Giá cao hiện đang là rào cản lớn nhất của thị trường BĐS

Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn công bố Báo cáo và Chỉ số tâm lý người tiêu dùng bất động sản Việt Nam - CSS cho nửa cuối năm 2022. Một trong những điểm quan trọng của báo cáo cho thấy chỉ số tâm lý người tiêu dùng bất động sản giảm 7 điểm so với nửa đầu năm 2022.

Báo cáo này dựa trên kết quả khảo sát thực tế với hơn 1000 người tiêu dùng bất động sản Việt Nam, được xử lý, phân tích bởi công nghệ dữ liệu hàng đầu châu Á của PropertyGuru - tập đoàn mẹ Batdongsan.com.vn. Và được xây dựng Chỉ số tâm lý người tiêu dùng bất động sản dựa trên 6 yếu tố: mức độ hài lòng về thị trường, khả năng mua nhà, tình hình thị trường, lãi suất vay mua nhà, chính sách của Chính phủ và giá bất động sản trong tương lai.

Theo báo cáo, 25% người được hỏi cho biết họ có dự định mua bất động sản trong 1 năm tới, với tỷ lệ muốn mua sản phẩm thứ cấp và sơ cấp xấp xỉ nhau. Lý do hàng đầu của họ khi mua bất động sản là để đầu tư, sau đó là để có môi trường sống thuận tiện hơn và có thêm không gian cho con cái, bản thân.

Giá cao hiện đang là rào cản lớn nhất của thị trường BĐS.
Giá cao hiện đang là rào cản lớn nhất của thị trường BĐS.

Trong khi đó, đến 70% số người được hỏi không có kế hoạch mua hay thuê bất động sản nào trong năm tới. Rào cản lớn nhất đối với việc mua bất động sản là giá bất động sản cao, tiếp đó là những khó khăn liên quan đến vay mua nhà như lãi suất vay cao và người muốn mua nhà không đủ khả năng để vay từ ngân hàng.

Tâm lý người tiêu dùng bất động sản thể hiện qua Báo cáo lý giải nguyên nhân thanh khoản bất động sản đang diễn ra khá chậm. Lượt quan tâm đến bất động sản toàn quốc các tháng gần đây liên tục giảm so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VaRS), cho biết kể từ năm 2019, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu không tốt. Năm 2018, cả nước có gần 200.00 sản phẩm mới đưa vào thị trường, nhưng trong năm 2019 chỉ còn một nửa.

Trong 2 năm 2020-2021, dịch Covid-19 khiến nguồn cung tiếp tục sụt giảm. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2022 chỉ còn khoảng 30.000 sản phẩm mới tung vào thị trường, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo khảo sát của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, giá bất động sản hiện nay đã tăng rất mạnh trở lại, thời điểm này đã tăng 30% so với năm 2021 và 50% so với 2019, có phân khúc tăng đến 100%.

Tuy nhiên, thực trạng nói chung số lượng dự án vẫn đang còn hạn chế và chưa có dấu hiệu cải thiện. Từ đó, gây mất cân đối cung cầu khiến giá sản phẩm bán và cho thuê đều tăng. Tỷ lệ hấp thụ giảm, ít sản phẩm phù hợp với nhu cầu ở thực và giá cao.

Ông Đính nhận định, từ giờ đến cuối năm 2022 và đầu năm 2023, thị trường sẽ vẫn thiếu nguồn cung, trong đó là các dự án về nhà ở, đất nền. Đối với những khó khăn từ thị trường vốn, dòng tiền dễ phục vụ các hoạt động đầu tư thứ cấp và đầu cơ đất nền sẽ là nguyên nhân gây bong bóng bất động sản. Việc kiểm soát tín dụng dẫn đến nguồn vốn khó khăn sẽ là các nguyên nhân dẫn ảnh hưởng tiêu cực đến nhà phát triển, chủ đầu tư - các nhóm ngành nghề liên quan - khách hàng - ngân hàng.

Từ nay đến 2023 sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực?

Các chuyên gia cho rằng, thị trường đến năm 2023 sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực do khả năng pháp lý được tháo gỡ khá cao cùng các đợt tín dụng mới cho các dự án tốt. Xu hướng thị trường sẽ là phòng thủ “lên ngôi”, các bất động sản phục vụ nhu cầu thực, chung cư, khu công nghiệp, phụ trợ khu công nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển.

Bất động sản đầu cơ, những loại hình hiến đất làm đường, phân lô tách sổ, những dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, những dự án đã tăng giá quá cao trong thời gian ngắn do đầu cơ thổi giá sẽ hết đất diễn.

Xu hướng đầu cơ, lướt sóng sẽ bị loại trừ.
Xu hướng đầu cơ, lướt sóng sẽ bị loại trừ.

Khi dòng tiền không dễ dãi nữa, nó sẽ không dễ chảy vào các thị trường dễ dãi, không tiềm năng. Đáng chú ý, bất động sản “hàng hiệu” với trị giá triệu đô sẽ "ngủ" thêm 1 thời gian nữa. Đây là những bất động sản nghỉ dưỡng có tổng giá trị cao, hoặc các siêu biệt thự nội đô có giá vài triệu đô.

Đáng chú ý, bất động sản ở những nơi có liên kết vùng, công nghiệp, nghỉ dưỡng sẽ là điểm đến của dòng tiền: TP. Hồ Chí Minh (HCM) – Bình Thuận – Vũng Tàu; Tp. HCM – Bình Dương – Đồng Nai; Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; Hà Nội – Bắc Ninh – Bắc Giang.

Ngoài ra, những nhóm thị trường tiềm năng sẽ bao gồm các nhóm, các thành phố lớn như Hà Nội, HCM vẫn là các thị tường bền vững, thu hút đầu tư; những thủ phủ công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai, Long An; các thủ phủ du lịch, nghỉ dưỡng: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, Đà Lạt, Quy Nhơn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc.

Dự báo về xu hướng đầu tư bất động sản trong nửa cuối năm 2022 và 3 năm tới, Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE cho hay, việc hình thành các đô thị và đại đô thị tại các khu vực vùng ven quy mô từ 70 ha trở lên sẽ trở nên phổ biến.

Hiện tại, Hà Nội đang đi trước TPHCM khi phát triển rất nhiều đại đô thị nằm ngoài trung tâm. Tương tự đại đô thị, bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ hình thành các đại dự án tổ hợp nghỉ dưỡng, phức hợp quy mô lớn, tích hợp vô số tiện nghi, tiện ích cho khách nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, với số lượng sản phẩm chào bán ra cũng rất lớn, mức tiêu thụ của thị trường nghỉ dưỡng vẫn là một dấu hỏi.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thách thức của năm nay và năm tới còn đến từ việc chương trình phục hồi thực hiện chậm, giải ngân đầu tư công vẫn còn chậm. Doanh nghiệp năm nay khó khăn về dòng vốn, về nhân sự, nhân sự, thị trường chứng khoán và bất động sản điều chỉnh rất mạnh.

Đáng chú ý, thời điểm này, các luật “xương sống” của thị trường bất động sản là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đang được sửa đổi. Nếu thuận lợi thì tháng 10.2023 sẽ được thông qua và và hiệu lực của Luật đất đai sẽ là khoảng giữa năm 2024, cùng với đó là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.

Để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới, cần có một tổ chức chuyên biệt về phát triển nhà ở. Đơn cử như tiết kiệm nhà ở hay là tổ chức phát triển nhà ở như Singapore.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống