Đường sắt tốc độ cao: DN sẵn sàng bước vào cuộc chơi lớn

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án quy mô lớn, chưa từng có tiền lệ ở nước ta. Trước cơ hội lớn này, nhiều doanh nghiệp trong nước bày tỏ mong muốn được góp sức vào “siêu dự án” này.

Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam không chỉ là một phần trong chiến lược phát triển giao thông của đất nước mà còn là động lực mạnh mẽ cho sự chuyển mình toàn diện trong hệ thống hạ tầng. Với quy mô siêu lớn và trình độ công nghệ tiên tiến, dự án được kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá cho nền kinh tế đất nước.

Cuộc chơi lớn

Trao đổi với Đầu tư Tài chính, PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), thành viên Tổ tư vấn giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, bày tỏ quan điểm ủng hộ quan điểm lựa chọn phương án tốc độ thiết kế chạy tàu 350km/giờ. Ông cho rằng, cần phải đi tắt đón đầu trong đầu tư đường sắt tốc độ cao. Bởi vì trên thực tế, đất nước ta đã có kinh nghiệm thành công khi đi tắt đón đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tạo ra đột phá rất lớn với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn.

Đường sắt tốc độ cao: DN sẵn sàng bước vào cuộc chơi lớn - Ảnh 1

“Đường sắt tốc độ cao có những yếu tố khắt khe về thiết kế hướng tuyến, đường cong, ví dụ như đường cong tuyến của tàu tốc độ 250km/h chỉ khoảng 3.500m, nhưng tàu tốc độ 350km/h thì đường cong lên tới 8.000m, yếu tố kỹ thuật của hệ thống ray rất phức tạp. Nhiều nước khi nâng cấp đường sắt tốc độ 250km/h lên 350km/h đều rất khó khăn, thậm chí phải làm lại tuyến mới. Vậy nên cần làm luôn một lần tốc độ 350km/h, tránh phải nâng cấp về sau", PGS.TS Trần Chủng phân tích.

Theo PGS.TS Trần Chủng, việc xây dựng luôn đường sắt tốc độ 350km/h nằm trong mục tiêu tiến tới Net Zero (cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050. Bên cạnh đó, muốn đường sắt cạnh tranh với hàng không, nếu chọn phương án tàu chạy 350km/h đi từ Hà Nội vào TP. HCM chỉ hết khoảng 5,5 giờ, hành khách sẽ chọn đường sắt. Nhưng nếu chạy tàu 250km/h, chậm hơn nhiều so với máy bay, trong cuộc đua thị phần đường sắt với hàng không sẽ không còn hiệu quả.

Đánh giá về cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam đối với dự án này, PGS.TS Trần Chủng nhấn mạnh dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ đưa đến một cơ hội rất lớn cho nền kinh tế của Việt Nam, trong đó có cả cơ hội cho nhóm doanh nghiệp xây lắp hạ tầng giao thông. Đây là cơ hội để người Việt Nam tiếp cận và tiến tới làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao. Về phần xây dựng, năng lực nhà thầu trong nước đã làm được đường, móng, trụ, hầm đường bộ nhưng chúng ta còn thiếu hiểu biết, kinh nghiệm về tính toán tác động của đoàn tàu cao tốc chạy trên hạ tầng đó.

Để biến cơ hội thành hiện thực, PGS.TS Trần Chủng cho rằng cách doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị từ bây giờ, mà chuẩn bị quan trọng nhất chính là con người. Những kinh nghiệm từ những việc đã làm là nền tảng, nhưng cần có tư duy mới và tri thức mới. Các nhà thầu xây dựng của chúng ta đã có sự trưởng thành rất lớn. Công trường đường bộ cao tốc hiện máy móc làm thay người rất nhiều. Nhưng sắp tới thi công dự án đường sắt tốc độ cao sẽ có sự tham gia của robot, trí tuệ nhân tạo để kiểm soát chất lượng, đẩy nhanh tiến độ và giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho người lao động.

