Fecon (FCN): Doanh thu quý II đạt hơn 670 tỷ, lãi gộp tăng 18%
So với quý I/2023, doanh thu quý II/2023 của Công ty Cổ phần Fecon (HoSE: FCN) đã tăng trưởng hơn 10%, đạt 674 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, quý II/2023, doanh thu thuần của FCN đạt 674 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ cải thiện giá vốn, lợi nhuận gộp tăng 18%, đạt 125 tỷ đồng. Đây cũng là quý có lợi nhuận gộp tốt nhất trong 6 quý qua.
Hoạt động tài chính bổ sung cho thu nhập quý II/2023 của FCN thêm 5 tỷ đồng. Đáng tiếc là việc các loại chi phí tăng mạnh (chi phí tài chính tăng 36%, đạt 72 tỷ đồng; chi phí quản lý tăng 5%, đạt 49 tỷ đồng) đã làm xói mòn những gì có được.
Kết quý II/2023, FCN chỉ có lợi nhuận trước thuế 1,3 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ thuế, công ty lỗ 1,4 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của FCN đạt 1.283 tỷ đồng, giảm 16%; lợi nhuận gộp đạt 248 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí tài chính và chi phí quản lý lớn tiếp tục là nguyên nhân chính ăn mòn lợi nhuận của FCN. Bổ sung vào đó là sự suy giảm của doanh thu tài chính (giảm 48%) và khoản lỗ khác 6,7 tỷ đồng.
Tất cả đã khiến lợi nhuận trước thuế giảm 34%, chỉ đạt 5,8 tỷ đồng. Khấu trừ thuế, lợi nhuận còn 1,3 tỷ đồng. Dù vậy, so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 9,6%.
Năm 2023, FCN đặt mục tiêu doanh thu là 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 125 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành 33,7% mục tiêu doanh thu và 1,04% mục tiêu lợi nhuận.
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của FCN đạt 7.681 tỷ đồng, tăng 1,3% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 3.012 tỷ đồng, giảm 218 tỷ đồng, tương đương giảm 6,7%. Hàng tồn kho đạt 1.738 tỷ đồng, tăng 4%.
Nợ phải trả tại ngày 30/6/2023 đạt 4.279 tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay đạt 2.962 tỷ đồng, tăng 9,4%.
Với vốn chủ sở hữu đạt 3.402 tỷ đồng, giảm 81 tỷ đồng, tương đương giảm 2,3% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của FCN là 1,25 lần.
Dòng tiền kinh doanh 6 tháng của FCN âm 123 tỷ đồng, chủ yếu do chi trả lãi vay (137 tỷ đồng), giảm các khoản phải trả (94 tỷ đồng), tăng tồn kho và các khoản phải thu.
Dòng tiền đầu tư cho thấy FCN đã giảm mua sắm tài sản; tăng thanh lý, nhượng bán tài sản; thu hồi cho vay, bán công cụ nợ của đơn vị khác và thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác để cân đối dòng tiền.
Bên cạnh đó, FCN tiếp tục duy trì dòng tiền vay/trả tương đương cùng kỳ năm ngoái. Những nỗ lực này giúp cho quy mô vốn bằng tiền của doanh nghiệp tăng 57% so với đầu năm, đạt 273 tỷ đồng.