi chỉ dám nhận đơn hàng dựa trên công suất có thể đáp ứng một cách chắc chắn”, ông Phạm Quang Anh nói.
Bên cạnh việc thiếu nhân lực, các doanh nghiệp còn gặp khó trong việc sử dụng lao động tại nhà máy. Nhiều biện pháp đã được đưa ra để các doanh nghiệp sản xuất áp dụng, trong đó phương án “3 tại chỗ” là ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và sản xuất tại chỗ đang được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho rằng, rất khó để áp dụng phương án này, đặc biệt là đối với doanh nghiệp có số lượng lao động lớn, mặt bằng chật hẹp. Để bố trí nơi ăn, nghỉ sinh hoạt tại chỗ cho 2.000 công nhân trong thời điểm hiện nay, công ty buộc phải đầu tư một khoản kinh phí lớn để cải tạo nơi ăn nghỉ, chưa kể tới nguy cơ lây lan dịch bệnh là khó tránh khỏi.
“Phương án 3 tại chỗ cực kỳ tốn kém vì trong doanh nghiệp đâu có chỗ cho cả ngàn người ở, mà ở trong doanh nghiệp từ ăn ở, sinh hoạt quản lý không phải dễ. Mà bệnh đâu chỉ có Covid-19, nếu ở đông như vậy tại một chỗ, có bệnh khác phát sinh như dịch tả thì cũng nguy hiểm hơn nhiều. Công ty vẫn trong tư thế sẵn sàng khi cần thiết sẽ kích hoạt. Hiện nay, mình cũng chỉ mới tăng cường cao hơn, mỗi công nhân phải thực hiện cam kết đi làm về không được ghé đâu hết”, ông Trần Văn Lĩnh nói.
Lo ngại tuyển dụng mới, tha thiết được tiêm vắc–xin
Dù những khó khăn tồn tại ngay trước mắt nhưng để tháo gỡ ở thời điểm hiện tại không không phải chuyện dễ. Bởi để đáp ứng nhu cầu và hoàn thiện các đơn đặt hàng cần nhiều nhân lực làm việc ổn định tại nhà máy nhưng khi gia tăng thêm nhân lực càng có nguy cơ lây lan dịch bệnh, dây chuyền sản xuất có thể bị tê liệt hoàn toàn.
Đối với công ty thực phẩm Duy Anh, lượng hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Ông Lê Duy Toàn, giám đốc doanh nghiệp cho hay, một số thời điểm có nhiều đơn cần giao gấp nên nhu cầu tuyển lao động thời vụ tăng cao. Tuy vậy, công ty không dám “đánh đổi” sự an toàn hiện tại.
“Dịch bệnh căng thẳng quá, chúng tôi không dám tuyển người mới vì không biết họ đã đi những đâu, tiếp xúc với những ai. Lỡ nhận thêm người vào khiến nhà máy phải đóng cửa, ảnh hưởng đến sức khỏe và thu nhập của những lao động hiện tại thì còn chết nữa”, ông Lê Duy Toàn chia sẻ.
Đứng trước tình thế cấp bách và kéo dài như hiện tại, nhiều doanh nghiệp chỉ còn biết trông chờ vào việc tiêm vắc-xin, mong muốn tạo lớp miễn dịch cho toàn bộ công nhân.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thuỷ sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”, còn hơn 70% doanh nghiệp đã phải đóng cửa.
Tuy nhiên, việc thực hiện “3 tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong thời gian ngắn hạn, và chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần đối với các doanh nghiệp vừa. Các doanh nghiệp lớn hơn cũng duy trì tối đa 4-5 tuần do phải gồng gánh quá nhiều khoản chi phí.
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký VASEP, cho biết dù việc chống dịch là nhiệm vụ cần ưu tiên hàng đầu, nhưng vẫn phải duy trì sản xuất và lưu thông những mặt hàng thiết yếu và phục hồi sản xuất – xuất khẩu.
“Tập trung tiêm ngay vắc xin cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản, chúng ta sẽ vừa giữ được thị trường đối tác xuất khẩu, vừa duy trì được sản xuất và công ăn việc làm cho rất nhiều lao động, bao gồm cả nông – ngư dân khai thác biển và sản xuất nguyên liệu ở phía trước”, ông Hòe nói.
Tóm lại, với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện tại, các doanh nghiệp đều đang có chung khó khăn về việc vận hành lao động trong sản xuất. Và các biện pháp như giãn cách, “3 tại chỗ” chỉ là biện pháp tạm thời, cần đẩy nhanh quá trình tiêm vắc-xin để các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.