Cần triển khai linh hoạt mô hình “3 tại chỗ” để giảm áp lực cho doanh nghiệp

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo sản xuất nhiều doanh nghiệp đang phải thực hiện mô hình “3 tại chỗ”. Tuy nhiên mô hình này hiện vẫn đang có nhiều bất cập cần được tháo gỡ và linh hoạt trong thực hiện để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian tới.

Cả doanh nghiệp và người lao động đều gặp khó khăn khi thực hiện “3 tại chỗ”

Việc triển khai mô hình “3 tại chỗ” - (sản xuất, ăn, nghỉ tại cùng một địa điểm), được kỳ vọng là cứu cánh cho các doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, mô hình này đang bộc lộ nhiều bất cập gây khó cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Trong Báo cáo “Một số vấn đề và kiến nghị liên quan tới lao động và an sinh xã hội trong phòng, chống dịch COVID-19” do nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố mới đây, các chuyên gia tham gia nghiên cứu đề tài cho biết, các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, nhiều lao động, khi thực hiện mô hình “ba tại chỗ” và “một cung đường – hai địa điểm” đã gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện vật chất đáp ứng “ăn” và “nghỉ” không được thiết kế từ đầu; việc kéo dài thời gian lao động “ba tại chỗ” ảnh hưởng lớn tới đời sống tâm lý, sức khỏe của người lao động, nhất là lao động có bố mẹ già, con nhỏ…

Đã có lao động chấp nhận bỏ việc thay vì làm việc theo cách này. Chưa kể, do khác nhau về đặc thù hàng hóa, cách thức sản xuất nên việc thực hiện các hoạt động này với các doanh nghiệp khác nhau là khác nhau và gây ra không ít tốn kém (như xét nghiệm hàng tuần cho hàng trăm/ngàn công nhân, di chuyển lao động, phải tăng trợ cấp bữa ăn hàng ngày và các ưu đãi khác để khuyến khích công nhân, người lao động ở lại…).

Nhóm chuyên gia nghiên cứu cũng chỉ ra, điều kiện sinh hoạt, môi trường lao động của người lao động cũng bị ảnh hưởng khi thực hiện mô hình “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai địa điểm” dẫn đến nguy cơ không đảm bảo các yêu cầu của khách hàng về an toàn vệ sinh lao động, khiến các nhà máy có nguy cơ bị khách hàng yêu cầu đánh giá lại về tính tuân thủ và điều kiện làm việc.

Để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo giao hàng kịp thời, đúng thời gian theo hợp đồng với đối tác, nhiều doanh nghiệp đứng trước sức ép phải tăng giờ làm cho số lao động tự nguyện (ít hơn nhiều số lao động khi chưa có đại dịch hoặc đại dịch không nghiêm trọng như hiện nay) và có nguy cơ vi phạm số giờ tăng ca theo quy định của Bộ Luật lao động (số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 40 giờ/tháng; không quá 300h/năm).

Việc thực hiện “một cung đường – hai địa điểm” để vận chuyển lao động hoặc cho phép lao động di chuyển cũng gặp không ít khó khăn do các quy định rất chặt về lưu thông liên tỉnh/thành phố (ví dụ như Bình Dương, Đồng Nai với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận).

Cả doanh nghiệp và người lao động đều đang gặp khó khi thực hiện “3 tại chỗ”.  
Cả doanh nghiệp và người lao động đều đang gặp khó khi thực hiện “3 tại chỗ”.  

Cần triển khai linh hoạt để giảm áp lực cho doanh nghiệp

Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), Trưởng nhóm Nghiên cứu đề tài này cho biết, để thực hiện được quy định “3 tại chỗ”vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất như hiện nay thực sự đang tạo áp lực rất lớn và khó khăn lên cho cả phía doanh nghiệp lẫn người lao động. Việc bố trí cho công nhân thực hiện “3 tại chỗ” với hàng trăm nghìn công nhân ăn, ở tại nơi sản xuất gây nên sức ép rất lớn cho doanh nghiệp cả về chi phí phát sinh lẫn đảm bảo an toàn cho người lao động dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp sản xuất đã không thể đáp ứng yêu cầu của mô hình này.

