Giữa đại dịch COVID-19, nhà đầu tư quan tâm phân khúc bất động sản nào?
Theo DKRA Việt Nam, đất nền sổ đỏ sẽ là kênh thu hút mạnh mẽ dòng tiền của các nhà đầu tư trong thời gian tới, đây cũng là kênh trú ẩn an toàn có biên độ tăng giá tốt, kênh sinh lời bền vững trong dài hạn. Sức cầu chung có thể phục hồi vào những tháng cuối năm khi dịch bệnh được kiểm soát.
Nguồn cung căn hộ tăng mạnh
Theo báo cáo của DKRA Việt Nam, trong quý II/2021, thị trường căn hộ TP.HCM ghi nhận 9 dự án mở bán, với 3.072 căn hộ được đưa ra thị trường, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hấp thụ đạt 79%, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu như quý I/2021, căn hộ hạng A chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM, lên tới 61%, thì sang quý II/2021 đã giảm xuống 41%, nhỉnh hơn so với căn hộ hạng B với 39% và gấp đôi 20% của căn hộ hạng sang. Tuy nhiên, thị trường vẫn tiếp diễn tình trạng thiếu vắng nguồn cung phân khúc căn hộ hạng C, căn hộ vừa túi tiền trong suốt gần 2 năm qua.
Mặc dù nguồn cung căn hộ tại TP.HCM đã nhỉnh hơn năm ngoái, thế nhưng, giá bán sơ cấp của các chủ đầu tư đưa ra vẫn tăng phổ biến từ 3% - 5% so với đợt mở bán trước, chủ yếu ở những dự án chuẩn bị bàn giao, hình thành khu đô thị hiện hữu với hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ.
Trong khi đó, tại 4 tỉnh giáp ranh là Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, đón nhận thêm 13 dự án mở bán, cung ứng ra thị trường 3.994 căn hộ. Tỷ lệ tiêu thụ đạt xấp xỉ 81% với khoảng 3,252 căn mở bán.
Đại diện DKRA nhận định, tình hình dịch bệnh tái bùng phát vào giữa tháng 5/2021, áp dụng lệnh giãn cách xã hội trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh giáp ranh khiến cho nhiều chủ đầu tư phải tạm hoãn kế hoạch bán hàng, truyền thông giới thiệu sản phẩm ra thị trường.
Theo dự báo của DKRA, ở phân khúc căn hộ, nguồn cung có thể sẽ tăng nhẹ, tập trung chủ yếu ở thị trường TP.HCM.
Phân khúc căn hộ hạng A và B tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn cung mới. Căn hộ hạng C tiếp tục vắng bóng trên thị trường. Riêng căn hộ hạng sang có thể sẽ có dự án đạt mức giá mới. Sức cầu tại TP.HCM có thể sẽ phục hồi tích cực.
Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát, cùng với đó là mặt bằng giá ngày càng cao khiến thị trường đất nền TP.HCM ngày càng trầm lắng. Trải qua 4 quý liên tục, thị trường TP.HCM không ghi nhận nguồn cung mới mở bán, giao dịch tập trung chủ yếu tại các dự án cũ đã mở bán từ những năm trước.
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, mặt bằng giá thứ cấp trong quý không có nhiều biến động, mức tăng trung bình dao động 2% - 5% so với đầu năm. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường ở mức trung bình và sụt giảm mạnh vào cuối quý do dịch bệnh bùng phát mạnh.
Đất nền sổ đỏ hấp thụ tốt trong mùa dịch
Theo báo cáo thị trường quý II/2021 của DKRA Việt Nam, các dự án đất nền TP.HCM và vùng phụ cận được đưa ra thị trường chủ yếu vào giai đoạn đầu của quý II khi dịch bệnh chưa bùng phát mạnh, cho nên tỉ lệ hấp thụ ghi nhận tăng 59% so với quý trước đó.
Thị trường đất nền tại TP.HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận có 22 dự án mở bán, trong đó có 7 dự án mở bán mới và 15 dự án thuộc giai đoạn mở bán tiếp theo, cung cấp ra thị trường khoảng 2,913 nền, bằng 108% so với cùng kỳ năm trước (2,699 nền), tăng 125% so với quý I/2021 (1,296 nền). Tỷ lệ tiêu thụ đạt 63% (1,826 nền), bằng 90% so với quý 2/2020 (2,038 nền), tăng 59% so với quý II/2021 (1,145 nền).
Cụ thể, tại Long An có 819 nền đất chào thị trường trong quý, tiêu thụ được 501 nền; tại Đồng Nai tiêu thị được 774 nền/1.319 nền được tung ra trong quý II; trong khi đó, tại Bình Dương chào bán 523 nền, có 396 nền được giao dịch; tại Bà Rịa – Vũng Tàu số nền đưa ra thị trường khá khiêm tốn chỉ 180 nền, tiêu thụ được 155 nền.
Như vậy, nguồn cung và lượng tiêu thụ mới trong quý II/2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020. Các dự án được đưa ra thị trường chủ yếu vào giai đoạn đầu của quý II khi dịch bệnh chưa bùng phát mạnh, nên lượng tiêu thụ cũng khá tốt.
Chuyên gia của DKRA cho rằng đất nền sổ đỏ vẫn là kênh thu hút mạnh mẽ dòng tiền của các nhà đầu tư, đây cũng là kênh trú ẩn an toàn có biên độ tăng giá tốt, kênh sinh lời bền vững trong dài hạn.
Trong thời gian tới, nguồn cung mới đất nền tập trung chủ yếu ở thị trường các tỉnh giáp ranh. Sức cầu chung có thể phục hồi vào những tháng cuối năm khi dịch bệnh được kiểm soát. Những dự án có pháp lý và hạ tầng hoàn thiện tiếp tục thu hút sự quan tâm của khách hàng.