Giá vàng tăng 'nóng': Doanh nghiệp trang sức đối mặt 'cơn bão kép'
Việc giá vàng tăng nóng đang gây ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu và suy giảm sức mua hàng trang sức. Đây là cơn bão kép đối với các doanh nghiệp kinh doanh trang sức.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ), đánh giá ngành vàng và trang sức vẫn đang trong giai đoạn đầy khó khăn, đặc biệt với các doanh nghiệp thiếu nền tảng hoặc bản lĩnh, sẽ rất khó tìm được hướng đi phù hợp.
Theo bà Dung, bước sang năm 2025, áp lực càng gia tăng khi nguồn cung nguyên liệu ngày càng khan hiếm. Ban lãnh đạo công ty cho biết đã có những thời điểm khó khăn rõ nét, như trong dịp Ngày Thần Tài, thị trường kém sôi động hơn hẳn so với các năm trước. Dù vậy, công ty vẫn duy trì được đà tăng trưởng nhờ vào các nỗ lực chủ động điều hành.
Trước quan điểm phổ biến rằng doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ hưởng lợi khi giá vàng tăng và ngược lại, người đứng đầu PNJ cho biết thực tế không đơn giản như vậy.
“Khi giá vàng tăng hay giảm, chúng tôi phải xây dựng phương án sao cho ít ảnh hưởng nhất đến lợi nhuận. PNJ không đặt kỳ vọng lợi nhuận vào chênh lệch giá vàng mà tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là trang sức,” bà Dung chia sẻ.
Trao đổi trước thềm ĐHĐCĐ, đại diện PNJ cũng cho biết thị trường đang chứng kiến những thay đổi đáng kể khi giá vàng liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây. Diễn biến này không chỉ ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng mà còn làm gia tăng áp lực lên nguồn cung.
“Giá vàng tăng nhanh khiến giá bán các sản phẩm trang sức cũng tăng tương ứng, trong khi thu nhập và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng không theo kịp. Trước đây, với ngân sách khoảng 5–7 triệu đồng, người mua có thể sở hữu món trang sức khoảng một chỉ. Hiện tại, cùng mức ngân sách đó, sản phẩm mua được thậm chí không còn đạt một chỉ, khiến sức mua sụt giảm rõ rệt,” đại diện PNJ nhận định.
Ngoài ra, giá vàng tăng mạnh cũng khiến tâm lý người tiêu dùng chuyển sang tích trữ thay vì giao dịch, dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn cung vãng lai. “Người dân có xu hướng giữ vàng hơn là bán ra, làm cho nguồn cung thị trường thứ cấp giảm mạnh. Đồng thời, các quy định kiểm tra và xác thực khách hàng ngày càng chặt chẽ cũng khiến tần suất giao dịch giảm xuống.”
Đại diện doanh nghiệp cũng đánh giá đây là thời điểm thị trường bước vào giai đoạn sàng lọc, trong đó những doanh nghiệp có nền tảng quản trị chuyên nghiệp, minh bạch và chất lượng dịch vụ cao sẽ có cơ hội phát triển vượt trội sau chu kỳ điều chỉnh.

Liên hệ với diễn biến trong quá khứ, đại diện PNJ cho rằng giai đoạn hiện tại có nhiều điểm tương đồng với thời kỳ 2019–2021, khi công ty duy trì đà ổn định trong suốt hai năm đại dịch và sau đó ghi nhận bước nhảy mạnh về quy mô hoạt động. “Trước đại dịch, doanh thu của PNJ dưới 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận ở mức khoảng 1.000 tỷ đồng. Giai đoạn hậu Covid-19, công ty đạt doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng và lợi nhuận vượt mốc 2.000 tỷ đồng. Do đó, giai đoạn 2024–2025 có thể được xem như một chu kỳ tích lũy trước khi bước vào giai đoạn tăng trưởng mới.”
Tổng Giám đốc Lê Trí Thông cũng cho biết ban lãnh đạo đã kỳ vọng sức mua sẽ cải thiện trong năm 2024, tuy nhiên, thực tế cho thấy ngành trang sức vẫn đối mặt với nhiều thách thức. “Chúng tôi đã trải qua ‘cơn bão kép’, từ thiếu hụt nguyên liệu cho đến sự suy giảm sức mua. Bầu trời chưa tối hoàn toàn, nhưng rõ ràng là đang có nhiều gió ngược và đá ngầm”, ông Thông nói.
Trong bối cảnh đó, PNJ vẫn quyết định mở rộng hoạt động với tinh thần thận trọng. Công ty dự kiến mở thêm 12–25 cửa hàng trong năm nay để tận dụng khoảng trống thị trường, hướng đến mục tiêu đạt 500 cửa hàng toàn quốc vào năm 2030. Song song, công suất nhà máy cũng được nâng từ 4 triệu lên 5 triệu sản phẩm mỗi năm nhằm đón đầu đà phục hồi trong tương lai.
Công ty cũng xác định việc đổi mới trong khâu sản xuất là cần thiết. “Chúng tôi có nhà máy sản xuất 4–5 triệu sản phẩm, nhưng tôi vẫn chưa hài lòng. Chúng tôi đã thay đổi lãnh đạo khối sản xuất để tạo đà đổi mới, bắt kịp nhu cầu thị trường,” bà Dung cho biết.
Bên cạnh đó, PNJ lên kế hoạch thâm nhập sâu hơn vào phân khúc khách hàng nam giới thông qua việc ra mắt thương hiệu Mancode by PNJ. Đây được đánh giá là phân khúc tiềm năng nhưng vẫn chưa được khai thác hiệu quả trên thị trường hiện nay.
Được biết trước triển vọng thị trường tiếp tục đối mặt với "cơn bão kép" về nguồn cung và sức mua, dù liên tục vượt kế hoạch kinh doanh trong các năm gần đây nhưng PNJ vẫn thận trọng đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 31.607 tỷ đồng, giảm 17% so với kết quả đạt được năm trước. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế được đề ra ở mức gần 1.960 tỷ đồng, thấp hơn 7% so với mức kỷ lục 2.113 tỷ đồng đạt được trong năm 2024.
ĐHĐCĐ PNJ cũng đã trình cổ đông phương án mua lại cổ phiếu quỹ nhằm giảm vốn điều lệ. Cụ thể, công ty dự kiến mua lại tối đa 8 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 2,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Theo tài liệu trình đại hội, mục đích của việc mua lại cổ phiếu là nhằm bảo vệ lợi ích của cổ đông và duy trì giá trị doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động mạnh. HĐQT được ủy quyền quyết định nguồn vốn thực hiện cũng như thời điểm mua lại cụ thể, căn cứ theo tình hình thị trường tại từng thời điểm.
Cổ phiếu được mua lại là cổ phiếu phổ thông của PNJ, có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu và đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).