“Các doanh nghiệp giao thông của Việt Nam dù đã có rất nhiều thành tích, nhưng không nên hài lòng với những thành tích này. Bởi bài toán sắp tới là bài toán khó hơn, phức tạp hơn, không chỉ là về khoa học công nghệ mà còn là sức ép về mặt thời gian. Các doanh nghiệp hãy coi những thành tựu đã đạt được trong quá khứ là hành trang quan trọng để chuẩn bị tâm thế cho cuộc chơi lớn mang tên đường sắt tốc độ cao”, PGS.TS Trần Chủng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Việt sẵn sàng nhập cuộc

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án lớn chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi nước ta phải tập trung nguồn lực và công nghệ cao. Theo Bộ GTVT, trước đây, do nguồn lực đầu tư còn hạn chế, khối lượng công việc do các doanh nghiệp xây dựng trong nước thực hiện không lớn; công tác thiết kế, thi công xây dựng các công trình có kỹ thuật cao như hầm, cầu dây văng chủ yếu do nhà thầu nước ngoài đảm nhận thực hiện, nhà thầu trong nước chủ yếu tham gia với vai trò thầu phụ.

Đường sắt tốc độ cao: DN sẵn sàng bước vào cuộc chơi lớn - Ảnh 2

Những năm vừa qua, một số doanh nghiệp lớn (tập đoàn, tổng công ty…) đã tham gia xây dựng tại các dự án, công trình giao thông lớn (như cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017-2020, giai đoạn 2021-2025). Điều này đã giúp nhà thầu Việt Nam tích lũy thêm năng lực, kinh nghiệm thực hiện các công trình, dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp; đội ngũ nhân sự đã được tăng cường, nâng cao kinh nghiệm quản lý, thi công xây dựng; nhiều máy móc, thiết bị đã được đầu tư, mua sắm.

Là một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực giao thông và cũng đang rốt ráo chuẩn bị nguồn lực cho dự án đường sắt tốc độ cao, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, ngoài các dự án đường bộ cao tốc, việc đầu tư vào hạ tầng đường sắt được xác định là hướng đi mới của Tập đoàn Đèo Cả trong giai đoạn 5 - 10 năm tới. Đèo Cả có một hội đồng cố vấn là các nhà khoa học, chuyên gia, chính khách nhiều kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực như kỹ thuật công trình, an ninh, kiểm toán, tài chính, pháp lý, giáo dục và chuyên gia đường sắt… đồng hành và tham mưu lãnh đạo Tập đoàn với góc nhìn độc lập, đa chiều.

Để đón đầu các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, lãnh đạo Đèo Cả cho biết doanh nghiệp này đã hợp tác với các trường đại học để tuyến sinh, đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành đường sắt. Mô hình hợp tác gồm đặt hàng tại nguồn và đào tạo tại chỗ. Doanh nghiệp này tổ chức nghiên cứu thực tiễn quá trình đào tạo ngành đường sắt - metro của các nước tiên tiến như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản… thông qua các trường như Học viện Công nghệ Singapore (IT), Trường quản trị kinh doanh Hiroshima (Nhật Bản) nhằm chọn lọc “nhập khẩu” chương trình và chuyên gia đào tạo.

Hồi tháng 1/2024, Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả cũng đã khai giảng chương trình đào tạo chuyên ngành xây dựng đường sắt - metro, mở đầu cho chuỗi hoạt động của Tập đoàn Đèo Cả tham gia phát triển nhân lực cho ngành giao thông, “đón đầu” và đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt - metro.

“Cùng với việc khẩn trương đào tạo nhân sự về xây dựng hạ tầng đường sắt, Đèo Cả đã hợp tác với các đơn vị quốc tế có kinh nghiệm… chuyên về thiết bị thi công hạ tầng giao thông và tư vấn đường sắt để học tập công nghệ, củng cố năng lực, nâng cao nguồn lực chất lượng cao. Những bước đi khẩn trương và bài bản của Tập đoàn Đèo Cả thể hiện tinh thần quyết tâm, sẵn sàng nhập cuộc, không chỉ là để góp mặt, mà Đèo Cả sẽ ghi dấu bằng chính những thành tựu cụ thể trong công cuộc phát triển hạ tầng giao thông đường sắt nước nhà”, ông Nguyễn Quang Vĩnh nhấn mạnh.

Chí Bình

Theo Vietnamfinance