Giá đất tăng gấp đôi sau tin quy hoạch sông Hồng: “Không mua nhanh, mai chưa chắc còn“
Sau khi có thông tin Hà Nội sắp phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, giá đất ở, đất vườn tại các khu vực liên quan đã và đang lên cơn sốt từng ngày, có nơi tăng gấp 2 lần chỉ trong 1 tuần.
Sốt đất khiến người bán trà đá cũng gom hàng
Thông tin về Đồ án phân khu đô thị sông Hồng sẽ phê duyệt và ban hành vào tháng 6 tới đã khiến giá đất nhiều quận, huyện trở nên sôi động. Theo khảo sát của phóng viên Reatimes, tại khu vực Thạch Cầu (Long Biên, Hà Nội), một mảnh đất trong ngõ rộng 3m được chào bán với giá 50 triệu đồng/m2, trong khi trước đó giá đất tại khu vực này chỉ 25 - 30 triệu đồng/m2.
Sở hữu nhiều mảnh đất tại Thạch Cầu, chị Ngọc (bán trà đá tại Thạch Cầu) cho biết, giá đất tại đây đang có xu hướng tăng cao sau khi có thông tin Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Gia đình chị cũng đang cần tìm mua thêm, nhưng không còn đất để mua.
Theo chị Ngọc, phần lớn đất tại khu vực Thạch Cầu đều là đất vườn, không có sổ đỏ. Tuần trước, giá đất không có sổ tại Thạch Cầu khoảng 20 triệu đồng/m2 sát mặt đường lớn thì nay đã lên 25 triệu đồng/m2, thủ tục sang nhượng bằng giấy viết tay chỉ cần 2 bên đồng ý.
Trong vai nhà đầu tư, phóng viên tìm tới một môi giới tên Hà để xem các khu đất sạch tại Cự Khối (Long Biên, Hà Nội). Theo lời chị Hà, nếu trước khi có quy hoạch tại đường ngõ rộng 3m chỉ khoảng hơn 20 triệu đồng/m2 thì nay đã lên 34 - 37 triệu đồng/m2. Thậm chí nhiều nhà đầu tư buổi tối vẫn tìm tới xem đất, giao dịch chỉ diễn ra trong 1 - 2 ngày.
“Giá đất tăng cao, nhiều người đi ô tô tới tìm đất, chỉ 1 tuần có thể em lãi 3 - 5 triệu đồng/m2, không mua nhanh ngày mai chưa chắc còn”, chị Hà khẳng định.
Số điện thoại của môi giới xuất hiện khắp mọi chỗ.
Đơn cử như một mảnh đất có diện tích 50m2 tại ngõ Thống Nhất, mặc dù nằm trong mặt đường thôn xóm, chủ đất rao bán với giá 2 tỷ 200 triệu đồng, nhà đầu tư đã chốt mua. Tuy nhiên, ngày hôm sau giá đã được thay đổi lên 2 tỷ 500 triệu đồng.
Anh Phương (người dân tại Cự Khối) cho biết, gia đình anh có 200m2 đất, trước kia được định giá 30 triệu/m2 thì chỉ vài ngày sau đã có người tới trả 37 triệu/m2. Tuy nhiên, gia đình anh không bán và muốn giữ lại sử dụng. Theo anh Phương, nhiều khu ở đây trước kia đất chỉ khoảng 25 triệu đồng/m2 thì nay đã thổi giá lên tới 55 triệu đồng/m2.
“Tôi cũng nắm được thông tin quy hoạch, nhiều chỗ đẩy giá lên cao lắm, nhưng tôi chưa thấy khu đất nào tăng giá gấp 2 mà bán được. Thông tin quy hoạch đô thị sông Hồng mới đưa ra nhưng đã ai biết bao giờ triển khai đâu”, anh Phương nói.
Ngoài điểm nóng Long Biên, đất tại khu vực Đông Anh cũng đang có xu hướng tăng từ 5 - 15 triệu đồng/m2, tuỳ vị trí. Tại khu vực Xuân Canh (Đông Anh, Hà Nội), một mảnh đất 50m2 trong ngõ rộng hơn 3m, chỉ trong 1 tuần giá từ 42 triệu đồng/m2 lên 50 triệu đồng/m2.
Anh Trung (môi giới tại khu vực Đông Anh, Hà Nội) khẳng định, đất tại khu vực Xuân Canh (Đông Anh, Hà Nội) đã cao từ trước, thêm thông tin quy hoạch giá lại càng tăng cao, thời điểm hiện tại, nên tìm các khu vực khác có mức giá phù hợp hơn để đầu tư.
Tại khu vực quận Hoàng Mai, giá đất cũng đang có chiều hướng tăng lên sau khi có thông tin về Đồ án. Nhiều ô đất có vị trí đẹp, tiện việc đi lại đã tăng từ 10 - 15 triệu đồng/m2. Tại mặt đường Thúy Lĩnh, mỗi mét vuông đất cũng có giá từ 60 - 70 triệu đồng/m2.
Chỉ trong 1 tuần, giá đất tại nhiều nơi tăng gấp 2 lần, nhiều người tìm đến mua đất.
Đất trong đê thuộc khu vực Lĩnh Nam (Hoàng Mai) dù nhiều khu vực không có sổ đỏ nhưng cũng đang được chào bán với giá 28 - 35 triệu đồng/m2. Hay đơn cử như một khu đất nông nghiệp tại phường Tứ Liên (Tây Hồ), một mảnh đất có diện tích 40m2 nhưng “cò” chào giá lên đến gần 40 triệu đồng.
