Gia Lâm: “Cú chuyển mình” của cơ sở hạ tầng, bất động sản được giới đầu tư “săn đón”?

Được phê duyệt chủ trương lên quận, Gia Lâm đang triển khai thần tốc các công trình hạ tầng giao thông, đô thị. Theo đó, thị trường bất động sản nơi này đang được giới đầu tư rục rịch săn đón, tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Gia Lâm: “Cú chuyển mình” của cơ sở hạ tầng, bất động sản được giới đầu tư “săn đón”? - Ảnh 1

Đồng bộ cơ sở hạ tầng

Huyện Gia Lâm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 12 km và có Phía Đông tiếp giáp với huyện Văn Lâm, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên; Phía Tây tiếp giáp với huyện Đông Anh, quận Hoàng Mai và quận Long Biên; Phía Nam tiếp giáp với huyện Văn Giang, huyện Thanh Trì và tỉnh Hưng Yên; Phía Bắc tiếp giáp với huyện Tiên Du và thành phố Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Gia Lâm tiếp giáp với các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và kết nối vùng. Với vị trí địa lý thuận lợi cùng với hệ thống sông ngòi phát triển, huyện Gia Lâm đang dần khẳng định mình là một điểm đến đầy tiềm năng, không chỉ về du lịch mà còn về phát triển kinh tế – xã hội.

Có thể nói, Gia Lâm là cửa ngõ nối thủ đô với tam giác kinh tế Đông Bắc, bao gồm Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh; tiếp giáp trực tiếp với hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên, nơi được cho là “thủ phủ” khu công nghiệp tại hành lang kinh tế phía Bắc. Hơn nữa, Hà Nội cũng đang nhanh chóng phát triển và cải thiện hạ tầng giao thông nhằm tăng cường khả năng kết nối và giảm áp lực giao thông trong khu vực nội thành.

Đặc biệt, khi trở thành quận, Gia Lâm sẽ hưởng lợi từ các cơ chế và chính sách của một quận nội thành, trong đó có việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Điển hình là cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, chiều dài 3,5km, rộng gần 20m, với 4 làn xe đã thông xe vào ngày 30/08/2023. Cây cầu kết nối trực tiếp đường Vành đai 2 và Vành đai 2 trên cao, tạo ra trục giao thông hoàn chỉnh từ trung tâm Hà Nội tới khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố.

Bên cạnh đó, một cơ sở hạ tầng quan trọng tại khu vực Huyện Gia Lâm có thể kể đến như tuyến đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang đã hoàn thành, kết nối Gia Lâm với tỉnh Bắc Giang, thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế khu vực. Tuyến đường sắt nội đô Hà Nội đang được triển khai, dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2025, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đa dạng, thuận tiện cho việc di chuyển.

Điểm nhấn nổi bật tại hạ tầng giao thông Gia Lâm chính là tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 5A, những “cánh tay” nối liền thủ đô với các tỉnh thành lân cận, mở ra tiềm năng to lớn cho giao thương và phát triển kinh tế khu vực.

Bên cạnh đó, các tuyến đường nội đô như đường Ngô Xuân Quảng, Hà Huy Tập, Lý Thánh Tông,… cũng góp phần quan trọng trong việc kết nối các khu vực trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển và sinh hoạt.

Với việc sở hữu mạng lưới đường sá dày đặc với nhiều tuyến đường lớn nhỏ, trải dài khắp các phường, xã, Gia Lâm tạo ấn tượng mạnh mẽ với du khách và nhà đầu tư bởi sự thuận tiện và thông suốt trong di chuyển. Hệ thống đường được phân thành nhiều cấp bậc, từ cao tốc, quốc lộ, tỉnh đến nội đô, đáp ứng nhu cầu giao thông đa dạng của người dân.

Có thể thấy, Gia Lâm là khu vực hiếm hoi tại Hà Nội sở hữu kết nối liên tỉnh thuận tiện. Giờ đây với hạ tầng giao thông và kỹ thuật được đầu tư phát triển đồng bộ, Gia Lâm sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất – kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại thủ đô và các tỉnh thành lân cận trong khu vực hành lang kinh tế Đông Bắc. Sở hữu quỹ đất lớn và mật độ xây dựng thấp, Gia Lâm là điểm đến lý tưởng cho nguồn cung bất động sản trong tương lai.

