Hòa Phát đề xuất đầu tư 120.000 tỷ đồng cho 2 dự án tại Phú Yên

Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) muốn đầu tư cảng biển và hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp ở Phú Yên, quy mô lên tới 120.000 tỷ đồng. Dự án khi đi vào vận hành sẽ đóng góp ngân sách 6.000 tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm cho 12.000 lao động.

Mới đây, ông Trần Hữu Thế (Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên) đã có buổi làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát để nghe công ty trao đổi, tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án cảng biển Bãi Gốc và dự án hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Hòa Tâm.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Hữu Thế cho biết để sớm hiện thực hóa dự án tại địa phương, tỉnh sẽ giao các ngành chức năng liên quan hỗ trợ, tạo các điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư tìm hiểu, khảo sát khu vực đề xuất. Tuy nhiên dự án đầu tư phải phù hợp quy hoạch và đảm bảo công tác bảo vệ môi trường theo quy định.

Mô hình cảng Bãi Gốc gắn với Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô.  
Mô hình cảng Bãi Gốc gắn với Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô.  

Tại buổi làm việc, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã giới thiệu tổng quan về hoạt động sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn. Đồng thời, bày tỏ mong muốn đầu tư dự án cảng biển Bãi Gốc và dự án hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Hòa Tâm, với tổng mức đầu tư khoảng 120.000 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện dự án dự kiến là 36 tháng kể từ ngày bàn giao đất và cấp giấy phép xây dựng. Khi đi vào vận hành, dự án sẽ đóng góp ngân sách khoảng 6.000 tỷ đồng/năm, giải quyết khoảng 12.000 lao động.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên, mục tiêu đầu tư công nghiệp, cảng biển là cơ bản phù hợp với danh mục các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư trên địa bàn tỉnh Phú Yên; các dự án có quy mô lớn, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế – xã hội tỉnh phát triển nhanh trong thời gian đến và đưa vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của thị xã Đông Hòa được UBND tỉnh phê duyệt.

Trước đó, trong văn bản kiến nghị Bộ GTVT, cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét, bổ sung dự án đê chắn sóng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn Trung ương giai đoạn 2021-2025 và ưu tiên bố trí nguồn vốn để lập thủ tục chuẩn bị đầu tư, tiến tới thực hiện đầu tư dự án.

Theo định hướng đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, Khu kinh tế Nam Phú Yên được tiếp tục phát triển trở thành khu kinh tế tổng hợp đa chức năng và các ngành công nghiệp gắn với cảng biển, trở thành một trung tâm dịch vụ và du lịch cấp quốc gia và khu vực.

Việc đầu tư cảng nước sâu Bãi Gốc và khu hậu cần cảng biển có ý nghĩa quan trọng, phát huy được các lợi thế, gắn trung tâm logistics với hệ thống cảng biển, cảng hàng không, đường thủy nội địa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng, tạo động lực thu hút những dự án công nghiệp, dịch vụ lớn đầu tư vào Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Cảng biển nước sâu Bãi Gốc được thiết kế để tiếp nhận các luồng hàng hóa cho KCN Hòa Tâm và vùng đặc khu kinh tế (nằm ở phía Bắc của cảng), đồng thời có vai trò tiềm năng trong trung chuyển hàng hóa và lưu kho bãi chiến lược. Mực nước sâu tự nhiên của cảng Bãi Gốc là một trong những lợi thế lớn.

Tuy nhiên, để đầu tư cảng nước sâu Bãi Gốc cần đầu tư đê chắn sóng là một trong những hạng mục thuộc quy hoạch cảng Bãi Gốc (theo Quyết định số 921/2012 của Cục Hàng hải VN) với chiều dài gần 2.400m, kinh phí đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét, bổ sung dự án đê chắn sóng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn Trung ương giai đoạn 2021-2025.

Thanh Xuân

Theo Kinh doanh & Phát triển