Phải công khai kết quả giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương báo cáo hằng tháng về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương gửi báo cáo về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đồng gửi Văn phòng Chính phủ) theo quy định tại Công điện số 7036/CĐ-VPCP ngày 30-9-2021 của Văn phòng Chính phủ và Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6-4-2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.

Bộ Tài chính tổng hợp chung các báo cáo về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ (đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư); gửi thông tin về kết quả giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cho Cổng thông tin điện tử Chính phủ để công khai theo quy định.

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt, cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến 31 tháng 7 năm 2021 mới đạt 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%), đặc biệt tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%). Nhiều Bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực, chủ động với nhiều biện pháp hiệu quả nên kết quả giải ngân đạt cao (trên 50%) như: Thái Bình (71%), Hưng Yên (65%), Hà Nam (64,36%), Thanh Hóa (61,59%), Nam Định (58,01%), Hà Tĩnh (55,49%), Thái Nguyên (51,33%), Ngân hàng Chính sách xã hội (67,27%), Văn phòng Quốc hội (52,9%); đặc biệt một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg nhưng vẫn có kết quả giải ngân tốt như Bắc Ninh (55,37%), Bình Phước (52,88%), Tiền Giang (50,90%). Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều Bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp như: Bộ Thông tin và Truyền thông (0,40%), Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (0,56%), Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (0,95%), Đài truyền hình Việt Nam (1,17%), Thông tấn xã Việt Nam (1,19%), Bộ Ngoại giao (2,57%), Viện Khoa học công nghệ Việt Nam (2,67%), Hội Nông dân Việt Nam (2,7%), Bắc Kạn (8,37%), Quảng Bình (15,46%), Cao Bằng (15,84%), Đắk Lắk (15,86%)… Đặc biệt một số cơ quan chưa giải ngân (0%), như: Ủy ban Dân tộc, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Tỉ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khoá, tiền tệ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chịu tác động của đại dịch Covid-19.

Duy Khánh

Theo Kinh doanh & Phát triển