Đông Anh: Đất nền tiếp tục “nóng bỏng tay” 200-300 triệu đồng /m2, nhiều “ông lớn” địa ốc đã góp mặt
Mặc dù chưa chính thức lên quận nhưng giá đất huyện Đông Anh thời gian qua đang leo thang chóng mặt. Theo đó, đất làng tại đây có mức giá cao nhất lên đến 200-300 triệu đồng/m2. Với tiềm năng trong tương lai, nhiều “ông lớn” bất động sản cũng đã đầu tư nhiều dự án tại đây, tạo ra sức hút lớn cho thị trường bất động sản khu vực này.
Đông Anh nằm ở khu Đông Hà Nội, kết nối với trung tâm TP bởi 2 cây cầu là Thăng Long và Nhật Tân. TP Hà Nội đang nghiên cứu triển khai thêm nhiều dự án hạ tầng sau khi đưa Đông Anh lên quận, trong đó có 2 cây cầu bắc qua sông Hồng, nối Đông Anh với vùng lõi Thủ đô là cầu Thượng Cát và cầu Tứ Liên.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy trong 6 tháng đầu năm, giá rao bán đất nền tại Đông Anh đã tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong số các huyện vùng ven Thủ đô như Quốc Oai (+20%), Hoài Đức (+19%), Thạch Thất (+13%) hay Gia Lâm (+4%). Cùng với đó, mức độ quan tâm - chỉ số phản ánh nguồn cầu - đối với bất động sản Đông Anh cũng tăng đột biến hơn gấp đôi, cao nhất trong các huyện của Hà Nội.
Theo khảo sát, lượng môi giới và nhà đầu tư đổ về thị trường Đông Anh ngày càng đông đảo. Giá đất cũng thiếp lập mặt bằng mới.
Theo số liệu của Batdongsan.com.vn, đất Đông Trù, Lễ Pháp, Tiên Dương, Uy Nỗ… có vị trí mặt đường lớn kinh doanh, giá chào bán đã tăng từ 170-220 triệu đồng/m2 thời điểm tháng 5/2024 lên mức 190-240 triệu đồng/m2 thời điểm hiện tại. Đất mặt tiền rộng ở Phương Trạch, giá bán cũng tăng từ mức 170-185 triệu đồng/mư lên mức 190-220 triệu đồng/m2. Với vị trí sát siêu dự án Vinhomes Cổ Loa là đất thôn Trung Thôn, những lô 2 mặt tiền đắc địa, giá cũng chạm mốc 240-250 triệu đồng/m2, tăng 15-20% so với 4 tháng trước đó.
Thị trường cũng ghi nhận mức tăng đáng chú ý ở những vị trí kinh doanh được nhưng không đắc địa bằng các vị trí trên. Cụ thể, so với tháng 5/2024, giá bán đất Tây Bắc Lễ Pháp tăng từ mức 74-100 triệu đồng/m2 lên mức 85-110 triệu đồng/m2. Đất Tiên Dương ở vị trí ngõ rộng, 2 ô tô tránh nhau, giá bán cũng tăng từ mức 60-90 triệu đồng/m2 lên 75-105 triệu đồng/m2. Đất Nguyên Khê, vị trí có thể kinh doanh được, mức giá tăng từ 62-78 triệu đồng/m2 lên mức 75-96 triệu đồng/m2. Các vị trí đất ngõ nhỏ, nằm sâu trong làng thuộc Vân Nội, Bắc Hồng, giá bán tăng từ 40-45 triệu đồng/m2 lên 50-55 triệu đồng/m2.
Giá đất mặt đường Xuân Canh cũng tăng từ 100-120 triệu đồng/m2 lên mức 120-140 triệu đồng/m2; đất trong ngõ tăng từ 60-65 triệu đồng/m2 lên mức 82-97 triệu đồng/m2.
Cá biệt, một lô góc diện tích gần 130m2 mặt tiền 8m tại xã Xuân Canh đang được chủ nhà rao bán 197 triệu đồng/m2. Chủ nhà cho biết, lô đất này sát vách dự án, view nhìn ra cầu Tứ Liên trong tương lai và gần sông Hồng.
“So với giá một dự án đang rao dự kiến 300 triệu đồng/m2 thì giá mảnh đất này chưa đến 200 triệu đồng/m2 là rẻ”, chủ này nói.
