'Hố sâu' bất động sản Trung Quốc: Người dân 'chồng' tiền 8 năm chưa có nhà
Một nhóm khoảng 1.500 người mua nhà ở thành phố Thiên Tân, gần Bắc Kinh, Trung Quốc, vẫn chưa thấy – chứ đừng nói đến việc chuyển đến – những căn hộ mà họ cho biết đã trả tiền mua từ 8 năm trước.
Chung cư bán 8 năm vẫn chưa có nhà
Khu chung cư phức hợp ở Thiên Tân, Trung Quốc đã bán các căn hộ trước khi chúng hoàn thành. Theo một số người mua nhà, chủ đầu tư hứa hẹn bàn giao vào năm 2019, nhưng cho tới 5 năm sau, tức hiện tại, vẫn chưa có nhà để giao cho khách hàng.
Trong khi đó, một số người mua đã trả toàn bộ tiền từ khi mở dự án, số khác cũng chia ra từng đợt trả và cũng đã hoàn thành.
“Tôi cảm thấy như mình đã bị lừa suốt thời gian qua. Yêu cầu duy nhất của tôi là tôi có thể trả lại căn nhà và lấy lại tiền. Kể cả có lấy được căn nhà bây giờ, tôi cũng cảm thấy thật tệ", một người mua chia sẻ với báo chí.
Một số người mua khác thì cho biết họ mua căn hộ để làm nơi bố mẹ nghỉ hưu hoặc cho con cái đi học gần đó. Trong 8 năm chờ đợi để chuyển đến, một người mua cho biết cha mẹ của họ đã qua đời trong khi chờ nhà mới, người khác thì cho hay con họ đã lớn và đã tìm được trường học khác.
Sau một số nỗ lực ban đầu nhằm lấy lại tiền hoặc thu thập thông tin về việc mua bất động sản, một số người mua cho biết cảnh sát đã đến thăm nhà họ, đôi khi vào lúc nửa đêm.
"Vòi" thêm tiền dù giao nhà muộn
Nhà phát triển của dự án chung cư nói trên - Zhuoda Yidu, cuối tháng 4 vừa qua đã yêu cầu người mua nhà phê duyệt phương án giải quyết tranh chấp.
Theo đó, nhà phát triển cho biết các căn hộ có thể được hoàn thành vào năm 2025 hoặc 2026, nếu người mua đồng ý trong vài tuần tới thanh toán một số khoản còn lại, cùng với một số chi phí khác do chủ đầu tư xác định.
Đề xuất không đưa ra giải pháp thay thế và cho biết tài sản phải được định giá lại theo giá trước khi thị trường BĐS sụt giảm (tức giá trị gấp đôi hoặc gấp nhiều so với hiện tại), theo so sánh với giá môi giới niêm yết.
Tuy nhiên, văn bản này không đề cập tới 8 năm hao mòn và những gián đoạn đối với kế hoạch cuộc sống của các gia đình người mua.
“Tiền trả trước là của bố tôi. Tôi không thể nói với ông ấy rằng nó vẫn chưa hoàn thiện. Trong thời gian diễn ra Covid, tôi đã nói với ông ấy rằng có sự chậm trễ. Bây giờ Covid đã biến mất và không có lời bào chữa nào cả”, một người mua nói về ngôi nhà mua vào năm 2016.
Tình hình này khiến nhiều người mua cảm giác rằng dù họ có bỏ ra bao nhiêu tiền thì cũng sẽ không bao giờ nhận được nhà. Một người mua nhà cho biết trong một cuộc trò chuyện nhóm với khoảng 500 người mua trên mạng xã hội, khoảng 90% đã từ chối đề xuất của nhà phát triển.
Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng (Trung Quốc), cho biết đây là lần đầu tiên cô nghe nói người mua nhà phải trả nhiều tiền hơn để có được căn hộ đã hoàn thiện.
Cô Wang cho biết trước đại dịch Covid-19, thỉnh thoảng xảy ra trường hợp giao nhà chậm trễ, đặc biệt là ở các thành phố như Thiên Tân, nơi phát triển bất động sản tăng vọt vào năm 2014 và 2015.
Theo cô Wang, tại thời điểm đó, chính quyền địa phương và các nhà phát triển thường sẽ nhanh chóng tìm ra giải pháp vì nó liên quan đến rất nhiều tiền đối với một gia đình bình thường.
Nhưng cô Dan Wang lưu ý rằng tình trạng giao hàng bị chậm trễ sau Covid đã gia tăng, do các nhà phát triển phải vật lộn để tiếp tục hoạt động, dẫn đến “sự cố hệ thống”.
Thế khó của nhà phát triển BĐS Trung Quốc
Tổng cộng, Nomura ước tính vào cuối năm ngoái rằng có khoảng 20 triệu căn nhà chưa được xây dựng và chưa hoàn thiện ở Trung Quốc.
Nhận xét về tình trạng đang diễn ra, cô Dan Wang, nói: “Tôi nghĩ đây chỉ là một sự phản ánh khác về mức độ khó khăn của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc”.
“Những gì đang xảy ra ở Thiên Tân không phải là một hiện tượng hiếm lạ. Tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều trường hợp như vậy xảy ra trong thời gian tới”, cô Dan nói thêm.
Các nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc hiện đang phải gánh mức nợ cao khi họ mở rộng nhanh chóng trong thời kỳ thị trường bất động sản bùng nổ trong những thập kỷ qua. Tốc độ phát triển dựa vào nợ đã vượt xa nhu cầu.
Một trong những trường hợp nổi tiếng là công ty bất động sản Evergrande vỡ nợ vào cuối năm 2021. Vào thời điểm đó, công ty là nhà phát triển mắc nợ nhiều nhất thế giới và có các dự án trị giá 1.260 tỷ NDT (174 tỷ USD) được xây dựng từ năm 2020 - nhiều hơn khoảng 70% so với số tiền công ty có thể bán trong năm đó.