Hàng loạt bộ ngành và Ngân hàng Nhà nước vào cuộc ngăn chặn, thị trường nhà đất liệu có “hạ sốt”?
Trước việc giá đất ở một số nơi tăng đột biến gây ra hiện tượng “sốt ảo”. Theo đó cả Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ KH&ĐT và Ngân hàng Nhà nước đã đồng loạt vào cuộc, yêu cầu các tỉnh, thành tăng cường rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất.
Cả 3 Bộ và Ngân hàng Nhà nước vào cuộc chấn chỉnh giá đất
Trước hiện tượng giá đất tăng ở các địa phương, gây hiện tượng sốt ảo làm ảnh hưởng đến điều hành phát triển kinh tế và triển khai các dự án đầu tư, ngày 30/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Quản lý đất đai kiểm tra 26 tỉnh việc thực hiện quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Riêng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ kiểm tra việc đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quản lý sử dụng đất tại một số dự án, công trình không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng…
Ngay ngày hôm sau, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 31/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình Chính phủ các báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2021; báo cáo dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 và dự kiến Chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025.
Theo đó, vị Bộ trưởng nhiều lần lưu ý tới các diễn biến gần đây trên một số loại thị trường. Vị này đã cập nhật kịch bản tăng trưởng GDP cả năm, đồng thời, cảnh báo tình trạng giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh, “nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh”.
“Một phần nguyên nhân do lãi suất ở mức thấp, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản, một phần do công tác quản lý đất đai, quy hoạch và việc thổi giá của đối tượng môi giới, tạo nên các cơn sốt đất, khiến giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp diễn biến của dịch bệnh”, Bộ trưởng nhận định. Do đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu trong thời gian tới cần chú trọng theo dõi sát diễn biến các thị trường trên, không để xảy ra tình trạng bong bóng thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Trước đó vài ngày, Bộ Xây dựng cũng có công văn đề nghị các địa phương thực hiện kịp thời các biện pháp quản lý, không để xảy ra tình trạng sốt giá, bong bóng bất động sản trên địa bàn. Cụ thể, các địa phương sẽ phải tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính.
Để chấn chỉnh giá đất, bộ này cũng đề nghị các địa phương thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản. Đồng thời cần có biện pháp quản lý, kiểm soát hữu hiệu hoạt động môi giới,…
Sau Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên & Môi trường đến lượt Ngân hàng nhà nước cũng đã lên tiếng về tình trạng sốt đất thời gian qua. Cụ thể, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 31/3, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có ý kiến xung quanh câu chuyện sốt đất.
Theo ông Tú, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó có việc một số đối tượng cơ hội, tung tin không chính xác dựa vào một số vấn đề hiện nay trong công tác điều hành giá cả, thuế đất… để kiếm chênh lệch, lợi nhuận từ việc đầu cơ. Trước thực tế trên, Ngân hàng nhà nước thường xuyên kịp thời cảnh báo các tổ chức tín dụng khi có những dấu hiệu của sự không đảm bảo ổn định, cũng như có những dấu hiệu hụt dòng vốn trong đầu tư quá lớn.
Cũng theo Phó Thống đốc, đến ngày 15/3, dư nợ cho vay bất động sản của ngành ngân hàng tăng 2,13%, cao hơn tốc độ tăng tín dụng hiện nay (2,04%) song so với năm ngoái thì việc tăng này là tích cực.
