Gói 26.000 tỷ được giải ngân quá ít, cần thêm gói hỗ trợ mới để "cứu" doanh nghiệp
Theo PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, sau hơn 2 tháng triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 68, đã giải ngân được hơn 380 tỷ đồng cho 730 doanh nghiệp trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất kinh doanh tại 63 tỉnh, thành. Đây là con số quá ít trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp cần hỗ trợ để vượt qua đại dịch.
Chính sách chưa đi vào cuộc sống
Tại Tọa đàm tham vấn các chuyên gia kinh tế chuyên gia về kinh tế-xã hội do Chủ tịch Quốc hội chủ trì sáng 27/9, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bắt đầu từ cuối tháng 4/2021 đã khiến các doanh nghiệp (DN) vốn đã gặp rất nhiều khó khăn từ các đợt sóng dịch bệnh trước nay càng thêm khó khăn, làm cho nhiều DN trên bờ vực phá sản. Do vậy, rất cần phải có các chính sách can thiệp của Nhà nước để cứu DN.
Trong 7 tháng đầu năm 2021, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Cộng đồng DN bị ảnh hưởng trên diện rộng, đáng kể nhất là với các DN siêu nhỏ và DN nhỏ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác (hợp tác xã) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn 90% hợp tác xã giảm doanh thu và lợi nhuận; lao động bị cắt giảm, nghỉ việc không lương chiếm hơn 50% tổng số lao động.
Theo PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, thực tế này đang đòi hỏi các cơ chế, chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, nhất là trong những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp với tổng thể các biện pháp, chủ yếu mang tính ngắn hạn, ứng phó với dịch bệnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia này, nhiều chính sách vẫn chưa đi vào cuộc sống.
Cụ thể, vì khó khăn về thủ tục nên gói hỗ trợ cho vay 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% dành cho DN để trả lương cho người lao động mất việc vì COVID-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2020 gần như không có được kết quả, vì số tiền giải ngân không đáng bao nhiêu.
Về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng hỗ trợ DN vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết, sau hơn 2 tháng triển khai, đến ngày 17/9, hệ thống đã phê duyệt 746 hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động với số tiền trên 392 tỷ đồng để trả lương cho 112.397 lượt người lao động.
"Trong đó đã giải ngân được 382 tỷ đồng cho 730 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 109.373 lượt người lao động tại 63 tỉnh, thành phố. Con số như vậy là quá ít trong bối cảnh rất nhiều DN cần hỗ trợ", PGS. TS. Bùi Quang Tuấn đánh giá.
Theo chuyên gia Bùi Quang Tuấn, số lượng DN nộp hồ sơ vay vốn trả lương cho người lao động như vậy là rất ít so với nhu cầu hiện nay. Thực trạng này bắt nguồn từ thủ tục còn khó khăn cộng với tình trạng giãn cách xã hội làm cho việc đi lại không dễ dàng. Nhiều DN phản ánh đang gặp không ít khó khăn về các điều kiện vay vốn, nhất là yêu cầu DN phải có quyết toán thuế thu nhập DN năm 2020 và hiện không có nợ xấu. Trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, những yêu cầu đó là quá khó với DN.
Cần gói hỗ trợ mới cho doanh nghiệp
Trước thực trạng trên, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh việc Chính phủ cần ban hành gói hỗ trợ mới cho DN. Đây là giải pháp trọng tâm, trước mắt để hỗ trợ DN vượt qua đại dịch.
Ông Tuấn đề xuất, gói kích thích nhằm hỗ trợ DN kịp thời, bao gồm: Gia hạn nợ, khoanh nợ cho các DN, nhất là các DN trong khu vực dịch vụ; Thực hiện miễn, giảm thuế, lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dịch bệnh, miễn, giảm các nghĩa vụ đóng góp, chú ý đến khoanh nợ cho các DN bị tác động nặng nề; Cơ cấu lại các khoản nợ, khoanh trả lãi tiền vay, không tính vay quá hạn; thuận lợi hóa tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho DN; miễn giảm thuế trong đó có thuế VAT ở một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề và có tầm quan trọng để DN có thời gian phục hồi.
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, DN và người dân chịu tác động rất mạnh của COVID-19, các giải pháp kiểm soát dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế trước tiên phải lấy DN và người dân làm trung tâm và là mục tiêu của các chính sách can thiệp.
Chính phủ nên xem xét giải cứu tất cả DN gặp khó khăn, không nên phân biệt DN nào. Còn trong tình huống bắt buộc phải lựa chọn một số đối tượng để giải cứu theo hướng có trọng tâm, trọng điểm do nguồn lực có hạn, thì cần có các tiêu chí phù hợp.
Ngoài ra, cần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở trên các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, quá trình này không dễ dàng, khó liên tục và dễ thất bại do nhiều nguyên nhân. Cần hỗ trợ phát triển bằng công cụ thể chế và tài chính đối với các DN công nghệ số để tạo cú huých chuyển đổi số.
Tập trung cắt giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển cũng được chuyên gia kiến nghị. Trong đó, cần đẩy mạnh thực hiện đầy đủ các giải pháp cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; chú trọng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giảm chi phí và giá thành vận chuyển, thành lập tổ công tác liên ngành của các bộ và các cơ quan liên quan để rà soát, tháo gỡ ngay các khó khăn về chi phí logistics và tình trạng thiếu công-ten-nơ; tiếp tục cắt giảm các loại phí, chi phí đối với các hoạt động phục vụ xuất nhập khẩu.
Với đề xuất khẩn trương xây dựng chính sách mở cửa cho thị trường du lịch quốc tế, ông Tuấn kiến nghị Việt Nam cần nhanh chóng chuẩn bị sẵn sàng áp dụng chế độ chứng nhận miễn dịch y tế để đón tiếp, phục vụ các đối tượng đã tiêm chủng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 tham gia các hoạt động giao thương quốc tế; chủ động, tích cực và sáng tạo trong hợp tác quốc tế, khu vực, song phương và đa phương trong việc đồng bộ hóa các tiêu chí và điều kiện kỹ thuật về thống nhất chấp nhận các hình thức xác nhận miễn dịch COVID-19 trong giao thương quốc tế.
Ngoài ra, cần coi các khu công nghiệp là thành trì cần được bảo vệ và duy trì sản xuất, bảo đảm dịch không xâm nhập và lây lan tại các khu công nghiệp.
"Bảo vệ và duy trì sản xuất các khu công nghiệp là bảo vệ uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về phục hồi chuỗi cung ứng để giữ các nhà đầu tư nước ngoài cũng như tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khác", ông Tuấn nhấn mạnh.