Hà Nội nới lỏng giãn cách, thị trường bán lẻ đang phục hồi mạnh mẽ?

Thị trường bán lẻ Hà Nội đã trải qua một quý III/2021 khó khăn do giãn cách xã hội khi giá thuê thực giảm mạnh. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, nhu cầu mua sắm sẽ hồi phục nhanh sau giãn cách.

Hà Nội nới lỏng giãn cách, thị trường bán lẻ đang phục hồi mạnh mẽ? - Ảnh 1

Do ảnh hưởng của các biện pháp chống dịch, tổng mức bán lẻ và hàng hóa của thị trường giảm mạnh. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động vận tải hành khách tiếp tục gặp khó khăn, với 2.018,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm trước, riêng quý 3/2021 giảm 69,6% do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 114,5nghìn lượt người trong 9 tháng đầu năm 2021, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường bán lẻ quý III/2021 không có dự án mới gia nhập thị trường. Trước diễn biến căng thẳng của làn sóng Covid-19 thứ tư và các chính sách giãn cách xã hội nghiêm ngặt của Chính phủ, các trung tâm thương mại đều rơi vào tình trạng “ cửa đóng then cài” từ ngày 24/7. Theo báo cáo của JLL, kế hoạch khai trương của nhiều dự án mới bao gồm trung tâm thương mại và một số khối đế thương mại buộc phải tạm hoãn đến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Nguồn cầu trên thị trường vẫn giữ ở mức ổn định. Phần lớn các trung tâm thương mại trọng điểm tại Hà Nội vẫn ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trên 90%. Trong đó, tỷ lệ lấp đầy của các trung tâm thương mại trọng điểm ở khu vực trung tâm và khu vực ngoài trung tâm giữ ổn định so với quý trước. Khách thuê có xu hướng dè dặt hơn trong các hoạt động mở rộng và tái ký hợp đồng thuê cho tới khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Giá chào thuê và giá thuê ghi trên hợp đồng tại các trung tâm thương mại trọng điểm vẫn được giữ ổn định. Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế bất ổn và tình hình dịch bệnh phức tạp, các chủ nhà tăng cường hỗ trợ khách hàng bằng các ưu đãi hoặc các chính sách thuê linh hoạt như miễn phí tiền thuê trong thời gian đóng cửa mặt bằng do giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, chủ nhà cũng cân nhắc các chương trình chiết khấu ngắn hạn nhằm hỗ trợ khách thuê hiện nay và thu hút các khách thuê mới. Theo đó, giá thuê thực giảm mạnh, khoảng 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, theo JLL, nhu cầu mua sắm sẽ hồi phục nhanh sau giãn cách. Thị trường bán lẻ Hà Nội dự kiến sẽ đón chào thêm 40.800 m2 sàn đến từ dự án trung tâm thương mại cấp vùng Vincom Smart City tại Nam Từ Liêm trong cuối năm nay, nâng tổng nguồn cung của thị trường lên đến gần 1 triệu m2 sàn. Trong khi đó, các trung tâm thương mại cộng đồng tại các dự án hỗn hợp dự kiến mở cửa trong cuối năm nay vẫn trong quá trình tìm kiếm khách thuê mặt bằng. Tuy nhiên, trong tình hình phức tạp của dịch bệnh, kế hoạch khai trương của các dự án mới này có thể tiếp tục bị trì hoãn. Giá chào thuê được dự đoán sẽ giữ ổn định đến hết năm 2021 do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh. Trong khi đó, giá thuê thực sẽ được điều chỉnh theo chính sách của từng trung tâm thương mại. Bên cạnh đó, tâm lý thị trường được dự đoán sẽ hồi phục nhanh chóng do cơn khát mua sắm của người tiêu dùng đã bị dồn nén trong thời gian dài giãn cách. Chính vì vậy, đây có thể là thời điểm vàng cho các ngành hàng xa xỉ hoặc các thương hiệu lớn có khả năng tài chính tốt tìm kiếm mặt bằng kinh doanh mở rộng thị trường.

Minh Đức

Theo Kinh doanh & Phát triển