Hải Dương đề nghị thu hồi hơn 201,3ha đất để làm 57 dự án, công trình

UBND tỉnh Hải Dương đề nghị thu hồi 201,34 ha đất để thực hiện 57 dự án, công trình trên địa bàn tỉnh. Một số dự án có diện tích đất thu hồi lớn như: Khu dân cư mới Đồng Sau Quán xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng (98.500m2); khu đô thị Quang Thành, thị xã Kinh Môn (99.700m2); khu dân cư mới thị trấn Tứ Kỳ (151.500m2).

Hải Dương: Cần thu hồi hơn 201,3ha đất để thực hiện 57 dự án, công trình
Hải Dương: Cần thu hồi hơn 201,3ha đất để thực hiện 57 dự án, công trình

Đề nghị thu hồi 201,34 ha đất để thực hiện 57 dự án

Chiều 20/3, tại Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII, UBND tỉnh đã có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh chấp thuận thu hồi đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện các dự án, công trình phát sinh năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Hải Dương đề nghị thu hồi 201,34 ha đất để thực hiện 57 dự án, công trình trên địa bàn tỉnh. Một số dự án có diện tích đất thu hồi lớn như: Khu dân cư mới Đồng Sau Quán xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng (98.500m2); khu đô thị Quang Thành, thị xã Kinh Môn (99.700m2); khu dân cư mới thị trấn Tứ Kỳ (151.500m2); đầu tư nhà máy sản xuất cấu kiện thép và gia công cơ khí ở cụm công nghiệp Nhân Quyền, huyện Bình Giang (12.603m2)...

Tại tờ trình này, UBND tỉnh Hải Dương cũng đề nghị HĐND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng 122,29ha đất trồng lúa và 2,07ha đất rừng phòng hộ để thực hiện 101 dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.

Cũng tại tờ trình này, một số dự án có diện tích được đề nghị chuyển mục đích sử dụng lớn là: Khu dân cư mới phía Tây Bắc phường An Lưu, thị xã Kinh Môn (80.000m2); khu dân cư mới thôn Kim Lôi, xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn (37.000m2); đường gom dọc quốc lộ 5 phải tuyến từ ngã tư Ghẽ đi ngã tư Lai Cách (km40+240-km43+870), các đoạn còn lại và từ khu đô thị thương mại Lai Cách đến hết Công ty Cổ phần giầy Cẩm Bình bên trái tuyến (5.500m2)...

Sau khi xem xét, ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã nhất trí chấp thuận thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện các dự án, công trình phát sinh trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Bổ sung thêm 593 tỷ đồng xây dựng đường vào Côn Sơn - Kiếp Bạc

Cũng tại Kỳ họp thứ 13, UBND tỉnh Hải Dương đề nghị đầu tư hơn 564 tỷ đồng xây dựng đường vào khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (TP Chí Linh), đoạn 1/2 tuyến bên trái từ ngã ba An Lĩnh đến ngã ba Đầu Rồng và điều chỉnh thêm hơn 29 tỷ đồng xây dựng đoạn từ quốc lộ 37 vào chùa Côn Sơn.

Theo tờ trình của UBND tỉnh về việc đề nghị quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vào khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đoạn 1/2 tuyến bên trái từ ngã ba An Lĩnh đến ngã ba Đầu Rồng, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh.

Tổng mức đầu tư dự án là hơn 564 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là gần 309 tỷ đồng, chi phí đầu tư xây dựng là hơn 177,3 tỷ đồng và các chi phí khác. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh (nguồn vốn đầu tư công trung hạn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025 tỉnh Hải Dương). Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2023-2025.

Liên quan đến việc xây dựng đường vào khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, UBND tỉnh cũng trình tờ trình đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đoạn từ quốc lộ 37 vào chùa Côn Sơn, tổng mức đầu tư điều chỉnh là hơn 279 tỷ đồng.

Mức đầu tư này tăng hơn 29 tỷ đồng so với mức đầu tư đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 12/7/2021 của HĐND tỉnh. Nguồn vốn đầu tư dự án điều chỉnh có 200 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và hơn 79 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, từ nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Nguyên nhân điều chỉnh là do nguồn thu ngân sách của thành phố Chí Linh khó khăn và không bố trí được vốn thực hiện dự án này. Cùng với đó, khái toán kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án lập tăng so với thời điểm lập, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Chưa hết, giá nhiên liệu, vật liệu tăng đột biến, giá nhân công cũng được điều chỉnh.

Minh Đức

Theo VietnamFinance