Đông Anh (Hà Nội): “Bệ phóng” để lên quận, giá bất động sản bắt đầu “nóng bỏng tay”?

Loạt dự án hạ tầng chính là là 'bệ phóng' để huyện Đông Anh lên quận. Theo đó, giá bất động sản tại đây đã bắt đầu tăng nóng ngay từ những thời điểm có thông tin lên quận, làn sóng đầu tư cũng đang có xu hướng tìm về đây.

Đông Anh (Hà Nội): “Bệ phóng” để lên quận, giá bất động sản bắt đầu “nóng bỏng tay”? - Ảnh 1

Hạ tầng làm bàn đạp để lên quận

Đông Anh là một trong 5 huyện có lộ trình lên quận khi đã hoàn thành các tiêu chí và đủ điều kiện theo tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại Cuộc họp Ban chỉ đạo phát triển, xây dựng 5 huyện thành quận tại thủ đô, Thành phố Hà Nội xác định việc hoàn thiện hồ sơ lên quận với Đông Anh là nhiệm vụ ưu tiên năm 2024.

Nếu cán đích sớm, quận mới Đông Anh sẽ được gia tăng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các cơ chế chính sách, đồng thời, tăng cường số lượng cán bộ nhà nước, quản lý an ninh. Các trụ sở ban, ngành, trường đại học, bệnh viện, trung tâm triển lãm quốc gia, cơ sở sản xuất công nghiệp được xây dựng mới hoặc di dời từ các quận trung tâm sang Đông Anh. Nhờ đó, người dân sẽ được hưởng các dịch vụ an sinh xã hội và tận hưởng nhiều tiện ích hơn so với trước.

Đông Anh có hệ thống công trình giao thông kết nối đồng bộ như đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, Nhật Tân - Nội Bài, Quốc lộ 5 kéo dài, đại lộ Trường Sa - Hoàng Sa, Quốc lộ 3, đường 23B, 23A, cầu Thăng Long, cầu Đông Trù… Đáng chú ý, cầu Tứ Liên và đường dẫn dài 11,5km nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh sắp được thành phố triển khai xây dựng.

Việc hình thành cây cầu trong nội đô bắc qua sông Hồng sẽ góp phần làm giảm ách tắc giao thông cho các tuyến từ nội thành lên các tỉnh phía Bắc, hình thành cửa ngõ thứ ba bên cạnh cầu Thăng Long và cầu Nhật Tân, thuận tiện di chuyển từ Sân bay quốc tế Nội Bài về trung tâm thành phố. Sau khi hoàn thành, người dân có thể rút ngắn thời gian di chuyển vào trung tâm Thành phố chỉ còn khoảng 10 phút.

Tại Đông Anh, dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường cấp khu vực (NC-1) phía Bắc thôn Cán Khê đi thôn Tiên Hùng đến đường gom đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên cũng vừa được lập báo cáo.

Tuyến đường có tổng chiều dài 2,2km, nằm trên địa bàn xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh; được phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 7/2022. Điểm đầu tuyến giao với đường quy hoạch tại phía Bắc thôn Cán Khê; điểm cuối giao với đường gom đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên. Tổng mức đầu tư của dự án là 245 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2025 đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, triển khai xây dựng tuyến đường từ Hoàng Sa đến đường sắt Hà Nội - Lào Cai (3,7km; 1.239 tỷ đồng); tuyến đường LK50, đoạn từ Quốc lộ 3 cũ đến đường Thư Lâm dài 5,9km; quy mô 1.303 tỷ đồng; tuyến đường LK54 kết khu tái định cư cầu Nhật Tân đến đường LK53 dài 3,8km; tổng 1.204 tỷ đồng; đường LK51 đoạn từ Quốc lộ 3 mới đến đường Uy Nỗ dài 5,7km; 1.168 tỷ đồng).

Đáng chú ý, mới đây, huyện Đông Anh được duyệt hai tuyến đường 4-6 làn kết nối trục Nhật Tân - Nội Bài. Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Quyết định 3338 về việc phê duyệt phương án, vị trí tuyến đường Nam Hồng - Tiên Dương , tỷ lệ 1/500.

Theo đó, phê duyệt phương án, vị trí tuyến của 2 đoạn tuyến thuộc tuyến đường Nam Hồng – Tiên tỷ lệ 1/500 do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập, được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thẩm định.

Vị trí tuyến đường: Điểm đầu giao với đường quy hoạch 30m phía Đông trục Nhật Tân – Nội Bài , điểm cuối giao với tuyến đường quy hoạch LK48 (B = 40m), chiều dài khoảng 1,2km; đoạn 2 từ tuyến đường quy hoạch B = 30m phía Đông khu đấu giá quyền sử dụng đất Bắc đường 23B tại xã Tiên Dương đến tuyến đường Vân Nội – Uy Nỗ, chiều dài khoảng 1,6km.

Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội cũng ban hành Quyết định về việc phê duyệt phương án, vị trí tuyến đường Vân Nội – Uy Nỗ, tỷ lệ 1/500. Vị trí tuyến đường: Điểm đầu giao với đường quy hoạch 30m phía Đông trục Nhật Tân – Nội Bài, điểm cuối giao với tuyến đường quy hoạch LK48 (B = 40m), chiều dài khoảng 1,2km.

Hướng tuyến: Tuyến đường có hướng Đông – Tây, phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô và Quy hoạch phân khu đô thị N7 được duyệt. Quy mô mặt cắt ngang đường: Bề rộng mặt cắt ngang điển hình 40m bao gồm các thành phần: Lòng đường 2x11,25m (6 làn xe), dải phân cách giữa 3m, vỉa hè 2x7,25m.

Bất động sản rục rịch tăng nóng

Trong bối cảnh các nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm vùng đất tiềm năng tại khu vực quanh các trục phát triển của Thủ đô, Đông Anh nổi lên với dư địa phát triển dồi dào, đặc biệt khi có những điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Đặc biệt, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đưa 5 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng lên quận. Trong đó, Đông Anh và Gia Lâm sẽ phấn đấu là 2 huyện lên quận trước năm 2025. Thông tin này đã khiến thị trường đất nền Đông Anh nổi sóng.

Trên thực tế, ngay từ trong quý 1/2024, đất nền Đông Anh đã có những diễn biến tích cực. Dữ liệu trực tuyến của Batdongsan.com.vn cho thấy, trong quý 1/2024, mức độ quan tâm đất nền trên cả nước đã tăng từ mức 44 điểm của quý 4/2023 lên mức 48 điểm trong quý 1/2024. Đáng chú ý, ở phía Bắc, mức độ quan tâm tăng mạnh ở một số huyện ngoại thành Hà Nội với các đại diện Đông Anh, Hoài Đức với mức độ quan tâm đang gần chạm đến mức quan tâm của quý 1/2022 – giai đoạn thị trường bất động sản sôi động.

Đông Anh (Hà Nội): “Bệ phóng” để lên quận, giá bất động sản bắt đầu “nóng bỏng tay”? - Ảnh 2

Bất động sản Đông Anh rục rịch tăng giá kể từ đầu năm 2024 (Ảnh minh họa).

Sang đến quý 2/2024, cũng theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, đất nền vẫn ghi nhận những diễn biến tích cực. Theo đó, mức độ quan tâm đất nền trong quý 2/2024 tăng 33% so với quý 1/2021. Đáng chú ý, đất nền Đông Anh ghi nhận giá bán và mức độ quan tâm tăng trưởng mạnh nhất trong số các huyện vùng ven của Hà Nội. Cụ thể, so với quý trước đó, giá bán đất nền Đông Anh tăng 24%, mức độ quan tâm tăng 104%.

Theo một khảo sát thực tế do Batdongsan.com.vn thực hiện, đất nền Đông Anh đang có sự tăng trưởng mạnh về giá. Đơn cử, đất Đông Trù, Lễ Pháp, Tiên Dương, Uy Nỗ, Đông Hội… có vị trí mặt đường lớn kinh doanh đang có giá chào bán 170-220 triệu đồng/m2, trong khi cuối năm ngoái mức giá chỉ dao động 130-160 triệu đồng/m2.

Ở những vị trí kinh doanh được nhưng không đắc địa bằng các vị trí trên, thị trường cũng ghi nhận mức tăng đáng chú ý. Cụ thể, so với quý 1/2024, giá bán đất Tây Bắc Lễ Pháp tăng từ mức 70-95 triệu đồng/m2 lên mức 74-100 triệu đồng/m2. Đất Tiên Dương ở vị trí ngõ rộng, 2 ô tô tránh nhau, giá bán cũng tăng từ 55-85 triệu đồng/m2 lên mức 60-90 triệu đồng/m2. Đất Nguyên Khê, vị trí có thể kinh doanh được, mức giá tăng từ 58-75 triệu đồng/m2 lên mức 62-78 triệu đồng/m2. Các vị trí đất ngõ nhỏ, nằm sâu trong làng thuộc Vân Nội, Bắc Hồng, giá bán tăng từ 35-40 triệu đồng/m2 lên mức 40-45 triệu đồng/m2.

Theo môi giới bất động sản tại huyện Đông Anh, cho biết, thông tin huyện lên quận, dự án xây dựng hạ tầng là một cú hích lớn khiến giá đất tại huyện Đông Anh khởi sắc sau thời gian dài ảm đạm.

Theo người này, phân khúc đất nền tại huyện Đông Anh đã được tìm kiếm, có giao dịch trở lại những tháng đầu năm 2024. Sau thời gian dài cắt lỗ, giảm giá, phân khúc đất nền giá từ 2-3 tỉ đồng/lô tại huyện Đông Anh đã được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức đầu tư bất động sản lưu ý, dù mức giá liên tục tăng cao, không loại trừ trường hợp môi giới bất động sản, người bán đang đẩy giá thị trường. Hiện cũng chưa có các dữ liệu thống kê chi tiết số lượng giao dịch thực tế phân khúc đất nền ở các huyện vùng ven Hà Nội.

An Nhiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống