Hòa Phát đề xuất đầu tư khoảng 2.000 lô đất tái định cư để phục vụ làm dự án tại Quảng Ngãi

Mới đây, CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất (thành viên CTCP Tập đoàn Hòa Phát, Mã: HPG) đã đề xuất đầu tư xây dựng các khu tái định cư khoảng 2.000 lô trên địa bàn Khu kinh tế (KKT) Dung Quất.

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cũng đang lấy ý kiến về đề xuất trên của Hòa Phát.

Đồng thời UBND huyện Bình Sơn cho rằng, để tránh tình trạng khi triển khai các thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì không có đất cấp, dẫn đến chậm trễ giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ dự án và gây bức xúc cho người dân thì việc Hòa Phát có ý đề xuất 2.000 lô đất tái định cư là hoàn hoàn hợp lý và cần thiết.

Tuy nhiên, UBND huyện cho biết, hiện nay trên địa bàn KKT Dung Quất còn rất nhiều lô đất trong các khu tái định cư do Nhà nước đầu tư xây dựng, đã hoàn thành đủ điều kiện cấp tái định cư.

Do đó, để tránh tình trạng lãng phí đất tại các khu tái định cư do Nhà nước đã đầu tư xây dựng và chuẩn bị trước quỹ đất tái định cư trước khi triển khai thực hiện các thủ tục cần thiết thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất, Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu theo đề xuất của Ban quản lý KKT Dung Quất tại văn bản số 1716 ngày 27/8, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Hòa Phát đề xuất 2.000 lô đất tái định cư để làm dự án tại Dung Quất.  
Hòa Phát đề xuất 2.000 lô đất tái định cư để làm dự án tại Dung Quất.  

Trước đó tỉnh Quảng Ngãi thống nhất huyện Bình Sơn xây dựng khu tái định cư Vạn Tường tại xã Bình Hải để phục vụ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án đầu tư trong KKT Dung Quất, trong đó có các dự án của Hòa Phát.

Được biết, dự án khu tái định cư Vạn Tường có diện tích đất quy hoạch 26,6 ha, giai đoạn 1 dự kiến tổng mức đầu tư 257 tỷ đồng. Dự án được triển khai thực hiện ở tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn để phục vụ dự án mở rộng Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2 tại KKT Dung Quất.

Liên quan đến dự án khu tái định cư Vạn Tường, thời điểm đầu tháng 8/2021 UBND huyện Bình Sơn đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi về tiến độ thực hiện và tồn tại khó khăn, vướng mắc ở dự án này.

Cụ thể, thời điểm đó UBND huyện Bình Sơn đã quyết định thu hồi đất, phê duyệt hai phương án bồi thường với diện tích đất 9,3 ha, kinh phí hơn 19 tỷ đồng, tuy nhiên chưa có nguồn kinh phí để chi trả. UBND huyện Bình Sơn đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ trước mắt 60 tỷ đồng.

Đối với phần diện tích đất còn lại trong phạm vi thực hiện dự án khoảng 17,2 ha, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện đã thực hiện xong công tác kiểm kê đất và cây cối, hoa màu trên đất bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, không thể thực hiện được công tác áp giá, lập phương án bồi thường để thẩm định, phê duyệt, chi trả tiền, giải phóng mặt bằng.

Theo đó, UBND huyện Bình Sơn đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét, cho phép UBND huyện Bình Sơn được tiếp tục áp dụng đơn giá bồi thường về cây cối, hoa màu quy định tại Quyết định số 49 ngày 18/8/2017 và Quyết định số 17 ngày 21/8/2020 của UBND tỉnh để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và giải phóng mặt bằng.

Uyển Nhi

Theo Kinh doanh & Phát triển