Hài hòa lợi ích, phát triển bền vững thị trường

Bức tranh kinh tế nói chung được kỳ vọng sẽ tiếp đà phục hồi sau suy thoái, các ngành sản xuất đi vào hoạt động ổn định. Khi việc thực hiện các nghị định, quy định mới đã “vào guồng”, thị trường bất động sản sẽ phát triển lành mạnh, giá bán được kiểm soát.

 

Hài hòa lợi ích, phát triển bền vững thị trường - Ảnh 1
Các chuyên gia nhận định, năm 2023, một số chính sách mới dự báo sẽ mang đến những tác động lớn với thị trường bất động sản.

Thị trường bất động sản chuẩn bị cho lực bật mới

Theo thống kê, thị trường kém thanh khoản khiến cho hoạt động của doanh nghiệp (DN) môi giới bất động sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 10 tháng đầu năm 2022, số lượng DN tạm dừng kinh doanh có thời hạn là gần 2.300 DN, tăng 52,8% so với cùng kỳ. Nhiều DN phải tái cơ cấu lại mô hình, giảm quy mô, tinh giản hệ thống nhân sự. Giao dịch không có dẫn tới tình trạng doanh thu của các DN môi giới sụt giảm.

Tuy nhiên, trong giai đoạn trầm lắng này cũng có khá nhiều điểm sáng. Trong một cuộc khảo sát mới đây, 92% người được hỏi đã trả lời vẫn có ý định mua bất động sản nhà ở. Đa số thời gian dự kiến mua bất động sản là trên 6 tháng tới (39%), ngay lúc được hỏi (24%) và trên 1 năm (22%).

Theo chuyên gia, trong bối cảnh ngày càng có nhiều quy định về chứng chỉ môi giới, việc chuẩn hóa đội ngũ sẽ giúp DN xây dựng một đội ngũ tinh thông chuyên môn, dày dạn kinh nghiệm, chuẩn hóa hành vi, ứng xử, phù hợp với các quy định pháp luật - một cách củng cố nguồn lực cho tương lai.

Song song đó, cần tiến hành sàng lọc, tinh giản hệ thống, tuyển dụng nhân sự có chọn lọc. Nâng cao uy tín, các DN môi giới nên chọn lọc chủ đầu tư uy tín, đủ năng lực triển khai dự án. Đồng thời, xây dựng chiến lược lâu dài, sẵn sàng đối phó các kịch bản xấu trong bối cảnh thị trường còn nhiều diễn biến khó lường.

Về phía nhà đầu tư, nên hạn chế tham gia thị trường với tâm lý đầu cơ mà nên đầu tư với tầm nhìn dài hạn. Bên cạnh đó, không nên sử dụng đòn bẩy tài chính, tránh đầu tư theo hiệu ứng đám đông. Trước khi quyết định “xuống tiền”, nên đánh giá nhu cầu, lựa chọn sản phẩm thực sự phù hợp với khả năng tài chính.

Việc tháo gỡ những vướng mắc pháp lý cho DN giúp tình trạng nguồn cung được cải thiện. Ổn định lãi suất cho vay, nới tín dụng, đặc biệt vào bất động sản là các yếu tố quan trọng để giao dịch trên thị trường dần sôi động trở lại.

Với những dự báo triển vọng thị trường trong dài hạn trên, các chuyên gia cho rằng, thị trường đang "ấm trở lại", nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho các ngân hàng. Đây cũng chính là giai đoạn vàng để nhà đầu tư có thể chọn được hàng tốt cho những chiến lược đầu tư bền vững.

Việc siết tín dụng vào bất động sản thời gian qua là quãng nghỉ để các chủ đầu tư định hướng lại mục tiêu phát triển của doanh nghiệp. Khi không có nguồn vốn dồi dào để phát triển dự án ồ ạt, doanh nghiệp sẽ phải tự đánh giá được kết quả đầu tư hiệu quả hay không, đẩy mạnh hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập, lựa chọn đối tác mới có uy tín và năng lực tài chính để hợp tác đầu tư, nhằm tăng cường nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

Hiện tại, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn thanh lọc mạnh mẽ để chọn ra những dòng sản phẩm tiềm năng, những chủ đầu tư đủ tiềm lực và đi đúng hướng, những địa phương có lợi thế bền vững. Do đó, nhà đầu tư tham gia vào thị trường lúc này cần am hiểu và nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường hơn, để đưa ra quyết định chính xác. Có thể nói, đây là giai đoạn "vàng" để nhà đầu tư có thể chọn được sản phẩm tốt tạo nguồn cung bền vững cho thị trường.

Hài hòa lợi ích, phát triển bền vững thị trường - Ảnh 2
Ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ.

