Hạ tầng giao thông phát triển sẽ dẫn dắt các phân khúc bất động sản
Hạ tầng giao thông phát triển mang lại nhiều lợi ích to lớn cho thị trường bất động sản vì mối quan hệ tương quan giữa 2 yếu tố này rất chặt chẽ. Thông thường, khi cơ sở hạ tầng mới phát triển thì văn phòng, nhà kho, cửa hàng và khu dân cư thậm chí là bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng cũng được hưởng lợi với xu thế phát triển mới.
Năm 2024 Việt Nam được đánh giá là giai đoạn tăng tốc với mục tiêu giải ngân đề ra lên đến 95%. Với nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đạt tiến độ tốt, mọi phân khúc bất động sản dự kiến sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong dài hạn.
Trong báo cáo Impacts của Savills World Research, Việt Nam đã tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng từ 2,5% GDP năm 2016 lên 6% năm 2020, khi cam kết tạo ra mạng lưới giao thông toàn quốc toàn diện vào năm 2045.
Mạng lưới đó sẽ bao gồm 5.000 km đường cao tốc, một cảng nước sâu và hai tuyến đường sắt cao tốc. Nền tảng sẽ là Sân bay quốc tế Long Thành gần TP. HCM phục vụ 100 triệu hành khách mỗi năm và vận chuyển 5 triệu tấn hàng hóa. Giai đoạn đầu tiên trong bốn giai đoạn sẽ mở cửa vào năm tới và sân bay dự kiến sẽ hoạt động toàn bộ công suất vào năm 2035.
Trước đó, tại Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đầu tư công có vai trò quan trọng, dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%.
Cùng với hiệu quả thúc đẩy động lực tăng trưởng, việc tập trung giải ngân đầu tư công, với các dự án giao thông được đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, giảm giá thành đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; tạo không gian phát triển mới vì đường đi đến đâu, mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhất là phát triển công nghiệp, các khu đô thị, dịch vụ…
Hiện nay, cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại là các dự án đường bộ, chủ yếu là đường bộ cao tốc và các đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai TP.HCM.
Ông Paul Tostevin, Giám đốc Savills World Research cho biết các dự án cơ sở hạ tầng có thể cung cấp lợi ích công cộng hoặc cải thiện hoạt động kinh tế, hoặc đồng thời cả hai mục tiêu này.
Theo ông Paul Tostevin, các dự án cơ sở hạ tầng tạo ra việc làm, cả trong giai đoạn xây dựng ban đầu và các doanh nghiệp mọc lên sau đó. Các dự án này cũng tăng tính di động, khả năng đi lại và khả năng tiếp cận các dịch vụ. Trong khi đó, việc cải thiện lưới điện và kết nối kỹ thuật số tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động.
Chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long, cho rằng hạ tầng giao thông là yếu tố tác động lớn đến thị trường bất động sản. Đây là hiện tượng được minh chứng và thường thấy ở bất cứ đô thị nào trên thế giới. Khi giao thông thuận tiện, các dự án được đầu tư nhiều hơn.
Cũng bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Đính đánh giá cơ sở hạ tầng là “bảo chứng phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh” cho thị trường bất động sản. Ngay cả khi thị trường lâm vào trạng thái khó khăn kéo dài, thì địa phương, khu vực nào chú trọng đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng vẫn được ghi nhận là những điểm sáng.
Đưa ra dẫn chứng, ông Đính cho biết, trong khoảng thời gian thị trường bất động sản phải chứng kiến tình trạng khó khăn, trì trệ trên “mọi mặt trận”, không chỉ chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, mà tất cả nhân sự làm trong ngành đều “kiệt quệ” cả về “thể chất lẫn tinh thần”.
Cũng theo các chuyên gia, trong thời gian tới, với sự phục hồi của nền kinh tế, sự phát triển của cơ sở hạ tầng sẽ góp phần cải thiện thu nhập của người dân, từ đó tác động tích cực lên thị trường bất động sản.
Đơn cử như tại khu vực phía Nam, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho rằng, các hệ thống tuyến đường Vành đai không chỉ tác động đến TP.HCM mà cả khu vực Đồng Nai, Bình Dương, Long An, tạo nên sự thay đổi của cả khu vực.
Hay như tuyến đường sắt trên cao (Metro), đã tạo nên diện mạo chung của cả khu Đông TP.HCM. Các dự án bất động sản “ăn theo” theo Metro đã có mức tăng giá rất là cao. Cá biệt có dự án tăng gần 150%. Ngoài ra các dự án tăng từ 50 – 70% là rất nhiều.
Điều này cho thấy hệ thống Metro sắp đưa vào vận hành có thể thay đổi định hướng về đầu tư theo hạ tầng. Trong tương lai TP.HCM đang phát triển các dự án đô thị gắn liền với hệ thống giao thông, trong đó có các tuyến Metro.