Môi giới nhà đất tại những khu vực nóng sốt này đều có chung nhận định: Thời điểm này đất đang sốt lên từng ngày bởi “ăn” theo quy hoạch phân khu sông Hồng. Nếu đầu tư để lướt sóng hoặc sử dụng trong thời điểm này là quá hợp lý, thời gian tới khi công bố Quy hoạch giá sẽ còn lên cao hơn nữa, có tiền cũng không mua được”.
Cẩn trọng trước khi đầu tư
Nhận định về hiện tượng tăng giá thời gian gần đây tại một số khu vực ven sông Hồng, các đơn vị nghiên cứu thị trường cho rằng, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 mới là bước đầu. Hãy lưu ý, từ quy hoạch cho đến triển khai thực hiện là một quá trình rất dài. Ở những dự án lớn như vậy thì có khi tới vài chục năm mới có tín hiệu triển khai thực tế.
Hiện, các quận huyện vẫn chưa điều tra, khảo sát tình trạng đất khu vực quy hoạch sông Hồng nên người dân cần thận trọng trước khi đầu tư. Đặc biệt, các thông tin giá đất “tăng dựng đứng” có thể là hiện tượng thổi giá. Các nhà đầu tư “nhảy” vào mua đất những khu đất này sẽ như “đánh bạc”.
Ngoài ra, giới chuyên gia cũng nhận định, những cơn sốt đất ảo mang lại nhiều hệ lụy nhưng nó cũng phản ánh được sức hấp dẫn khó cưỡng của phân khúc đất nền, cùng với đó là tâm lý ưa chuộng đầu tư đất của người Việt. Thực tế, bên cạnh những cơn sốt đất ảo chớp nhoáng thì cũng có những cơn sốt đất thật đáng đầu tư. Do đó, quan trọng nhất là tâm lý nhà đầu tư không đầu tư theo "bầy đàn" và cần có sự tìm hiểu, nắm bắt thông tin nhanh nhạy của thị trường để xuống tiền hợp lý.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng, hiện có 2 xu hướng đầu tư ở hai bờ sông Hồng. Thứ nhất là đầu tư lướt sóng, thứ hai là đầu tư chờ đền bù. Thực tế, 2 xu hướng đầu tư này đã xuất hiện từ lâu.
Sở dĩ, khu vực 2 bên bờ sông Hồng thu hút các nhà đầu tư cá nhân, do giá thành đất tại khu vực này tương đối rẻ. Tuy nhiên, trong trường hợp Hà Nội phê duyệt bản quy hoạch mới, nhà đầu tư cá nhân rót vốn vào khu vực này dễ mất trắng nếu dính quy hoạch.
Còn theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, sốt nhà đất do hiệu ứng đám đông khi nhiều cá nhân có nhu cầu mua và đẩy giá lên cao; giá trị nhà đất không phản ánh giá trị và nhu cầu thực tế mà được dựa trên những thông tin không rõ ràng, thậm chí đồn thổi. Trong các cơn sốt"đất thì nhu cầu không nhằm mục đích sử dụng mà chủ yếu là đầu cơ, hưởng chênh lệch giá. Để tránh xảy ra “bong bóng” nhà đất, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; xử lý nghiêm hành vi “thổi” giá nhà đất trên địa bàn...
Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, chia sẻ với báo chí, ông Hà Quang Hưng cho biết: “Trong năm 2021, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng cơ chế nhằm giảm thiểu sự mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm của thị trường bất động sản; tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát thị trường bất động sản, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng thông tin quy hoạch, nâng cấp đơn vị hành chính, chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn… để làm giá, đẩy giá bất động sản nhằm thu lợi bất chính”.
Theo tờ trình đồ án của Ban cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng nằm trên địa giới hành chính 55 phường, xã và 13 quận, huyện của Hà Nội, gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm.
Diện tích bãi sông được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5% khoảng 1.590ha theo Quy hoạch 257 gồm 5 bãi: Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức. Diện tích bãi sông được phép xây dựng với tỷ lệ 15% khoảng 408ha gồm bãi Tàm Xá - Xuân Canh. Các bãi sông này được định hướng xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, các khu nhà ở sinh thái chất lượng cao và các công trình công cộng đô thị phục vụ cho cư dân hai bên sông và khu vực nội đô. Các công trình thiết kế chịu lũ với tầng 1 sử dụng đỗ xe, công cộng để giảm thiểu thiệt hại khi có lũ.
Đối với các khu vực dân cư tồn tại như Thượng Cát - Liên Mạc, Nhật Tân - Tứ Liên, Hoàng Mai - Thanh Trì, Tàm Xá, Chu Phan - Tráng Việt, Bồ Đề… được giữ lại, và tái thiết đô thị, mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có để bổ sung hạ tầng xã hội và xây dựng các khu nhà ở phục vụ, dãn dân, tái định cư tại chỗ.
Đối với các khu vực bãi sông còn lại được định hướng phát triển không gian mở với các loại hình: Không gian công viên - quảng trường đô thị, công viên ngập lũ, phục hồi tự nhiên và không gian sinh thái nông nghiệp nhằm đa dạng hóa việc sử dụng khu vực ven sống tùy theo đặc điểm về địa hình địa chất và vị trí của các bãi sông…