'Gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội rất tốt nhưng lấy tiền từ đâu ra?!'

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nói rằng có gói tín dụng 110.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội là rất tốt nhưng "lấy tiền từ đâu ra, làm gì có chỗ nào để lấy".

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Zing
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Zing

Trước thềm hội nghị về thị trường bất động sản dự kiến diễn ra cuối tuần này, Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn của giai đoạn 2022 - 2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.

Gói tín dụng này giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013 - 2016 trước đây khi thị trường gặp khó. Đối với gói tín dụng 110.000 tỷ đồng, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ được dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án vay ưu đãi.

Đối với người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho khách cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance về đề xuất trên, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nói rằng có gói tín dụng để phát triển nhà ở xã hội thì rất tốt nhưng "lấy tiền từ đâu ra, làm gì có chỗ nào để lấy".

GS Đặng Hùng Võ cho biết gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đưa ra hỗ trợ nhà ở xã hội trước đây cũng “toát mồ hôi” và sau khi kết thúc gói tín dụng này, Ngân hàng Nhà nước nói rằng “không còn gói nào nữa đâu”.

Ở góc nhìn của một doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội lớn tại TP. HCM, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành, cho rằng đây là đề xuất tuyệt vời và lẽ ra nên làm cách đây 1-2 năm. Hiện nay đã có chỉ đạo của Thủ tướng là xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Để làm được phải có tiền, đất và có chính sách.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, vấn đề khó khăn hiện nay là giải quyết chính sách, tiếp theo là tài chính và cuối cùng là đất đai. Bộ Xây dựng đang giải quyết vấn đề tài chính để có một khoản tiền chuẩn bị và hi vọng năm 2024 sẽ có nhiều dự án nhà ở xã hội.

Ngoài ra, Giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại Lê Thành cũng cho rằng đề xuất này là một mũi tên có thể trúng 2 đích. Khi thị trường "đóng băng", gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được đưa ra để phát triển nhà ở xã hội, nhắm vào nhu cầu thực của người dân, từ đó hiệu ứng lan tỏa ra các phân khúc khác. Tương tự, bây giờ chúng ta nhắm vào phân khúc nhà ở xã hội, nhu cầu ở thực là chính xác, sẽ giúp thị trường khởi sắc và phát triển trở lại.

"Dự án nhà ở xã hội cũng là dự án, đều giúp kinh tế phát triển, đồng thời giúp các dự án thương mại dần hồi phục và kéo theo đó là đất nền, biệt thự.... Đây là một đề xuất rất đáng hoan nghênh của Bộ Xây dựng", ông Nghĩa nói.

Cũng theo ông Nghĩa, trong Luật Nhà ở có quy định Nhà nước phải sắp xếp nguồn tiền để tái cấp bù lãi suất cho vay đối với nhà ở xã hội, nhưng sau khi gói 30.000 tỷ kết thúc từ năm 2016 đến nay, nhà nước chưa bố trí nguồn tiền này thì bây giờ cấp bù. Chính vì vậy, ông cho rằng đây là đề xuất cực kỳ khả thi.

Lệ Chi

Theo VietnamFinance