Giá nhà đất đã giảm nhưng vẫn khó mua với nhiều người có nhu cầu ở thực
Mặc dù thực tế giá bất động sản đã giảm nhưng vẫn ở mức khá cao. Tình trạng lệch pha cung – cầu cùng với lãi suất vay ngân hàng cao lại càng “kìm hãm” nhu cầu sở hữu nhà đất của nhiều người.
Giá nhà đất được đưa về giá trị thực
Theo một báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, năm 2022, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc nhà ở trung – cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu, cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm từ 20% (năm 2019) xuống dưới 5% trong năm 2022, số lượng dự án triển khai rất hạn chế.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, cả nước có 126 dự án với 55.732 căn hộ được cấp phép (số lượng dự án bằng khoảng 52,7% so với năm 2021); có 466 dự án với 228.029 căn hộ đang được triển khai xây dựng (bằng khoảng 47,7% so với năm 2021); có 91 dự án với 18.206 căn hộ đã hoàn thành xây dựng (bằng khoảng 55,2% so với năm 2021).
Đối với dự án nhà ở xã hội, trên cả nước có 09 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; có 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; có 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng.
Đối với nhà ở công nhân, trên cả nước có 02 dự án được cấp phép mới với quy mô 1.729 căn hộ; có 01 dự án với 32 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; có 04 dự án với 2.328 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Về giá bán, nhìn chung trong năm 2022, giá bán được điều chỉnh về giá trị thực. Các sản phẩm phù hợp với nhu cầu ở thực, có thanh khoản tốt trong dài hạn và nhu cầu cho thuê vẫn ghi nhận tỷ lệ hấp thụ tốt.
Giá bất động sản đã về đúng giá trị thực. |
Tuy nhiên, lượng giao dịch không cao bởi việc hạn chế khoản vay tín dụng không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư mà còn khiến những người có nhu cầu ở thực khó tiếp cận khoản vay.
Đối với phân khúc nhà ở và đất nền, ghi nhận có sự tăng giá liên tục trong quý I và quý II/2022 nhưng lại có sự sụt giảm vào quý III và quý IV sau đó. Tuy nhiên, vẫn giữ ở mức cao đã thiết lập cuối quý 2.
Ngoài ra, căn hộ cao cấp có mức giá trên 50 triệu đồng/m2 chiếm 37% thị trường và căn hộ trung cấp có giá khoảng từ 25-50 triệu đồng/m2 chiếm 15% thị trường. Trong khi đó, căn hộ bình dân, giá rẻ có giá dưới 25 triệu đồng/m2 hầu như không có.
Vẫn khó mua với đa số người dân
Không riêng gì các thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, nhiều người dân có nhu cầu ở thực đang sinh sống tại thành phố Đà Nẵng và các địa phương vùng ven thành phố này vẫn khó mua được nhà đất, mặc dù giá nhà đất đã giảm.
Đơn cử như trường hợp của anh V - một công nhân lao động làm việc tại khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), cho biết mặc dù giá nhà đất tại địa bàn đang có xu hướng giảm, nhưng vẫn ở mức khá cao khiến anh cũng như nhiều đồng nghiệp khác khó có thể mua được nhà đất.
Tương tự như anh V, chị Chị M cho biết dù đã tích góp được số tiền khoảng 300 triệu đồng. Nhưng nếu muốn mua được một lô đất có giá như trên thì chị phải vay ngân hàng số tiền từ 400 đến 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, vì hiện nay lãi suất cho vay tại các ngân hàng đang ở mức khá cao nên chị không dám mạo hiểm đi vay tiền để mua nhà đất.
Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững diễn ra mới đây, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng thị trường bất động sản hiện nay có hiện tượng bất thường. Bởi kinh tế vĩ mô rất tốt, nhưng thị trường bất động sản lại gần như "đóng băng" và rõ ràng là có điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Ông Lực cho biết thêm, hiện nay, giá bất động sản đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân. Người Việt Nam trung bình cần ít nhất 23,5 năm có thu nhập để mua được nhà ở, đứng thứ 14/107 quốc gia (càng cao, càng đắt) trên thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc (trong khi thu nhập của chúng ta thấp hơn họ); cao hơn nhiều so với các nước Indonesia (18,5 năm), Singapore (15,5 năm), Ấn Độ (9,2 năm) và Malaysia (8,1 năm)....