Dự báo thị trường bất động sản năm 2021: Cơ hội lớn song hành rủi ro cao
Đó là nhận định của GS.TS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường tại hội thảo diễn ra mới đây.
Theo vị GS này, nhiều vấn đề pháp lý khiến thị trường BĐS bị chững lại khi các khoảng trống pháp luật chưa được lấp đầu, điều này dẫn đến trong 2 năm 2019 và 2020 số lượng dự án BĐS tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giảm tới 10 lần so với giai đoạn trước đó.
Mặc dù, Chính phủ đã và đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho thị trường bất động sản như Nghị định 148 với nhiều điều sửa đổi nhưng vẫn chưa thể thay thế được Luật Đất đai. Khoảng trống pháp luật trong việc thu hồi đất công bờ kênh, bờ mương hoặc đất do Nhà nước quản lý lại không được đề cập trong Nghị Định 148.
Hơn nữa, ngay tại TP Hồ Chí Minh còn nhiều dự án do các cơ quan nhà nước đang sử dụng thuộc diện phải sắp xếp lại thì phải chờ và tiếp tục dừng lại. Nhiều nơi, có đất do các tổ chức sự nghiệp công, các nhà máy do ô nhiễm phải di dời thì cũng dừng lại.
“Thị trường BĐS đã bị tác động tiêu cực do pháp lý trước khi Covid-19 tới, song Việt Nam vẫn tăng trưởng kinh tế trong khi nhiều quốc gia rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Nhờ đó, thị trường BĐS Việt Nam vẫn có sức sống cực kỳ tốt. Năm 2021 vẫn sẽ có cơ hội rất lớn nhưng rủi ro cũng cao”, ông Võ nhấn mạnh.
GS TS Đặng Hùng Võ.
Vào cuối năm 2020, khi nguồn cung giảm so với cầu khá nhiều dẫn đến giá bất động sản tăng, Bộ Xây dựng cho rằng, việc giá tăng vào cuối năm là câu chuyện bình thường do lệch cung cầu. Tuy nhiên, phải nhìn nhận về tại sao nguồn cung lại giảm so với cầu, nếu tiếp tục tình trạng này, trong 2-3 năm tới theo vị GS này nguy cơ đầu cơ, bong bóng rất cao. Dấu hiệu là hiện nay có nhiều nhà cung cấp bất động sản đang có “hàng” nhưng vẫn muốn giữ lại để 2-3 năm tới mới bung ra.
Về những vướng mắc về pháp lý khiến số lượng dự án bất động sản giảm, theo ông Võ có hai khoảng trống lớn hiện nay là việc phê duyệt dự án trên đó có nhiều loại đất, có sự vênh giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở khi Luật Nhà ở yêu cầu đất xây dự án Nhà ở phải là đất ở trong khi Luật Đất đai lại cho phép các loại đất khác.
Và thứ hai là các loại hình bất động sản mới như: Condotel, shophouse, officetel hiện vẫn chưa được cấp sổ hồng. Theo hướng dẫn từ công văn 703 của Bộ Tài nguyên & Môi trường vẫn cấp giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư và thời hạn vẫn là 50-70 năm.
Việc không có sổ hồng làm các nhà đầu tư thứ cấp, cá nhân kém “mặn mà”, rời bỏ phân khúc này. Mặc dù, hiện tại phân khúc này vẫn phát triển nhờ động lực từ các nhà đầu tư lớn nhưng thiếu đi các nhà đầu tư cá nhân. Đây là thiếu sót rất lớn. Ngay cả các địa phương cũng muốn hoàn thiện khung pháp lý để thu hút đầu tư.
Theo ông Võ, để lấp đầy các khoảng trống pháp lý và làm “tan biến” đi các khoảng chồng chéo, hy vọng sớm sửa các văn bản Luật liên quan đến bất động sản để tạo động lực cho thị trường BĐS.
“Tôi cho rằng, đối với thị trường BĐS cơ hội rất lớn nhưng rủi ro pháp lý vẫn kề cận, dễ làm hỏng thị trường. Mà đây chỉ là rủi ro mang tính chủ quan chứ không phải rủi ro mang tính khách quan. Cần nhanh chóng sửa đổi pháp lý để tạo điều kiện cho thị trường BĐS. Với mục tiêu của Chính phủ trong việc phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, khu công nghiệp, du lịch liệu có đạt được hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có thị trường BĐS”, vị GS này nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, những văn bản ban hành trước đây không theo kịp sự chuyển biến của thị trường và năm 2020 đã đánh dấu sự chuyển biến trong công tác pháp lý BĐS.
Theo ông Châu, điểm nghẽn về thể chế đang là điểm nghẽn hàng đầu, đây là là vướng mắc cần tháo gỡ đầu tiên để minh bạch thị tường BĐS. Môi trường minh bạch phải dựa trên thể chế pháp luật. Năm 2020 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách một số luật và nghị định. Tháng 6/2020 một số luật như Luật đầu tư, Luật xây dựng sửa đổi kết hợp Luật nhà ở… đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn.
“Năm 2021 có điểm hội tụ là Luật đầu tư, Luật xây dựng sửa đổi… có hiệu lực. Đây là một trong những điều tạo thuận lợi cho thị trường. Năm 2021, Bộ Xây dựng sửa đổi Luật xây dựng, thông qua nghị quyết về nhà ở giá thấp, tạo cơ chế để doanh nghiệp tham gia phân khúc này. Năm 2021, nếu tháo gỡ được những điểm này thì thị trường có thể hồi phục mạnh mẽ”, ông Châu nhấn mạnh.
Đưa ra dự báo về thị trường BĐS năm 2021, ông Châu cho biết, bên cạnh phân khúc nhà ở cao cấp, BĐS du lịch cũng có nhiều cơ hội phát triển, cần tập trung phát triển thị trường BĐS du lịch để đưa đất nước phát triển. Đây là ngành công nghiệp không khói. Năm 2021, xu hướng ly tâm, chuyển hướng mạnh mẽ đi các tỉnh cũng tiếp tục diễn ra.