Nhiều chính sách mới tác động lớn đến thị trường bất động sản năm 2023

Từ năm 2022 đã có nhiều Nghị quyết, Nghị định mới ban hành liên quan đến chính sách cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên với "độ trễ" thông thường, những chính sách này sẽ có nhiều tác động với thị trường kể từ năm 2023.

Các chuyên gia nhận định, năm 2023, một số chính sách mới liên quan khung giá đất, đánh thuế bất động sản, hồ sơ chào bán, pháp lý dự án... dự báo sẽ mang đến những tác động lớn với thị trường bất động sản.

Trong đó phải kể đến Nghị định 44/2022/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản và Nghị định số 42/2022/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng. Cả 2 nghị định này được ban hành vào cuối tháng 6 và hiệu lực giữa tháng 8/2022.

Theo đó, nghị định quy định rõ việc sử dụng thông tin dữ liệu thị trường nhà ở; yêu cầu chủ đầu tư phải cung cấp thông tin về dự án và lượt giao dịch bất động sản cho Sở Xây dựng; yêu cầu công khai giấy tờ pháp lý dự án bất động sản và thông tin về thị trường nhà ở. Nhiều chuyên gia nhận định, việc công khai các thông tin về thị trường nhà ở sẽ giúp thị trường lành mạnh và phát triển bền vững hơn.

Đối với quy định sử dụng thông tin dữ liệu thị trường nhà ở, Nghị định cũng nêu rõ hình thức khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản gồm: Dữ liệu online từ cổng thông tin của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản hoặc qua cổng thông tin điện tử của các sở xây dựng.

Đáng chú ý, Điều 18 của Nghị định 44/NĐ-CP cũng yêu cầu các chủ đầu tư dự án bất động sản phải cung cấp thông tin, dữ liệu về dự án, sản phẩm đủ điều kiện giao dịch và lượt giao dịch bất động sản cho Sở xây dựng theo biểu mẫu trong mỗi kỳ báo cáo. Cụ thể là các thông tin kê khai, dữ liệu về dự án, cơ cấu loại bất động sản của dự án cần được thực hiện trước khi có thông báo khởi công hoặc trước khi được cấp giấy phép xây dựng để thực hiện dự án.

Cùng đó là các thông tin kê khai về bất động sản đủ điều kiện giao dịch, đăng tải văn bản thông báo của Sở Xây dựng về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai phải được thực hiện trước khi chủ đầu tư đưa sản phẩm trong dự án ra giao dịch.

Những biểu mẫu kê khai, cung cấp thông tin cũng rất cụ thể, rõ ràng đối với từng trường hợp như: Chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án và phải điều chỉnh, sửa đổi lại thông tin, dữ liệu về dự án. Hoặc kê khai, cung cấp thông tin, dữ liệu về tình hình giao dịch bất động sản của dự án. Trường hợp sàn giao dịch cung cấp thông tin, dữ liệu thì các biểu mẫu kê khai, cung cấp dữ liệu, thông tin nói trên phải gửi về Sở Xây dựng nơi có bất động sản phát sinh giao dịch.

Như vậy, Nghị định 44/2022/NĐ-CP sẽ góp phần minh bạch thông tin thị trường bất động sản, giúp cơ quan quản lý có thể tham gia điều tiết thị trường, kiểm soát pháp lý dự án, giúp người mua nhà có cơ sở thông tin, dữ liệu về dự án, tránh các trường hợp mua sản phẩm dự án chưa đủ điều kiện mở bán. Đây cũng sẽ là những cơ sở tạo niềm tin cho người mua nhà, giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững hơn.

Ngoài ra, một trong những chính sách quan trọng được quan tâm phải kể đến Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao có những điểm mới về chính sách đất đai.

Trong số đó có việc hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật khác có liên quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; bỏ khung giá đất, có phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; người sở hữu nhiều nhà, đất sẽ đánh thuế cao hơn; giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; cơ sở tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất theo quy định.

Cùng đó, người dân bị thu hồi đất sẽ có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ tái định cư và mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Đồng thời, quy định chế độ sử dụng đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, việc sửa Luật Đất đai vừa kế thừa, phát huy các quy định của pháp luật về đất đai đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng đắn, vận hành thông suốt, vừa khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Theo nội dung tại Nghị quyết 156/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương xem xét ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả, có khả năng trả nợ, đáp ứng các quy định của pháp luật.

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, thích ứng kịp thời với diễn biến tình hình trong và ngoài nước; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên tạo động lực tăng trưởng, trong đó có các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Bảo đảm thanh khoản, an toàn của hệ thống ngân hàng gắn với tăng cường thanh tra, giám sát. Có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ, tình trang đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung xử lý nợ xấu và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Bên cạnh đó, NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao tín nhiệm, tăng cường minh bạch thông tin và kiểm soát chặt chẽ rủi ro.

Thanh Xuân

Theo Kinh doanh và Phát triển