“Điểm nóng” của bất động sản phía Đông Hà Nội

Thông tin huyện Gia Lâm quy hoạch lên quận đi kèm với các công trình “nghìn tỷ” được triển khai đồng bộ đã đưa nơi đây trở thành tâm điểm thu hút giới đầu tư. Thị trường bất động sản tại Quận Gia Lâm, Hà Nội trong những năm gần đây nổi lên như một điểm sáng thu hút sự chú ý của đông đảo nhà đầu tư và khách hàng. Nằm ở vị trí chiến lược, được quy hoạch bài bản và sở hữu nhiều lợi thế vượt trội, Gia Lâm đang dần khẳng định vị thế là khu vực có tiềm năng phát triển BĐS mạnh mẽ bậc nhất thủ đô.

Những năm qua, khu vực này chứng kiến cuộc đổ bộ của hàng loạt các ông lớn địa ốc như Vingroup, Eurowindow Holding, Sunshine, Ecopark…với sự thâm nhập của đa dạng loại hình bất động sản. Các dự án của các Chủ đầu này có tốc độ thi công nhanh, hệ sinh thái tiện ích tốt, quy hoạch đồng độ, bài bản không chỉ góp phần thay đổi diện mạo khu vực mà còn đáp ứng tốt làn sóng dịch chuyển từ khu vực nội đô sang Gia Lâm.

Trong thời gian ngắn, giá trị bất động sản Gia Lâm đã gia tăng gấp nhiều lần giá trị so với thời điểm chưa triển khai quy hoạch hạ tầng. Với những diễn biến thực tế, theo giới chuyên gia, đây là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư có tài chính mạnh, tầm nhìn dài hạn, có thể xuống tiền, tìm đến những sản phẩm có khả năng sinh lời ổn định, bền vững.

Theo khảo sát, Giá nhà đất và chung cư tại Gia Lâm đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây, đặc biệt là sau thông tin Gia Lâm lên quận. Tuy nhiên, so với các khu vực khác tại Hà Nội, giá BĐS Gia Lâm vẫn ở mức tương đối hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính của nhiều đối tượng khách hàng. Điều này mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho những ai đang tìm kiếm kênh đầu tư sinh lời cao và tiềm năng phát triển lớn.

Thực tế, đất nền trong ngõ rộng 2,5 - 3m tại Gia Lâm có giá dao động ở mức 27 - 45 triệu đồng/m2. Đất mặt đường ô tô có thể di chuyển có giá 40 - 60 triệu đồng/m2. Tại những tuyến đường rộng khoảng 8 - 10m, giá đất dao động 50 - 100 triệu đồng/m2, tùy vị trí.

Đơn cử, giá nhà đất tại Đông Dư hiện vào khoảng 60 - 80 triệu đồng/m2, giá nhà trên đất dao động xung quanh mốc 85 - 90 triệu đồng/m2. Giá đất các khu vực gần trung tâm như Đặng Xá, Kiêu Kỵ, Đa Tốn… cũng đang neo rất cao, ở mức 55-70 triệu đồng/m2, tùy vị trí, hạ tầng giao thông.

Báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng ghi nhận lượng tìm kiếm phân khúc thấp tầng tăng 110%, giá bất động sản thấp tầng thuộc vùng lõi trung tâm Gia Lâm lên tới hơn 200 triệu đồng/m2, những dự án có nhiều tiện ích chất lượng, cao cấp giá lên tới gần 300 triệu đồng/m2. Nguyên nhân cho việc tăng giá này chính là sức hút của loại hình này ngày càng mạnh mẽ, trong khi nguồn cung đang khan hiếm; thị trường đang đòi hỏi những dự án chất lượng có không gian sống trong lành, nhiều tiện nghi.

Tiềm năng là hiện hữu, tuy nhiên, thực tế cho thấy thanh khoản đất nền tại Gia Lâm hiện tại vẫn rất thấp, nhiều khu vực rơi vào trạng thái “đông khách hỏi, vắng khách mua”. Nguyên nhân là do, chủ đất thương rao bán giá cao với tầm nhìn 5-7 năm tới.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội, cho rằng giá bất động sản có thể tăng lên nhưng sẽ theo lộ trình. Vì vậy, nhà đầu tư nếu xuống tiền cần xác định đi đường dài, tầm nhìn tối thiểu 3-5 năm.

“Thực tế cũng đã chứng minh, ở những lần trước, khi các thông tin lên quận xuất hiện, Gia Lâm cũng sốt, nhưng sau đó lại lắng xuống. Vì vậy, khi xuống tiền, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ, xem xét kỹ rủi ro thanh khoản, tránh lao theo đám đông”, đại diện Savills Hà Nội nhấn mạnh.

An Nhiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống