Giá nhà đất liên tục tăng, dạt về vùng ven cũng khó mua nhà 2 tỷ đồng
Nhiều hộ gia đình không mua được nhà ở nội đô do giá nhà đất đang tăng quá cao so với khả năng tài chính. Có những gia đình lựa chọn tìm về vùng ven, chấp nhận đi xa hơn nhưng cũng khó mua được nhà khi giá nhà đất khu vực vùng ven cũng tăng theo nội đô.
Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, tính chung cả năm 2023, cả nước có 67 dự án được cấp phép mới với quy mô khoảng 24.993 căn; có 71 dự án hoàn thành xây dựng với quy mô khoảng 29.612 căn; có 197 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Giá căn hộ chung cư tiếp tục xu hướng tăng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, đặc biệt là các khu vực trung tâm.
Đáng chú ý, trên thị trường gần như không có dự án phân khúc căn hộ bình dân, giá dưới 25 triệu đồng/m2 mà chủ yếu là phân khúc căn hộ trung cấp và cao cấp đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch.
Nhiều hộ gia đình trẻ có ý định mua nhà đã phải “quay xe” vì không đủ tài chính. Giá nhà tại các khu vực trung tâm quá cao khiến xu hướng mua nhà vùng ven đang là lựa chọn của không ít người. Tuy nhiên, có một thực tế là chênh lệch giá nhà ở vùng ven và trung tâm đang dần thu hẹp với tốc độ rất nhanh.
Khảo sát mức giá chung cư tại một số dự án ở khu vực phía tây Hà Nội có nơi lên tới gần 100 triệu đồng/m2, nguồn cung đa số thuộc phân khúc trung và cao cấp. Ngoài các dự án ở khu vực phía Tây Hà Nội, một số dự án khác tại các khu vực ven cũng có mức độ tăng giá bình quân cao như: Le Grand Jardin Sài Đồng (Long Biên) mở bán với mức giá trung bình khoảng 50 triệu đồng/m2, Golden Land (Thanh Xuân) tăng khoảng 3,5% (lên mức 38,7 triệu đồng/m2), HH2 Linh Đàm (Hoàng Mai) tăng khoảng 3,8% (lên mức 25,7 triệu đồng/m2) ...
Anh Đông – một người đang có nhu cầu mua nhà cho biết, để mua một căn hộ khoảng 70m2 tại các huyện vùng ven, anh cũng cần ít nhất 2,3 - 2,8 tỷ đồng. Ngay cả khi các chính sách chiết khấu rất cao được chủ đầu tư áp dụng, mức giá cuối vẫn rất... “khó chịu”.
Anh Đông cho hay, theo tính toán, với một căn hộ 70m2 cách trung tâm 20-25 km, giá ban đầu khoảng 3 tỷ đồng. Sau khi hưởng chiết khấu, giá sẽ còn khoảng 2 - 2,2 tỷ đồng. Với số vốn 1 tỷ đồng, nếu như làm ăn tốt như trước thì cơ hội là có, nhưng nay kinh tế khó khăn thì thật sự là bài toán nan giải.
Không chỉ là bài toán kinh tế cá nhân, khó khăn với người mua nhà hiện tại là giá nhà tăng quá nhanh. Không chỉ ở khu vực trung tâm, phân khúc căn hộ giá 2 tỷ đồng cũng đang dần biến mất khỏi các quận, huyện ngoại thành.
Cải thiện nguồn cung sẽ kéo giảm giá nhà?
việc khan hiếm nguồn cung khiến giá nhà liên tục tăng. Nhiều chuyên gia dự báo giá căn hộ sẽ còn tiếp tục đội lên trong năm 2024, bởi các căn hộ giá rẻ, bình dân thiếu hụt trầm trọng, cộng với việc tăng chi phí đầu vào từ vật liệu, nhân công, giá đất… đã tác động cộng dồn vào giá chung cư.
Từ những diễn biến thực tế cho thấy, chắc chắn không thể trông chờ vào các đợt giảm giá để giải “cơn khát” nhà ở cho người dân. Bất chấp khó khăn của thị trường, giá nhà sẽ vẫn nằm trong xu hướng tăng, chỉ là nhanh hay chậm hơn so với thời đỉnh của sóng tăng.
Thay vào đó, để giải cơn khát nhà ở cho đa số người dân, theo chuyên gia, cần sự quyết liệt từ Chính phủ với những chính sách thông thoáng hơn nhằm “cởi trói” cho doanh nghiệp làm nhà giá rẻ. Nếu được "cởi trói" các vấn đề được coi là cốt lõi như vốn, quỹ đất, thủ tục…, các dự án nhà ở phục vụ nhu cầu ở thực sẽ tăng hấp lực với các doanh nghiệp lớn, qua đó tăng nguồn cung.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng thị trường thiếu nguồn cung mới trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng chủ đầu tư nào có dự án được phê duyệt và triển khai, đều muốn tối đa hóa lợi nhuận. Do đó, không ít trường hợp dự án ban đầu là nhà ở bình dân, trung cấp nhưng chủ đầu tư thay đổi chiến lược, "thổi phồng" thành nhà ở cao cấp để thu lợi nhuận tối đa, càng khiến giá nhà đẩy "trên trời".
Theo Bộ Xây dựng, mỗi năm, cả nước cần thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Song với tình hình phát triển nguồn cung hiện tại, mỗi năm Việt Nam thiếu hụt khoảng 300.000 đơn vị nhà ở. Như vậy, bất chấp khó khăn của thị trường, việc khan hiếm nguồn cung, cộng dồn với việc tăng chi phí đầu vào từ vật liệu, nhân công, giá đất… càng khiến tăng giá nhà chưa có dấu hiệu chững lại.
Trước tình hình nguồn cung đang có vấn đề mất cân đối, các chuyên gia của VARS đưa ra khuyến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa ra định nghĩa chính thức về nhà ở vừa túi tiền. Nghiên cứu các cơ chế, chính sách ưu đãi dành riêng cho nhà ở vừa túi tiền với mục tiêu chính là khuyến khích chủ đầu tư tham gia phát triển nguồn cung phân khúc này, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các hộ gia đình có thu nhập trung bình hoặc cận trung bình.
Đồng thời nên có các chính sách tín dụng ưu đãi dành riêng để tăng sức mua hay tăng mức thuế đối với căn nhà thứ hai, thứ ba để giảm động lực đầu cơ, và tiền thuế có thể được quay vòng về hỗ trợ các đối tượng có nhu cầu thực sự…