Giải pháp nào đưa căn hộ tái định cư vào sử dụng hiệu quả?
Hiện nay, tình trạng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang ở Hà Nội hay TP.HCM lên tới hàng chục nghìn căn hộ, trong khi nhà ở xã hội cho người dân lại thiếu gây ra nghịch lý trên thị trường. Trước tình trạng này, việc triển khai các giải pháp phù hợp để “đánh thức” loại hình này không chỉ giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai mà còn góp phần cải thiện nguồn cung, nâng cao chất lượng sống của người dân và phát triển đô thị bền vững.
Nhiều dự án tái định cư bị bỏ hoang
Chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM, đã có ít nhất 18.000 căn hộ tái định cư hoàn thiện đang bị bỏ hoang, mỗi năm, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng ngân sách Nhà nước để bảo trì, bảo dưỡng…
Tại Hà Nội, báo cáo của UBND thành phố cho thấy hiện có 174 khu nhà tái định cư đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn và khoảng 4.000 căn chung cư đang bị bỏ hoang. Nhiều dự án tái định cư có người dân về ở, có diện tích kinh doanh dịch vụ cũng vẫn bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.
Tương tự, thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho biết hiện, trên địa bàn thành phố có hơn 14.000 căn hộ tái định cư bỏ trống, tập trung nhiều nhất tại khu tái định cư Bình Khánh (quận 2) với hơn 12.000 căn hộ và tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với hơn 2.000 căn hộ...
Trong những năm qua, Nhà nước luôn có chủ trương xây dựng nhà ở xã hội, nhà tái định cư để đáp ứng phần nào nhu cầu nhà ở rất lớn của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, có một thực tế là trên địa bàn thành phố có khá nhiều khu nhà "bỏ hoang" một cách đáng tiếc.
Theo VARS, việc hàng chục nghìn căn hộ “để không” trong khi nhiều người dân không có nhà ở là hiện tượng bất hợp lý. Do đó, kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng có các giải pháp “đánh thức" loại hình này để tránh lãng phí tài nguyên đất đai, cải thiện nguồn cung, nâng cao chất lượng sống của người dân và phát triển đô thị bền vững.
Giải pháp nằm ở đâu?
Để giải quyết tình trạng này, tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng nhà ở khu tái định cư chưa sử dụng sang nhà ở xã hội.
Theo TS Trần Xuân Lượng - Viện Phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam, nhà ở tái định cư bỏ hoang có thể là một nguồn lực nhà ở tương đối lớn đang bị “lãng quên” trước thực trạng sinh viên, công nhân, người lao động thiếu chỗ ở.
"Hiện nay, nhu cầu nhà ở của người dân tại các thành phố lớn rất cao nên cần phân tán. Các cơ quan quản lý có thể định hướng người dân thuê các nhà ở xã hội, nhà tái định cư đang bỏ hoang… Nhưng để làm được điều này cần phải đẩy nhanh các kế hoạch để đánh thức những căn nhà tái định cư.
Đặc biệt, sau khi chuyển đổi những căn nhà tái định cư này cần đảm bảo an sinh xã hội, hạ tầng giao thông để mọi người dễ dàng tiếp cận với khu vực trung tâm. Không được để tình trạng “ôm con bỏ chợ” diễn ra, cảnh bỏ hoang lại tiếp diễn vì không phù hợp nhu cầu.
Theo VARS, trước hết, cơ quan quản lý Nhà nước cần có kế hoạch quy hoạch rõ ràng và hợp lý hơn khi chọn vị trí xây dựng các khu tái định cư. Các khu vực này cần được kết nối tốt với trung tâm thành phố và có đầy đủ hạ tầng, dịch vụ công cộng như trường học, bệnh viện, chợ, và các tiện ích khác.
Bên cạnh đó, cần có cơ quan giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng, các dự án tái định cư cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn xây dựng để đảm bảo chất lượng và an toàn. Thúc đẩy thời gian có hiệu lực của Luật Đất đai mới với các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất…
Đối với các dự án căn hộ tái định cư đang triển khai, Nhà nước cần nhanh chóng rà soát, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chậm triển khai. Đối với các dự án đã hoàn thiện và chưa được sử dụng, có kế hoạch đấu giá để thu hồi vốn, lãnh đạo các thành phố cần nghiên cứu mức giá bán phù hợp hơn.
Ngoài ra, cho thuê cũng là một trong những giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng bỏ hoang và sử dụng không hiệu quả các tài sản này. Nhà nước cần có các quy định rõ ràng và đồng bộ về việc cho thuê nhà tái định cư, đảm bảo quyền lợi của cả người cho thuê và người thuê. Các quy định này bao gồm mức giá thuê, thời hạn thuê, và các điều kiện thuê cụ thể.