Giải ngân vốn đầu tư công vẫn ì ạch

Có tới 34/50 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) đạt dưới 55%. Trong số này, có 19 bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%; thậm chí có 3 cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn ĐTC.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

Để “thúc” các Bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn ĐTC, Chính phủ đã thực sự vào cuộc mạnh mẽ. Mới đây, 6 tổ công tác được Chính phủ lập tại các bộ, cơ quan trung ương, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC năm 2021. Các tổ công tác sẽ phân tích nguyên nhân những vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án ĐTC, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại các đơn vị. Quá trình kiểm tra, các tổ này cũng xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, xử lý các khó khăn, điểm nghẽn khi giải ngân ĐTC tại từng bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu. Từ đó, tổ công tác kiến nghị và báo cáo Thủ tướng các giải pháp nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn ĐTC.

Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương gửi báo cáo về tình hình thực hiện và giải ngân vốn ĐTC hằng tháng cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đồng gửi Văn phòng Chính phủ). Bộ Tài chính tổng hợp chung các báo cáo về tình hình thực hiện và giải ngân vốn ĐTC hằng tháng của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ (đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư) theo đúng quy định. Gửi thông tin về kết quả giải ngân vốn ĐTC hằng tháng của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cho Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để công khai theo quy định.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay tỷ lệ giải ngân ĐTC ở nhiều bộ, ngành và địa phương còn ở mức thấp. Đáng chú ý, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 7 bộ và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%. Đó là, Hội Nhà báo Việt Nam (100%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (92,04%), Văn phòng Quốc hội (89,93%), Ngân hàng Phát triển (85,39%), Hải Dương (84,46%), Thanh Hóa (84,44%), Hà Tĩnh (83,3%), Bộ Tài chính (80,59%)…

Trong khi đó, có tới 34/50 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 55%. Trong số này, có 19 bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%; thậm chí có 3 cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Trong 11 tháng qua, vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt 367.700 tỷ đồng, bằng 73,8% kế hoạch năm và giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 78,7% và tăng 32,7%).

Tuy nhiên, ước tính đến cuối tháng 11, giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước chỉ đạt khoảng trên 294.589 tỷ đồng, đạt 63,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân 71,22% của cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, vốn trong nước đạt 69,19% (cùng kỳ năm 2020 là 75%), vốn nước ngoài đạt 21,51% (cùng kỳ năm 2020 đạt 40,21%).

Thực tế, chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2021. Nếu so với “kỷ lục” giải ngân 98% vốn ĐTC của năm 2020, thì tình hình của năm 2021 là khá “u ám” khi còn tới 44% trong kế hoạch chưa được giải ngân. Có lẽ giải ngân vốn ĐTC chậm bởi rất nhiều nguyên nhân mà trong đó có khâu “tổ chức thực hiện”. Ngoài ra, chính người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận còn do các địa phương, bộ ngành thờ ơ hoặc chưa làm hết trách nhiệm, lập kế hoạch không sát, đề xuất vốn lớn nhưng thực tế không giải ngân được.

Năm 2021 là năm đầu tư thực hiện kế hoạch đầu tư công của giai đoạn 2021-2025; năm đầu thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019, do vậy cũng còn một nguyên nhân chỉ ra là chúng ta đang tập trung vào các dự án chuyển tiếp và đang chuẩn bị đầu tư vào các dự án năm 2022, dẫn đến chậm tiến độ.

Do đó, điều cần thiết bây giờ, bên cạnh việc tiếp tục quyết liệt, cấp bách đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC để “tiêu được đồng nào hay đồng đó”, cũng cần tính tới các biện pháp khác. Theo đó, ngay từ khâu lập kế hoạch, phải xem vay nợ có hợp lý hay không, nếu xứng đáng thì mới phê duyệt, còn không thì phải yêu cầu làm lại.

Thứ hai, các chủ dự án thi công khối lượng rồi, nhưng không có xác nhận của đơn vị giám sát hoặc không đầy đủ chứng từ, thủ tục thì không giải ngân được, nên phải lập hồ sơ nghiệm thu có xác định của các cơ quan giám sát đầy đủ, lúc đó mới có khả năng thanh toán nhanh.

Thứ ba, các bộ ngành phải bố trí vốn đối ứng để thanh toán những khối lượng trong nước cần thực hiện, đảm bảo yêu cầu của chủ đầu tư để đảm bảo tiến độ xây dựng.

Và cuối cùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính phải làm việc một cách cụ thể với các nhà tài trợ, để có thể đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án, cũng như những vấn đề cần điều chỉnh từ các dự án có vốn vay nước ngoài.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề nghị các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phát huy vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp công tác giải ngân vốn. Đây là yếu tố quyết định đến kết quả giải ngân của dự án.

Bên cạnh đó, chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 đã được kéo dài sang năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 10/11/2021 của Chính phủ.

Đối với các bộ ngành, địa phương được điều chỉnh tăng kế hoạch vốn năm 2021 (theo Quyết định số 1915/QĐ-TTg ngày 15/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị khẩn trương phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án để triển khai ngay, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Trong khi đó, đối với các bộ ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/10/2021 dưới 60% kế hoạch được giao, đề nghị khẩn trương báo cáo, cung cấp thông tin, số liệu để 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 triển khai hiệu quả, sớm giải quyết vướng mắc của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Duy Khánh

Theo Kinh doanh & Phát triển