Giá nhà đất vượt xa “túi tiền” người dân, làm sao để ổn định giá?

Việc giá nhà tăng liên tục tăng cao thời gian qua khiến giấc mơ mua nhà của nhiều người gặp khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân khiến giao dịch nhà đất trong năm 2023 ảm đạm. Theo đó, số thu về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản năm vừa qua giảm mạnh.

Giá nhà đất vượt xa “túi tiền” người dân, làm sao để ổn định giá? - Ảnh 1

Giá nhà vượt “túi tiền” người dân

Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính việc chuyển nhượng bất động sản còn nhiều hạn chế, tồn tại. Cụ thể, về giá chuyển nhượng, người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng để tính thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng.

Đáng chú ý, số thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản giảm do thị trường bất động sản đang trong thời điểm rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, thừa nhà ở cao cấp;

Bên cạnh đó, giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên lượng giao dịch trên thị trường sụt giảm dẫn tới số thu về thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản năm 2023 giảm mạnh.

Trong khi trước đó, số  thu về thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản giai đoạn 2017 - 2022 đều tăng so với số thu của năm trước liền kề. Năm 2022 tăng cao nhất với tỷ lệ 64,34% so với số thu năm 2021.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng để tính thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng. Bộ Tài chính cho biết, bên mua bán sử dụng hợp đồng viết tay do hai bên tự ký ghi theo giá thực tế giao dịch để phòng ngừa khi tranh chấp tại Tòa.

“Do đó, rất khó để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác minh giá trị thực của giao dịch chuyển nhượng bất động sản, đặc biệt là cơ quan thuế hiện nay chưa có chức năng điều tra”, Bộ Tài chính nêu.

Với hợp đồng chuyển nhượng, mua bán nhà ở, công trình xây dựng trong tương lai của bên thứ 2 cho bên thứ 3 cũng chỉ ngang bằng giá đã mua của chủ đầu tư hoặc khi đã được cấp sổ thì người nộp thuế sẵn sàng khai báo thấp hơn giá của chủ đầu tư. Điều này cũng dẫn đến thất thu trong tính thu nộp ngân sách.

Một số “chiêu” trốn thuế bằng các phương thức mua bán bất động sản, dự án bất động sản cũng được Bộ Tài chính chỉ ra. Cụ thể, chủ đầu tư chấp thuận cho người mua ký lại hợp đồng nhà hình thành trong tương lai với người mua mới nhằm tránh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ chuyển nhượng bất động sản.

Không chỉ vậy, chủ đầu tư còn lách quy định của Luật Nhà ở về giới hạn số lượng nhà ở cho phép người nước ngoài sở hữu bằng cách ký hợp đồng dài hạn và bên thuê có đầy đủ các quyền như chủ sở hữu nhà ở.

Giao dịch thực tế mua bán bất động sản nhưng hợp thức hóa bằng cách mua cổ phần, sau đó chia tách doanh nghiệp.

Làm sao để ổn định giá nhà?

Để ổn định giá nhà, đồng thời để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, Bộ Tài chính kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổng hợp các vướng mắc trong áp dụng chính sách pháp luật liên quan gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, có giải pháp để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung các quy định khi thành lập doanh nghiệp bất động sản hoặc cấp giấy phép xây dựng/đầu tư các dự án bất động sản đảm bảo các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án.

Bộ Xây dựng tăng cường quản lý thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, minh bạch; giám sát chặt chẽ việc cấp phép xây dựng, cấp phép mở bán các dự án bất động sản. Đồng thời cần giám sát chặt chẽ các hoạt động cấp phép xây dựng, đấu giá đất, hoạt động giao dịch bất động sản, hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, phòng chống rửa tiền...

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, người dân có nhu cầu thật lúc nào cũng sẵn sàng “xuống tiền” để mua nhà ở, cho dù Nhà nước hay ngân hàng có chính sách hỗ trợ hay không. Do đó, vấn đề ở đây là cần làm sao để đảm bảo giá nhà phải hợp lý. Trong khi đó, các doanh nghiệp BĐS - chủ thể có trách nhiệm trực tiếp, cũng cần có ngay hành động cụ thể, đó là cơ cấu lại sản phẩm nhà ở hướng về nhu cầu thực và giảm giá bán nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân.

Hiện tại, một số doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án nhà ở cao cấp, nhà ở trung cấp đã thực hiện giảm giá bán nhưng mức độ giảm chưa đáng kể, chủ yếu thực hiện chính sách chiết khấu và khuyến mãi, hậu mãi có lợi cho khách hàng nhưng vẫn cố giữ giá cao. Để kéo giảm giá BĐS, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA đề nghị, các doanh nghiệp giảm giá bán sản phẩm nhà ở, giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, không neo giữ giá cao, tăng chiết khấu và có các chính sách khuyến mãi, hậu mãi nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng niềm tin thị trường, qua đó, tạo dòng tiền và thanh khoản cho doanh nghiệp.

Thực tế thị trường BĐS hiện nay đang rất cần nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền. Song, phần lớn các dự án nhà ở hiện nay đều nằm trong phân khúc trung và cao cấp, từ 30 triệu đồng/m2 trở lên. Do đó, phải có cơ chế hỗ trợ cho các dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền. Nhà nước cần tiếp tục rút ngắn thủ tục hành chính, bởi thủ tục càng kéo dài thì chi phí xây dựng càng đội lên cao; chi phí được tính vào giá thành; thủ tục hành chính càng rút ngắn thì mới mong giảm được giá nhà ở cho người dân”, ông Châu phân tích.

An Nhiên

Theo Chất lượng và cuộc sống