Theo các môi giới đất nền Đông Anh, thị trường liên tục đón các tín hiệu tích cực, giá đất tăng cao nhưng lượng chủ nhà muốn bán đất lại rất ít. Phần lớn chủ đất đang giữ tâm lý “găm hàng chờ thời” với niềm tin giá đất sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian sắp tới. Đà tăng giá đi cùng với tiến độ triển khai của các siêu dự án tại đây.
Nhiều “ông lớn” cũng đã có mặt
Sức nóng của thị trường bất động sản Đông Anh là không phải bàn cãi với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành. Không phải ngẫu nhiên mà nơi này lại hút được nhiều đại gia bất động sản đến vậy.
Nổi bật nhất phải kể đến Tập đoàn Vingroup đã đề xuất tham gia đầu tư xây dựng dự án cầu Tứ Liên theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Đây là cây cầu nối liền bờ phía Tây sông Hồng dọc tuyến đường Âu Cơ - Nghi Tàm thuộc địa phận các phường Yên Phụ, Tứ Liên, quận Tây Hồ với bờ Đông sông Hồng thuộc địa phận huyện Đông Anh.
Trước đó, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) - công ty con trực thuộc Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư cũng vừa chính thức khởi công. Dự án có tổng diện tích hơn 261 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 18.300 tỷ đồng, vị trí nằm tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm.
Ngoài ra, sút hút từ dự án Vinhomes Cổ Loa cũng "kéo" các nhà đầu tư khắp nơi đổ về, đặc biệt những khu đất “vệ tinh” quanh dự án Cổ Loa. Đông Anh còn sở hữu nhiều dự án với tổng vốn đầu tư hàng tỷ USD như Thành phố thông minh phía Bắc sông Hồng (BRG Smart City) được Hà Nội công bố triển khai vào tháng 11/2023. Tổng vốn đầu tư khoảng 4,2 tỷ USD, quy mô hơn 270 ha, nằm tại ba xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Kim Nỗ, huyện Đông Anh.
Mới đây, Tập đoàn T&T đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác nghiên cứu đầu tư vào khu liên hợp thể thao Đông Anh với Tập đoàn JTA (Qatar). Khu liên hợp này dự kiến rộng 330 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD.
Dự án sẽ có sân vận động sức chứa 60.000 người (gấp khoảng 1,5 lần sức chứa của sân vận động Quốc gia Mỹ Đình), khu phức hợp huấn luyện và thi đấu thể thao trong nhà và ngoài trời, trung tâm đào tạo vận động viên trẻ… và các hạng mục chức năng đạt tiêu chuẩn Olympic. Cùng với đó là tổ hợp công viên chuyên đề, khu vui chơi giải trí theo mô hình Disneyland.
Có thể thấy rằng, được quy hoạch lên quận vào cuối năm 2024, huyện Đông Anh, Hà Nội liên tục nhận được sự quan tâm không chỉ bởi những dự án bất động sản của các "ông lớn" mà còn được tập trung đầu tư nhiều công trình hạ tầng trọng điểm.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, nhìn nhận giá đất Đông Anh hiện nay đang lên cao. Nếu như Đông Anh xong cầu Tứ Liên kết nối sang Tây Hồ thì rõ ràng sẽ rất thuận lợi cho các khu vực xung quanh. Khi hạ tầng hoàn chỉnh, giá lên cao là hợp lý chứ không phải tự nhiên tăng.
Xét về vĩ mô, ông Điệp cho rằng có nhiều yếu tố khiến giá bất động sản lên mức cao. Thứ nhất, Việt Nam đang ở giai đoạn đô thị hóa cao, nhu cầu để ở và đầu tư lớn. Thứ hai, dòng tiền trong nước hiện chưa đổ vào kênh nào ngoài bất động sản. Thứ ba, nhiều dự án đang mắc kẹt, còn những dự án lớn triển khai được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thứ tư, cung không đủ cầu nên khi một số doanh nghiệp lớn độc quyền nguồn cung thì họ tự chủ động về mức giá. Thứ năm, đại bộ phận những người có tiền đều mua và đầu cơ bất động sản mà không cần dùng đòn bẩy.
Muốn giải quyết vấn đề về giá, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng cần có cơ chế chính sách và nguồn lực.