Giải bài toán “Thừa nhà nhưng người dân vẫn thiếu chỗ ở”

Có một nghịch lý trong phát triển nhà ở tại Việt Nam đó là trong khi có rất nhiều người đang thiếu chỗ ở thì tại các thành phố lớn lại có hàng chục nghìn căn hộ bỏ hoang gây lãng phí. Đây là vấn đề nan giải cần phải giải quyết lúc này.

Giải bài toán “Thừa nhà nhưng người dân vẫn thiếu chỗ ở” - Ảnh 1

Hàng chục nghìn căn hộ bỏ hoang

Ghi nhận của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, hiện tượng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang không còn hiếm gặp tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Nhiều khu tái định cư có tỷ lệ lấp đầy rất thấp, thậm chí có những tòa nhà không có người ở. Các tòa nhà xây dựng với quy mô lớn, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại bị bỏ không, hoặc sử dụng không hiệu quả khiến toàn bộ hạ tầng và các hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng.

Một dữ liệu nghiên cứu của VARS đã chỉ ra, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở, đặc biệt là phân khúc căn hộ đang sụt giảm nghiêm trọng. Số lượng dự án bất động sản được phê duyệt mới ngày càng khan hiếm trong khi các dự án đang triển khai “chật vật" bởi các vướng mắc liên quan đến pháp lý và nguồn vốn. Trung bình mỗi năm, ước tính mỗi đô thị đặc biệt thiếu hụt ít nhất 50.000 căn hộ

Mới đây, tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024. Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đề cập đến thị trường bất động sản, cụ thể là việc thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, giá trung bình hợp với khả năng tài chính của người dân.

“Nhà ở xã hội có nơi thì thừa, nơi thì thiếu. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội mới giải ngân được 83 tỷ đồng là rất thấp, do đó cần phải làm rõ trách nhiệm các cơ quan có liên quan vì sao chính sách của chúng ta là rất tốt, rất nhân văn, thế nhưng lại chậm được triển khai thực hiện, trong khi người dân thì rất mong mỏi, chờ đợi điều này”, đại biểu Tạ Thị Yên phân tích.

Đại biểu cho biết thêm, con số thừa 14.000 căn nhà tái định cư tại quận Bình Tân, TP Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) hay hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang phế ở quận Long Biên, Cầu Giấy (TP. Hà Nội) đã làm lãng phí nguồn lực tài chính công; trong khi người dân vẫn còn thiếu chỗ ở. Đại biểu đề nghị cần phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Phát biểu tại phiên họp tổ về tình hình phát triển kinh tế xã hội sáng 23/5, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cũng cho biết khi đi qua đường Hoàng Mai, ông thấy nhiều căn hộ chung cư từng dùng làm bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 giờ bị bỏ không. Khu vực cầu Chương Dương sang Gia Lâm cũng có hàng loạt chung cư, căn hộ tái định cư bỏ hoang.

Ông nói, Hà Nội có hơn 14.200 căn chung cư chưa sử dụng, TP HCM có 14.000 căn tái định cư bỏ không. Thực trạng này gây lãng phí lớn vì giá chung cư đang tăng cao. "Chúng ta phải có giải pháp đồng bộ, có thể thực hiện đấu giá hoặc chuyển mục đích sử dụng sang nhà ở xã hội hoặc cho thuê", ông Hiếu gợi ý.

Việc hàng chục nghìn căn hộ “để không” trong khi nhiều người dân không có nhà ở là hiện tượng bất hợp lý. Tình trạng này do nhiều khu tái định cư được xây dựng ở những khu vực xa trung tâm, thiếu tiện ích và dịch vụ công cộng. Điều này làm giảm sức hấp dẫn và gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển và sinh hoạt.

Cần có nhiều giải pháp

Trước thực trạng đang diễn ra, VARS đề xuất  cơ quan quản lý nhà nước cần quy hoạch rõ ràng và hợp lý hơn khi chọn vị trí xây dựng các khu tái định cư. Các khu vực này cần được kết nối tốt với trung tâm thành phố và có đầy đủ hạ tầng, dịch vụ công cộng như trường học, bệnh viện, chợ. Đồng thời, nhà nước cũng cần giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng để dự án tái định cư đảm bảo chất lượng, an toàn, tiêu chuẩn xây dựng.

Người dân cần được khuyến khích tham gia vào quá trình quy hoạch, phát triển dự án nhà tái định cư để phù hợp với nhu cầu thực tế và đạt được sự đồng thuận trong cộng đồng.

Với các dự án căn hộ tái định cư đang triển khai, nhà nước cần nhanh chóng rà soát, để đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chậm triển khai. Với các dự án đã hoàn thành và chưa sử dụng, VARS đề nghị lãnh đạo các địa phương nghiên cứu mức giá bán phù hợp hơn.

Bên cạnh quỹ nhà bán đấu giá, đơn vị này cho rằng nhà nước có thể nghiên cứu ghép nhà tái định cư và nhà ở xã hội cùng một phân khúc. Như vậy, các dự án tái định cư sẽ được tiếp cận nguồn vốn và lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để hoàn thiện các hạng mục về hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội để thu hút người dân đến sống. Ngoài ra, cho thuê cũng là một giải pháp khắc phục tình trạng bỏ hoang và sử dụng không hiệu quả các tài sản này.

Cũng đưa ra những gợi ý về giải pháp giải quyết bài toàn nhà ở cho người dân, Đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Agribank, đề xuất Hà Nội đầu tư vào nhà ở xã hội sau đó cho thuê dài hạn. Điều này sẽ giải quyết bài toán nhà ở cho người lao động thu nhập thấp, công nhân.

"Nếu Nhà nước được quyền phát hành trái phiếu thì lãi suất rất thấp, chỉ 3-4 %, và người dân thuê nhà cũng có giá hấp dẫn. Khi có lãi suất tốt, có thể xây được khu nhà ở xã hội với đầy đủ hạ tầng, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân", ông Ấn nói.

Theo báo cáo của các địa phương, cả nước hiện có hơn 500 dự án nhà ở xã hội đã triển khai với quy mô 418.200 căn. Con số này tăng thêm 4 dự án, 6.950 căn so với báo cáo giữa tháng 3. Tuy nhiên, nhiều người dân phản ánh khó tiếp cận thông tin các dự án. Gần đây, tại một chương trình gặp gỡ lãnh đạo UBND TP HCM, công nhân cho biết rất khó khăn khi tiếp cận nhà ở xã hội bởi nguồn cung khan hiếm. Họ nói "chỉ thấy nhà ở xã hội trên tivi, không biết dự án ở đâu, mua thế nào, vay vốn ra sao".

Liên quan tới gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã rút gọn điều kiện cho doanh nghiệp vay. Ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank), TPBank và VPBank đã đăng ký tham gia, mỗi ngân hàng 5.000 tỷ đồng. Đến nay, các ngân hàng thương mại đã giải ngân 1.144 tỷ đồng, gồm 1.133 tỷ cho chủ đầu tư; 11 tỷ đồng cho người mua nhà.

Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long  An có tỷ lệ thực hiện nhà ở xã hội thấp so với mục tiêu của đề án. Việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn chậm. Các doanh nghiệp đầu tư gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai.

An Nhiên

Theo Chất lượng và cuộc sống