Cùng với đó, việc người lao động phải làm việc tăng ca, luân phiên vài tháng liền không được nghỉ gây nên những căng thẳng, mệt mỏi trong công việc gây ra tâm lý chán nản, lo lắng và dẫn đến trầm cảm ở nhiều lao động. Việc này đang trở nên phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia như Mỹ, Tây Âu cũng đã từng gặp phải vấn đề này.

Theo ông Giang Thanh Long, Chính phủ cần cân nhắc lại việc thực hiện mô hình “3 tại chỗ”. Mặc dù Chính phủ và Bộ Y tế đã có những quy định về mặt chuyên môn rất rõ ràng nhưng khi doanh nghiệp áp dụng thực tế gặp nhiều khó khăn. Vì vậy các Bộ, ban, ngành liên quan cần dựa vào tình trạng cụ thể của từng doanh nghiệp để đưa ra những hướng dẫn chi tiết hơn để doanh nghiệp biết cách làm hiệu quả thay vì những quy định rất dài và chung chung như hiện nay.

Lấy dẫn chứng về việc một số địa phương hiện đã cho phép doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh nếu thực hiện đúng “ba tại chỗ” (ăn, ngủ, làm việc tại doanh nghiệp), “một cung đường – hai điểm đến” (cung đường đi lại giữa nơi làm việc và nơi ở tập trung của người lao động do doanh nghiệp bố trí bên ngoài phạm vi nhà máy). Theo ông Giang Thanh Long đây là một cách làm linh hoạt, phù hợp có thể giảm áp lực của doanh nghiệp trong việc đáp ứng yêu cầu của mô hình “3 tại chỗ”.

“Cần có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của từng doanh nghiệp, từng địa phương để họ có thể áp dụng linh hoạt các mô hình phù hợp, hiệu quả cho doanh nghiệp mình chứ không nhất thiết phải cứng nhắc như hiện tại”, ông Long nhấn mạnh.

Từ đó, các chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu đề tài đề xuất một loạt các giải pháp để có thể gỡ khó và hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động yên tâm sản xuất trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, cụ thể:

Thứ nhất, các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH); các Bộ, ban ngành có liên quan cần xem xét, triển khai hỗ trợ tư vấn tâm lý cho người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” tại các doanh nghiệp qua hệ thống công tác xã hội ở địa phương và trong hệ thống y tế.

Thứ hai, cần cho phép tính số giờ làm thêm theo năm thay vì quy định chặt theo ngày hoặc tháng hiện nay.

Thứ ba, yêu cầu các địa phương khi thành lập Tổ tư vấn phục hồi kinh tế hoặc Tổ chống đại dịch thì phải có sự tham gia đại diện của các doanh nghiệp chủ chốt trên địa bàn để có thể có thông tin chính xác, kịp thời về các hoạt động/khả năng đáp ứng của doanh nghiệp để từ đó điều chỉnh chính sách kịp thời với tình hình thực tế.

Trong báo cáo “Khuyến nghị phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau 15/8/2021” của Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của TP Hồ Chí Mình ngày 9/8, báo có đề cập đến “gánh nặng tài chính của doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ” bao gồm: Chi phí trợ cấp tiền lương cho người lao động (75-150.000 đồng/ngày) để họ chấp nhận ở lại công ty/nhà máy để tham gia sản xuất, chi phí ăn uống 3 bữa; Chi phí xét nghiệm (220.000-250.000 đồng/lượt); Chi phí tổ chức ở và mua sắm vật dụng sinh hoạt”. Báo cáo khảo sát này có thực hiện thống kê ở 5 doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ và cho biết, bình quân 5 doanh nghiệp này phải trả chi phí tăng thêm cho 1 người lao động là 9.330.000 đồng/tháng.

Huyền Phạm

Theo Doanh nghiệp Việt Nam