Ông phân tích, tín dụng đối với bất động sản có 2 lĩnh vực, gồm tín dụng vào kinh doanh bất động sản, đầu cơ bất động sản hay phân khúc thị trường cao cấp, các dự án mà khả năng thanh khoản, hiệu quả đầu tư bất động sản trong tương lai không cao… Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ và hạn chế, kể cả có những chế tài trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, tín dụng ngân hàng cũng đầu tư vào các lĩnh vực để giúp cho việc thanh khoản của các loại sản phẩm hàng hóa là tiêu dùng bất động sản, đơn cử: Nhà cho người thu nhập thấp hay là phân khúc thị trường nhà giá rẻ, mang tính chất thương mại phục vụ cho tiêu dùng, nhu cầu sử dụng của người dân…
“Trước tình hình bất động sản có những dấu hiệu nóng, Ngân hàng Nhà nước đã giám sát và cũng có cảnh báo tới các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên hiện nay mức tăng 2,13% này cũng không phải ở tất cả các tổ chức tín dụng mà chỉ có một vài tổ chức tín dụng cho vay, có thể hơn mức bình thường so với trước đây,” ông Tú cho hay.
Liệu có “kìm” được tình trạng “sốt đất ảo”?
Trước việc giá đất ở một số nơi tăng đột biến nhiều địa phương cũng đã không đứng ngoài cuộc, hàng loạt văn bản cảnh báo về tình trạng đầu cơ thổi giá đã được ban hành. Đơn cử như tại khu vực phía Bắc, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan kiềm chế ngăn ngừa tình trạng mua bán và nâng giá đất trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, tại Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều,… đã xảy ra tình trạng tăng giá đất đột biến ở một số khu vực, đặc biệt là TP Hạ Long. Một số dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật nhưng tình trạng mua bán đã diễn ra sôi động. Theo tìm hiểu, đây đều là các hoạt động mua đi, bán lại với nhau trong chính các nhóm môi giới đang thao túng gây rối thị trường, tạo các giao dịch “mồi” để dụ khách hàng.
Trong khi đó, Bắc Giang cũng đã yêu cầu UBND cấp xã các khu vực có dấu hiệu gia tăng đột biến tình trạng chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, “sốt ảo” phải được chú ý đặc biệt để chỉ đạo cơ quan chuyên môn. Tỉnh này cũng sẽ tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản, tổ chức kiểm tra, có biện pháp xử lý các tổ chức cá nhân có hành vi môi giới, kinh doanh sai quy định tại các khu vực có dự án khu đô thị, khu dân cư…
Hay như tại khu vực miền Trung, UBND tỉnh Quảng Nam mới đây đã có công văn yêu cầu các sở, ngành liên quan theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Với Quảng Trị, thời gian qua, nhiều tập đoàn lớn và nhiều nhà đầu tư bất động sản, du lịch sinh thái, khu đô thị thương mại,… đã đến địa phương để tìm hiểu đầu tư theo quy hoạch của tỉnh. Lợi dụng thông tin này, giá đất tại một số khu đô thị tại TP Đông Hà tăng mạnh. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập quy hoạch đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021.
Tại Phan Thiết (Bình Thuận) cách đây đúng 1 tháng tình trạng đất tăng đột biến cũng đã xuất hiện. Ngay khi có thông tin giá đất bị “thổi phồng”, Chủ tịch UBND TP Phan Thiết đã ban hành văn bản yêu cầu UBND xã Thiện Nghiệp chấn chỉnh, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lấn chiếm đất đai, mua bán, chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng đất trái quy định của pháp luật, nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Có lẽ bài học về cơn sốt đất ảo diễn ra tại khu vực sân bay Técníc tại Bình Phước, huyện Hớn Quản vẫn còn đó, tuy nhiên tình trạng giới đầu cơ thi nhau đẩy giá đã khiến thị trường BĐS nhiều tỉnh rơi vào tình trạng “sốt nóng” chưa từng có. Tuy nhiên để chấm dứt hiện tượng này có lẽ không phải một sớm một chiều là xong.
Nói về Hệ quả của việc sốt đất, Tổng Thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng, nếu cứ kéo dài hiện tượng này sẽ làm giảm nguồn lực phát triển ở nhiều ngành, lĩnh vực khác. Đồng thời, cản trở mạnh việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào địa phương vì giá đất tăng khiến các chi phí khác tăng theo. Bên cạnh đó, các chính sách phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở giá rẻ cũng khó được triển khai…