Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Tính đường dài

Dự kiến, việc xây dựng và khai thác đường sắt tốc độ cao sẽ vào giữa thế kỷ, với công nghệ hiện tại được đề xuất, lúc đó đã lạc hậu hay chưa?

Đó là câu hỏi được GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) đặt ra khi ông theo dõi tóm tắt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam tại diễn đàn do LHHVN tổ chức.

Về bài toán kinh tế của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, GS Tăng cho rằng liên danh tư vấn và Bộ GTVT cần nghiên cứu toàn bộ hệ thống đường sắt, có so sánh, từ đó mới đánh giá được hiệu quả đến đâu. Còn nếu chỉ nghiên cứu về đường sắt cao tốc/tốc độ cao thì e rằng khó hiểu được việc nên đầu tư như thế nào cho hợp lý.

"Hệ thống đường sắt truyền thống của Việt Nam hiện đã rất lạc hậu, nhưng chúng ta phải đi từng bước, nếu chỉ nhìn dự án này không có khi bị choáng ngợp, không biết lựa chọn thế nào.

Nhiều nước hiện nay không làm đến đường sắt cao tốc nhưng hệ thống của họ vẫn hoạt động tốt, Việt Nam cần cân nhắc", GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng nói.

Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Tính đường dài - Ảnh 1
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam phải là trục xương sống liên kết với các tuyến đường sắt liên vùng, liên tỉnh khác. Ảnh minh họa

Theo nguyên Phó Chủ tịch LHHVN, vấn đề đầu tư đường sắt tốc độ cao vẫn đang còn vướng mắc. Ông đề nghị, trong phương án đầu tư, ngoài 3 phương án tư vấn  nêu ra (sử dụng toàn bộ vốn đầu tư Nhà nước từ nguồn trong nước; Sử dụng toàn bộ vốn Nhà nước từ nguồn vay ODA hoặc vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính; Sử dụng vốn Nhà nước kết hợp với vốn tư nhân (PPP), trong đó Nhà nước tối thiểu 80% tổng mức đầu tư và tư nhân 20% tổng mức đầu tư), có thể nghiên cứu thêm phương án giao cho Nhật đầu tư hết và cho họ khai thác.

"Đầu tư toàn bộ hơn 58 tỷ USD Nhật Bản có dám làm không? Nếu lời, tôi tin rằng họ sẽ đầu tư, còn nếu dự án không có hiệu quả kinh doanh thì khó làm được", ông Tăng cho biết.

Về bài toán kỹ thuật, vị chuyên gia lưu ý, đường sắt tốc độ cao là công nghệ cao, do đó cần suy nghĩ việc xây dựng và khai thác dự án này dự kiến là vào giữa thế kỷ, nếu sử dụng công nghệ như của Nhật Bản hiện tại (theo đề xuất của tư vấn), liệu lúc đó đã lạc hậu hay chưa? Đáng lo hơn, khi đường sắt lạc hậu thì thiết bị thay thế cũng lạc hậu.

Điểm khác, xây dựng đường sắt tốc độ cao thì khả năng cung cấp điện như thế nào? Hiện năng lượng điện của Việt Nam đang thiếu, làm đường sắt tốc độ cao sẽ tiêu tốn năng lượng thế nào? Nếu thiếu điện, đường sắt tốc độ cao có đảm bảo tính bền vững?

"Chúng ta phải tính đến bài toán kinh tế. Nước ta hẹp, người đông, nếu chỉ có một đường thì không ổn, về lâu dài phải tính toán có các  đường nhánh. Chưa kể, cũng phải nghĩ tới việc Việt Nam có tự túc được các nguyên liệu để thay thế không, hay phải phụ thuộc vào nước ngoài?", GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng nêu một loạt vấn đề.

Về nguồn nhân lực, vị chuyên gia đặc biệt lưu ý đến ý thức tổ chức của người Việt, ngoài vấn đề chuyên môn. Phải có trình độ giáo dục cao thì mới có ý thức tổ chức tốt.

Cuối cùng, ông đề nghị cần nghiên cứu phản ứng của xã hội bởi đây là một đại dự án, tác động lớn đến đời sống kinh tế-xã hội của đất nước.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu tại diễn đàn, nguyên ĐBQH Bùi Thị An cho rằng, giao thông phải đi trước một bước thì kinh tế mới phát triển bền vững, đặc biệt, trong giao thông, đường sắt phải đi đầu tiên.

Thế nhưng, thực tế tại Việt Nam lại cho thấy điều ngược lại, ngành đường sắt đi sau cùng trong ngành giao thông. Cho nên, bà tán thành làm đường sắt tốc độ cao, nhưng làm thế nào, chọn phương án ra sao, tốc độ, công nghệ nào, công tác chuẩn bị... thì phải tính kỹ và Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm cao nhất.

"Làm thế nào để Việt Nam lợi nhất? Tại sao có nhiều con số khác nhau về tổng mức đầu tư? Tôi đề nghị phải tính lại kỹ càng, chi li để không có chuyện rơi rụng. Như vấn đề tốc độ, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng tốc độ 200km/h là phù hợp, còn 350km/h thì cao quá, dẫn tới tổng mức đầu tư tăng vọt. Cho nên, phải chuẩn bị thật kỹ, với tinh thần trách nhiệm cao để trình Quốc hội xem xét", bà Bùi Thị An nhấn mạnh.

Năm 2019, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Theo đề xuất của tư vấn, dự án đường sắt tốc độ cao dài 1.559 km chạy dọc hành lang Bắc - Nam, nối Hà Nội và TP HCM. Tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h; được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách.

Dự án có tổng mức đầu tư 58,7 tỷ USD.

Ngày 30/10, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo đó, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam cần được nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến của các chuyên gia, tư vấn, nhà khoa học; so sánh để lựa chọn phương án tối ưu về công nghệ, suất đầu tư, huy động vốn.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được coi là xương sống của chiến lược phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thành Luân

Theo Báo Đất Việt